Hàn Quốc áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp để đối phó với lạm phát

20/06/2022 07:14 GMT+7 | Tin tức 24h

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố một gói các biện pháp khẩn cấp, bao gồm cắt giảm thuế nhiên liệu bổ sung và tăng tỷ lệ khấu trừ thuế thu nhập đối với việc sử dụng phương tiện công cộng, không cho phép tăng giá các dịch vụ giao thông, bưu chính… nhằm giảm áp lực của lạm phát.         

Kinh tế toàn cầu trong vòng xoáy lạm phát đình trệ

Kinh tế toàn cầu trong vòng xoáy lạm phát đình trệ

Trái với kỳ vọng của nhiều chuyên gia về sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022, kinh tế toàn cầu đang rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ, khi lạm phát tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ ở nhiều quốc gia, còn dự báo tăng trưởng kinh tế đang xấu đi nhanh chóng, sau cú sốc kép là đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp khẩn của chính phủ ngày 19/6, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch Tài chính Choo Kyung-ho cho biết bắt đầu từ tháng 7, việc giảm thuế tiêu thụ nhiên liệu sẽ được mở rộng lên mức trần hợp pháp 37% từ mức 30% hiện nay và kéo dài đến cuối năm. Theo quyết định trên, thuế nhiên liệu, hiện ở mức 573 won (0,44 USD)/lít, sẽ giảm thêm 57 won/lít.         

Ông Choo cho biết, Chính phủ Hàn Quốc cũng sẽ áp dụng nhiều biện pháp nhằm để giảm bớt gánh nặng từ giá dầu cao lên nền kinh tế và đời sống người dân. Về việc sử dụng thẻ tín dụng cho các dịch vụ vận chuyển công cộng, chính phủ có kế hoạch tăng gấp đôi tỷ lệ khấu trừ thuế thu nhập lên 80% trong nửa cuối năm nay. Cùng với đó, cơ quan chức năng cũng có kế hoạch tăng thêm nhiều trợ cấp cho các lái xe tải chở hàng gặp khó khăn do giá dầu diesel tăng mạnh.     

Chú thích ảnh
Người dân bơm xăng tại một cây xăng ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Hạn ngạch thuế quan nhập khẩu nhiên liệu máy bay cho các chuyến bay nội địa, hiện ở mức 3%, sẽ được xóa bỏ nhằm giảm bớt áp lực tăng giá vé máy bay nội địa.         

Bộ trưởng Choo cũng cho biết sẽ giảm thiểu việc tăng giá theo nguyên tắc đóng băng phí đường sắt, bưu chính, nước và nước thải trong khoảng nửa cuối năm 2022 song để ngỏ khả năng tăng giá điện và khí đốt.         

Quyết định nới rộng mức giảm thuế nhiên liệu được Hàn Quốc đưa ra chưa đầy hai tháng sau khi chính phủ nước này hồi đầu tháng 5 đã nâng mức giảm thuế nhiên liệu lên 30% từ mức 20% trước đó.         

Giống như nhiều quốc gia khác, Hàn Quốc đang phải đối mặt với áp lực lạm phát ngày càng gia tăng. Cuộc xung đột kéo dài giữa Nga-Ukraine khiến giá dầu thô và hàng hóa tăng cao cùng với nhu cầu tăng trong nước khiến lạm phát dự đoán sẽ gia tăng trong thời gian tới. Giá cả tiêu dùng của nước này trong tháng 5 đã tăng 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng mạnh nhất trong gần 14 năm.         

Chính phủ Hàn Quốc cũng đang nỗ lực để giảm thiểu tốc độ tăng giá điện và khí đốt, vốn đang chịu áp lực tăng do chi phí năng lượng toàn cầu tăng vọt. Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) do nhà nước điều hành, đã kêu gọi chính phủ cho phép tăng giá điện trong quý III để giảm bớt khoản bù lỗ khổng lồ mà doanh nghiệp đang phải gánh chịu. KEPCO đã báo cáo lỗ hoạt động cao kỷ lục 7,78 nghìn tỷ won trong quý I năm nay, lớn hơn mức lỗ hoạt động 5,86 nghìn tỷ won được ghi nhận cho cả năm 2021.         

Bất ổn của thị trường tài chính, tiền tệ cùng áp lực của lạm phát tăng cao đã khiến Chính phủ Hàn Quốc hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2022 và tăng dự báo lạm phát năm 2022 lên mức cao nhất trong 14 năm là 4,7% so với dự báo đưa ra trước đó là 2,2%.         

Khánh Vân/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm