Nga-Ukraine: Tìm kiếm một giải pháp đối thoại

28/02/2022 22:12 GMT+7 | Hồ sơ - Tư liệu

(Thethaovanhoa.vn) - Sau 5 ngày Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở vùng Donbass của Ukraine, hai bên đã xác nhận sẽ tiến hành đàm phán "vô điều kiện" tại Belarus. Giới quan sát nhận định những tổn thất cùng dự báo về hệ lụy từ cuộc xung đột khiến cả Nga và Ukraine phải tìm kiếm một giải pháp hòa bình.

Cập nhật tình hình Nga - Ukraine ngày 27/2: Nga và Ukraine đàm phán 'vô điều kiện'

Cập nhật tình hình Nga - Ukraine ngày 27/2: Nga và Ukraine đàm phán 'vô điều kiện'

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về những diễn biến trong quan hệ Nga-Ukraine. Mời quý vị độc giả chú ý theo dõi.

Chiến sự tiếp diễn   

Chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm hỗ trợ hai khu vực Donetsk và Luhansk vừa ly khai khỏi vùng Donbass ở miền đông Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động ngày 24/2 tới nay đã kéo dài sang ngày thứ năm. Lực lượng quân đội Nga pháo kích 'từ mọi hướng', bao vây các thành phố lớn của Ukraine. Lực lượng Nga cũng đã tiến vào thành phố Berdyansk ở miền nam Ukraine, bao vây Chernihiv và căn cứ Vasylki gần thủ đô Kiev.   

Dù Ukraine thừa nhận đối mặt khó khăn song lực lượng Nga vấp phải sức kháng cự đáng kể từ quân đội Ukraine. Chiến sự đang diễn ra quyết liệt tại Kiev và nhiều thành phố khác của Ukraine. Chiến sự ác liệt cũng đã khiến người dân Ukraine ùn ùn rời thủ đô Kiev đi lánh nạn.   

Phía Ukraine đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga, đồng thời khẳng định đã có những thương vong đầu tiên trong cuộc xung đột - chủ yếu là dân thường thiệt mạng do kẹt trong các đợt tấn công của Nga.   

Chú thích ảnh
Binh sĩ Nga di chuyển hướng về Ukraine trên tuyến đường gần Armiansk, Bán đảo Crimea, ngày 26/2/2022. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Phía Nga cũng lần đầu tiên thừa nhận quân đội nước này hứng chịu thương vong trong chiến dịch quân sự, song không công bố con số chi tiết. Nga cũng được cho là thiệt hại không ít khi nhiều khí tài quân sự bị các lực lượng Ukraine phá hủy, dù chưa rõ con số thống kê chính thức.   

Chiến dịch quân sự của Nga cũng đã dẫn tới việc các nước phương Tây sử dụng một biện pháp trừng phạt được đánh giá là cực kỳ mạnh tay đối với Moskva. Vào cuối tuần qua, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh và Canada đã nhất trí chặn một số ngân hàng của Nga khỏi SWIFT. Đây là một phần trong gói trừng phạt bổ sung nhằm mục đích cô lập Nga khỏi hệ thống tài chính toàn cầu, từ đó làm suy yếu nền kinh tế và tài chính của nước Nga.

Các bên cùng thiệt hại   

Giới quan sát nhận định việc Nga xung đột với Ukraine là kịch bản tồi tệ nhất đã được cảnh báo từ nhiều tháng qua và sẽ gây thiệt hại cho cả hai bên liên quan cũng như thế giới.   

Chiến dịch quân sự Tổng thống Putin phát động ở Ukraine đang dần gây ra những tác động cả về kinh tế và xã hội cho chính nước Nga. Giá trị đồng ruble chạm mức thấp nhất kể từ trước đến nay. Một USD hiện nay tương đương gần 84 ruble, trong khi cách đây vài tuần, con số này là 74.

Đồng ruble suy yếu khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng vọt, trong khi loạt biện pháp trừng phạt phương Tây áp đặt với Nga đã ảnh hưởng tới thị trường tài chính và các lệnh hạn chế xuất khẩu có thể làm đảo lộn chuỗi cung ứng. Chưa kể, dự án đường ống dẫn khí đốt Phương Bắc 2 từ Nga sang châu Âu bị đình trệ.   

Không chỉ tác động đến kinh tế, chiến dịch quân sự ở Ukraine dường như cũng đang làm thay đổi một số khía cạnh xã hội Nga. Chiến sự càng kéo dài, Nga càng khó thực hiện mục tiêu về một chiến dịch hạn chế không nhắm vào dân thường Ukraine. Nếu xung đột kéo dài, Nga sẽ phải tiêu tốn khá nhiều chi phí và chắc chắn sẽ phải gánh chịu thêm các biện pháp trừng phạt khốc liệt của Mỹ và phương Tây.

Trường hợp căng thẳng với Ukraine tiếp tục duy trì như hiện nay, Nga vẫn phải hao tâm tốn của và chịu bất ổn ở khu vực biên giới với Ukraine. Lâu dài, việc này sẽ làm xói mòn tiềm lực kinh tế-chính trị-quân sự Nga, từng bước làm suy giảm sức mạnh và ảnh hưởng của Nga trên trường quốc tế.   

Với Ukraine, kinh tế nước này vốn đã thiệt hại nặng sau bốn tháng căng thẳng, diễn biến xung đột này sẽ càng làm kinh tế Ukraine khó khăn hơn. Hoạt động của các cảng biển sẽ không còn suôn sẻ vì lo ngại an ninh với các tàu quân sự Nga. Hàng loạt hãng bay ngưng khai thác không phận Ukraine từ tuần trước.   

Trong khi đó, phương Tây cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi giá cả tăng vọt, đẩy lạm phát lên cao. Dòng chảy hàng hoá cơ bản từ Nga sang phương Tây sẽ bị gián đoạn nghiêm trọng hoặc dừng hẳn trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần, cho tới khi mọi chuyện trở nên rõ ràng hơn.

Chú thích ảnh
Hình ảnh từ vệ tinh Maxar ngày 27/2/2022 cho thấy sân bay Antonov ở thị trấn Hostomel, Ukraine bị phá hủy sau các trận oanh kích. Ảnh: AFP/TTXVN

Tác động tiêu cực với thế giới   

Với thế giới, tác động từ xung đột Nga-Ukraine phản ánh rõ nhất trên lĩnh vực kinh tế. Giá dầu thế giới lần đầu tiên từ năm 2014 đã tăng lên trên 100 USD/thùng. Giá khí đốt ở thị trường châu Âu tăng hơn 30% và giá vàng thế giới cũng bật tăng 0,39% lên 1.915 USD/ounce - gần mức cao kỷ lục trong 9 tháng qua.   

Bên cạnh đó, lúa mì, ngô, nhôm và nickel cũng là những mặt hàng bị khan hiếm khi căng thẳng leo thang - nhất là khi Nga là nhà sản xuất nhôm, nickel lớn thứ ba thế giới và xuất khẩu của nước này có thể bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt và trả đũa. Trong khi Ukraine là một trong những nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới cho các nước đang phát triển, các hoạt động quân sự của Nga có thể đẩy giá lương thực tăng vọt, dẫn đến nạn đói.   

Xung đột kéo dài cũng sẽ làm cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang chịu tổn thương vì đại dịch COVID-19 càng trở nên yếu ớt hơn. Ngành vận tải sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Phần lớn hàng hóa thế giới được chuyên chở bằng tàu biển, nếu Ukraine và các cảng của nước này bị phong tỏa thời gian dài, người mua sẽ phải chuyển sang tìm kiếm con đường khác để đáp ứng nhu cầu chuyên chở và Mỹ sẽ là lựa chọn thay thế trước tiên, bởi nước này có những kho bãi hậu cần lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, việc chuyển hướng này cũng sẽ gây ra hậu quả chậm trễ về thời gian giao hàng.   

Xung đột Nga-Ukraine nếu kéo dài có thể tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn mới và đây sẽ là một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt.

Nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao   

Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp đối thoại nhằm hạ nhiệt cuộc xung đột, ngày 27/2, Điện Kremlin đã xác nhận Ukraine đã đồng ý đàm phán tại khu vực biên giới Belarus. Cuộc đàm phán là kết quả của cuộc điện đàm giữa Tổng thống Zelensky và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko.

Hãng Sputniknews ngày 28/2 đưa tin phái đoàn của Ukraine đã có mặt ở Belarus để tiến hành đàm phán với Nga. Chuyến đi được thực hiện một ngày sau khi Tổng thống Volodymyr Zelensky khẳng định ông cần tận dụng mọi cơ hội để đảm bảo hòa bình cho Ukraine. Văn phòng Tổng thống Ukraine đã xác nhận thông tin Kiev và Moskva sẽ tiến hành đàm phán “vô điều kiện” tại Belarus. Báo chí Ukraine đưa tin dẫn đầu phái đoàn nước này sẽ là Thứ trưởng Ngoại giao Mykola Tochytskyi.

Tránh leo thang xung đột, tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhằm tháo gỡ bế tắc là sự cần thiết hiện nay.

Thanh Lâm/TTXVN (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm