Nghiên cứu cho thấy Omicron nhẹ hơn Delta trong số bệnh nhân Covid-19 nhập viện

17/01/2022 13:48 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Nghiên cứu mới đăng trên trang y tế medRxiv cho thấy biến thể Omicron gây các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến thể trước đó của virus SARS-CoV-2. Nguy cơ phải điều trị tích cực giảm 74%, trong khi nguy cơ tử vong giảm 91%. Bên cạnh đó, các bệnh nhân nhiễm Omicron phục hồi nhanh hơn và được xuất viện sớm hơn các bệnh nhân nhiễm Delta.

Hội chứng hậu Covid-19 – Làm gì để vượt qua?

Hội chứng hậu Covid-19 – Làm gì để vượt qua?

Tại Việt Nam hiện có hơn 2 triệu ca mắc Covid-19, chiếm gần 2% dân số. Trong số đó có nhiều bệnh nhân mắc hội chứng hậu Covid-19 với các triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, khó thở, giảm tập trung, rối loạn giấc ngủ, thậm chí rối loạn nhận thức...

Đó là kết quả nghiên cứu dựa trên dữ liệu của các ca mắc COVID-19 tại hệ thống chăm sóc y tế Kaiser Permanente ở Nam California (Mỹ) từ ngày 30/11/2021 đến ngày 1/1/2022.

Số liệu cho thấy người nhiễm Omicron ở độ tuổi 20-30 tuổi nhiều hơn so với người nhiễm Delta ở độ tuổi này. Bên cạnh đó, các ca nhiễm Delta hầu hết ở khu vực có thu nhập thấp hơn, là người da trắng và có bệnh nền. Số ca nhiễm Omicron tăng theo tuần, trừ tuần Giáng Sinh, thời điểm kỳ nghỉ làm giảm tiến độ xét nghiệm.

Các phân tích cho thấy số ca tái nhiễm với Omicron nhiều hơn tái nhiễm với Delta. Trong số những ca nhiễm Omicron, số người tái nhiễm trong vòng 90 ngày trở lên cao gấp 4,45 so với tái nhiễm Delta. Hơn nữa, người đã tiêm phòng nhiễm Omicron nhiều hơn Delta.

Omicron nhẹ hơn Delta, dịch bệnh, nhập viện vì Covid, nghiên cứu dịch bệnh, Covid-19, biến thể, biến thể Omicron, Omicron, triệu chứng, điều trị triệu chứng
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Washington, D.C., Mỹ, ngày 13/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Trong số 88 người phải nhập viện vì nhiễm Omicron, 95,5% có triệu chứng. Tương tự, 98,9% bệnh nhân nhiễm Delta nhập viện có triệu chứng. Khoảng 7 bệnh nhân nhiễm Omicron phải điều trị tích cực, gồm 5 người ban đầu là bệnh nhân ngoại trú. Một người tử vong. Không ai phải thở máy. Trong khi đó, trong số người phải nhập viện vì nhiễm Delta, 23 người phải điều trị tích cực, 14 ca tử vong và 11 bệnh nhân phải thở máy. Nguy cơ cần thở máy hằng ngày ở người nhiễm Delta cao hơn nhiều bệnh nhân nhiễm Omicron.

Khoảng 79,7% bệnh nhân nhiễm Omicron có các triệu chứng khó thở trước khi nhập viện, so với 80% ở bệnh nhân nhiễm Delta.     Trong số người đã nhập viện, khoảng 9,4% ca nhiễm Omicron chứng kiến các bệnh về hô hấp nặng hơn. Trong khi đó, gần 16% số ca nhiễm Delta có triệu chứng hô hấp nặng hơn sau khi nhập viện.

Tỷ lệ ca nhiễm Omicron phục hồi sau khi nhập viện cao hơn ca nhiễm Delta. Khoảng 83,5% ca nhập viện vì Omicron đã xuất viện trước ngày 1/1/2022, trong khi con số này là 77,8% ở những ca nhập viện vì Delta. Thời gian nằm viện của các ca nhiễm Omicron ngắn hơn gần 70% so với các ca nhiễm Delta. Thời gian nằm viện trung bình đối với ca nhiễm Omicron là 1,5 ngày và 90% bệnh nhân phục hồi trong 3 ngày. Thời gian nằm viện đối với ca nhiễm Delta là gần 5 ngày.

Dù Omicron có thể ít nghiêm trọng hơn các biến thể khác, sự gia tăng ca mắc COVID-19 đang khiến các bệnh viện quá tải và khiến nhân viên y tế tuyến đầu kiệt sức. Việc quá nhiều bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 có thể dẫn tới chăm sóc y tế không kịp thời và gây ra những ca tử vong mà lẽ ra đã có thể tránh được. Nhóm nghiên cứu gợi ý áp dụng nhiều chiến lược khác nhau gồm đeo khẩu trang, cách ly người nhiễm và tiêm phòng để hạn chế lây lan Omicron trong cộng đồng và giảm tải cho hệ thống chăm sóc y tế.

    Bích Liên/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm