Hà Nội đánh giá mức độ lây nhiễm với biến chủng Omicron để kịp thời ứng phó

08/03/2022 21:30 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18 giờ ngày 7/3 đến 18 giờ ngày 8/3, trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận 32.650 ca mắc COVID-19, tăng 333 ca so với ngày hôm trước. Trong đó có 13.692 ca tại cộng đồng và 18.958 ca đã cách ly. 

Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19

Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn số 22688/SYT-NVY về việc tiêm bổ sung và tiêm nhắc lại vaccine phòng COVID-19.

Bệnh nhân phân bố tại 545 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Các quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh có 1.674 ca; Sóc Sơn 1.645 ca; Long Biên 1.541 ca; Hoài Đức 1.536 ca; Hoàng Mai 1.474 ca…

Đến hết ngày 7/3, thành phố Hà Nội có 680.478 bệnh nhân đang điều trị COVID-19, giảm 2.205 bệnh nhân so với ngày trước. Trong đó có 674.149 người theo dõi, cách ly tại nhà, chiếm 99%; 773 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và các quận, huyện, thị xã; 5.196 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố, 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ngoài ra, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi là 755.904 người.

Ngày 7/3, Hà Nội có 18 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 (tính từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1.196 người.

 biến chủng Omicron. mức độ lây nhiễm của  biến chủng Omicron , đánh giá mức độ lây nhiễm của  biến chủng Omicron
Thu gom rác thải của F0 tại nhà, hạn chế lây lan dịch COVID-19

Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã có Công văn số 998/SYT-NVY về việc thực hiện các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, biến thể SARS-CoV-2, đẩy mạnh tiêm vaccine phòng COVID-19, gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã; Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã; các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập. 

Theo đó, Sở Y tế giao Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội là đầu mối phối hợp Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; các đơn vị có khả năng giải trình tự gene đối với virus SARS-CoV-2; Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan tổ chức xét nghiệm sàng lọc, giải trình tự gene các ca mắc COVID-19, từ đó đánh giá mức độ lây nhiễm với biến chủng Omicron trên địa bàn thành phố. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh, thành phố, nhất là ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. Biến thể này thay thế dần biến thể Delta.

Tại Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã; trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron. Điều đáng nói, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

 biến chủng Omicron. mức độ lây nhiễm của  biến chủng Omicron , đánh giá mức độ lây nhiễm của  biến chủng Omicron
Hình ảnh minh họa các dòng phụ của biến thể Omicron gây bệnh COVID-19. Ảnh: News-medical.net/TTXVN

Trước thực tế trên, Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới để kịp thời tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố.

Riêng với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị chủ động phối hợp với Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã tham mưu UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng liên quan tiếp tục rà soát các trường hợp chưa tiêm đủ liều vaccine, đồng thời tuyên truyền, vận động những người từ chối tiêm vaccine cần thực hiện tiêm chủng. 

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tới người dân, trong đó tập trung vào các nội dung thực hiện nghiêm “thông điệp 5K”, hạn chế tụ tập đông người không cần thiết, thường xuyên theo dõi sức khỏe, trang bị kiến thức khi mắc COVID-19 và điều trị tại nhà, nhận biết các dấu hiệu khi chuyển nặng để liên hệ với các cơ sở y tế kịp thời hỗ trợ; tránh tâm lý chủ quan hoặc hoang mang, lo sợ cực đoan không cần thiết. Đặc biệt, các đơn vị quan tâm đến nhóm đối tượng nguy cơ cao, phụ nữ mang thai chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Tuyết Mai/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm