Lo ngại môn Lịch sử bị coi nhẹ, xé lẻ trong giáo dục phổ thông

15/11/2015 19:16 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 15/11, tại Hà Nội, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông. Tham dự hội thảo có các giáo viên, chuyên gia Sử học, đại diện lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. 
Hội thảo nhằm đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố rộng rãi, đặc biệt góp ý vào việc tích hợp môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông. 


Các em học sinh trường THPT Chu Văn An - Hà Nội. Ảnh: Quý Trung - TTXVN

Tại hội thảo, sau khi Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo các vấn đề chính liên quan đến giáo dục Lịch sử và môn học Lịch sử ở cấp trung học phổ thông, các đại biểu cho rằng, việc tích hợp môn học này ở cấp tiểu học là phù hợp với xu thế chung. Tuy nhiên, lên đến cấp học cao hơn việc tích hợp này không còn phù hợp nữa. Các nhà giáo và chuyên gia lịch sử cũng cho rằng, môn Lịch sử phải là môn học cơ bản, bắt buộc, có vị trí độc lập trong chương trình giáo dục phổ thông. 

Nhiều ý kiến lo lắng về việc thực hiện tích hợp môn học Lịch sử sẽ làm học sinh không có nhiều thời gian học Sử. Giáo sư Vũ Dương Ninh (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu ý kiến: Từ trước đến nay, chưa bao giờ Bộ Giáo dục có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ môn Sử hoặc loại bỏ môn Sử. Nhưng môn Sử hiện nay đang bị coi là môn phụ và việc tích hợp môn Sử vào các môn khác làm mất tên chính danh môn học này trong chương trình. 

Giáo sư lo lắng việc này dễ làm lớp trí thức trẻ tương lai (trừ số ít chọn ngành khoa học xã hội) sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình, về lịch sử của đất nước mình. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng nếu để kiến thức Lịch sử ở 3 môn Công dân với Tổ quốc, Khoa học xã hội, Lịch sử ở cùng cấp học thì kiến thức Lịch sử bị xé lẻ hoặc chồng chéo nhau giữa 3 môn. 

Điều gì cũ kỹ và cao vọng hơn thi đại học

Điều gì cũ kỹ và cao vọng hơn thi đại học

Lệ thường, đầu tháng 7, kỳ thi tuyển sinh đại học bắt đầu, Thủ đô và các thành phố lớn lại đón triệu người đổ về, tay xách nách mang.



Ban xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể khẳng định: Thời lượng bắt buộc dành cho nội dung giáo dục Lịch sử chắc chắn sẽ nhiều hơn. Hiện nay môn Lịch sử được sắp xếp là 1,5 tiết/tuần. Sắp tới, nếu chương trình mới được thông qua thì học sinh sẽ được học khoảng 2,5 tiết/tuần kiến thức Lịch sử ở chương trình mới. Nếu học sinh đi theo hướng khoa học xã hội thì sẽ là 4 tiết/tuần (học môn Công dân với Tổ quốc khoảng 1 tiết, môn Lịch sử 3 tiết). 

Trong chương trình mới, học sinh sẽ học kiến thức lịch sử trong ít nhất hai môn học, nghĩa là kiến thức lịch sử sẽ được sắp xếp theo logic mới chứ không phải là xé lẻ kiến thức. Việc xây dựng chương trình, viết sách giáo khoa phải đảm bảo yêu cầu này và phải tránh chồng chéo, lặp lại kiến thức lịch sử giữa môn Công dân với Tổ quốc và môn Khoa học xã hôi, giữa môn Công dân với Tổ quốc và môn Lịch sử; giữa hai môn Khoa học xã hội và môn Lịch sử thì có thể có cùng một số nội dung kiến thức Lịch sử vì hai môn này nhằm đáp ứng hai nhóm học sinh khác nhau. 

Không phải chỉ có môn Giáo dục công dân hay Lịch sử mà các bộ môn khác như Sinh, Sử, Địa, Hóa, Lý…cũng được sắp xếp lại thành môn học mới theo tinh thần tăng cường tính tích hợp ở cấp học dưới, tăng tính định hướng nghề nghiệp ở bậc Trung học phổ thông. 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển khẳng định việc đổi mới là cần thiết và nếu phải có "tiền lệ" mới thực hiện thì không còn là đổi mới. Tuy nhiên, việc đổi mới sẽ thực hiện trên tinh thần kế thừa, phát huy. Việc tích hợp các môn học là để kiến thức hỗ trợ lẫn nhau, liên hệ sử dụng hài hoà, nâng cao hiệu quả giáo dục chứ không phải để giảm môn học. Ngay từ đầu Bộ luôn coi trọng hiệu quả giáo dục từ kiến thức chuyển thành niềm tin, kiến thức đó phải dạy thế nào để hứng thú, thích học và tự tìm hiểu. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn sẵn sàng trao đổi, tiếp thu các góp ý hợp lý để điều chỉnh, bổ sung, sửa chữa để có một Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tốt nhất.
PV 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm