Hà Nội xử lý việc buôn bán thiết bị y tế chống Covid-19 không rõ nguồn gốc

02/03/2022 19:49 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 1/3/2022 đến 18 giờ ngày 2/3, thành phố ghi nhận 15.114 ca F0, trong đó 5.476 ca tại cộng đồng; 9.638 ca đã cách ly. Bệnh nhân phân bổ tại 512 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Xử lý cơ sở kinh doanh kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc

Xử lý cơ sở kinh doanh kit test nhanh Covid-19 không rõ nguồn gốc

Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, lợi dụng sự lo lắng của người dân về dịch bệnh nên một số đối tượng đã lên mạng xã hội rao bán tràn lan kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa được các cơ quan chức năng kiểm định, cấp giấy phép lưu hành.

Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh 884 ca; Hoàng Mai 878 ca; Sóc Sơn 859 ca; Nam Từ Liêm 834 ca; Bắc Từ Liêm 829 ca; Long Biên 808 ca; Mê Linh 773 ca; Thanh Trì 727 ca; Hoài Đức 693 ca; Thanh Xuân 562 ca. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 303.561 ca.

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 có xu hướng gia tăng mạnh tại Thủ đô, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại kit test nhanh, thuốc điều trị; trong đó có nhiều loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ bán tràn lan trên mạng.

Chú thích ảnh
Kit test nhanh COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ bị Cơ quan Công an thu giữ. Ảnh: TTXVN phát

Thực hiện chiến dịch kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng chức năng, nhất là lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc vận chuyển kinh doanh các loại vật tư y tế, thuốc chữa COVID-19 trên thị trường với nhiều loại khác nhau.

Trước đó, ngày 7/1, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn số 122/SYT-QLHNYDTN gửi UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân.

Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo phòng y tế trên địa bàn đôn đốc các cơ sở bán lẻ thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh dược. Cụ thể là giữ ổn định giá, bảo đảm số lượng thuốc, trang thiết bị, hóa chất sát khuẩn, khẩu trang, vật tư y tế phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện bán thuốc kê đơn theo đúng quy định; đồng thời, cập nhật đầy đủ số lượng, chủng loại thuốc vào phần mềm cơ sở dữ liệu dược quốc gia. Không kinh doanh thuốc, trang thiết bị, hóa chất sát khuẩn, khẩu trang, vật tư y tế không rõ nguồn gốc xuất xứ, thuốc giả, thuốc đình chỉ lưu hành, thuốc không bảo đảm chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng.

Sở Y tế yêu cầu tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó, tập trung kiểm tra việc bán thuốc kháng virus (Molnupiravir, Favipiravir...); xử lý nghiêm các trường hợp bán thuốc chưa có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ, nếu có dấu hiệu hình sự thì chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra xử lý theo quy định.

Tuyết Mai/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm