Có thể bạn chưa biết: Vượt 6.980km Thái Bình Dương bằng bè gỗ

29/05/2022 19:00 GMT+7 | Tin tức 24h

Nhà thám hiểm Na Uy Thor Heyerdahl ra khơi vào tháng 4 năm 1947 để chứng minh luận điểm của mình rằng Đa Đảo đã được khai hóa từ châu Mỹ. Chiếc bè “Kon-Tiki” của ông chỉ được làm bằng các thân cây gỗ bấc được bó lại bằng thừng bện từ sợi cây gai dầu. Nhưng sau 101 ngày, thủy thủ đoàn đã đạt được mục tiêu của mình.

Có thể bạn chưa biết: Lịch sử của thanh kiếm

Có thể bạn chưa biết: Lịch sử của thanh kiếm

Không những chỉ sử sách nước ta dành một chương trang trọng để tôn vinh thanh kiếm thần Thuận Thiên giúp Lê Thái Tổ đánh tan giặc Minh, mà thế giới tràn ngập hình ảnh của cây kiếm vượt khỏi ranh giới của một thứ vũ khí đâm chém thông thường.

Đa Đảo tức Polynesia - một thuật ngữ được dùng đầu tiên bởi Charles de Brosses, một nhà văn người Pháp - thoạt tiên để gọi tất cả các đảo lớn nhỏ ở Thái Bình Dương. Hôm nay ta biết đến các địa danh nổi nhất như đảo Samoa, đảo Phục Sinh thuộc Chile, bang Hawaii của Hoa Kỳ, quốc gia độc lập New Zealand v.v... Tổng cộng có hơn 1.000 đảo nằm trong một khung tam giác phía trung và nam Thái Bình Dương mà nay có tên chính thức là Polynesia.

Quá trình định cư ở Đa Đảo

Theo các lý thuyết phổ biến thời bấy giờ, người châu Á đã băng qua Micronesia hoặc Melanesia để đến Polynesia, dù thế nào cũng từ Tây sang Đông. Giống như một số tác giả trước ông, Heyerdahl không phủ nhận giả thuyết rằng Polynesia được tiếp cận từ phía châu Á, nhưng điều đó ít có khả năng xảy ra hơn vì thuyền bè sẽ phải dong buồm ngược gió mậu dịch và dòng chảy xích đạo.

Việc định cư từ bên kia Thái Bình Dương, tức châu Mỹ, được Heyerdahl đánh giá là có khả năng cao hơn, nhưng ý kiến của ông không hề được các chuyên gia đếm xỉa, vì người ta cho rằng dân thời trước Christopher Columbus không biết gì về kỹ thuật hàng hải đường xa. Một nhà khảo cổ học Hoa Kỳ danh tiếng, Samuel Kirkland Lothrop, từng tung ra luận điểm là chiếc bè của Heyerdahl không thể sống quá hai tuần lênh đênh trên biển.

Chú thích ảnh
Vùng biển Đa Đảo

Heyerdahl đã giả định hai tuyến đường định cư chính có thể xảy ra: Từ Đông Nam Á, theo Dòng chảy Nhật Bản, qua British Columbia đến Hawaii và tiếp tục đi đến Tam giác Polynesian. Hoặc từ Nam Mỹ, với sức cuốn mạnh mẽ của Dòng chảy Humboldt và theo các luồng gió mậu dịch đi về phía Tây. Lý do khiến ông Heyerdahl bác bỏ khả năng tiếp cận theo hướng ngược lại với lý do rằng cả hai phát hiện khảo cổ về Melanesia và Micronesia đều không cho thấy những điểm tương đồng đáng kể với văn hóa Polynesia, trong khi các hiện vật Nam Mỹ có nhiều sức thuyết phục hơn. Mọi phát hiện về thực vật học cũng chỉ ra rằng các loài thực vật Nam Mỹ đã được sử dụng ở Polynesia trước khi người châu Âu đặt chân đến khu vực này, và nhiều tên gọi của chúng, trùng khớp với nhau. Sự lan truyền của loài thực vật theo dòng chảy vốn đã khó, nhưng tên gọi của nó chắc chắn không thể lan truyền nếu không có bàn tay của con người tác động vào.

Một ngày đẹp trời, Heyerdahl quyết định chứng tỏ điều đó bằng thực nghiệm, và chiếc bè gỗ mong manh Kon-Tiki ra đời.

Chú thích ảnh
Chiếc bè Kon-Tiki

Như một vỏ lạc giữa biển khơi

Do không hề có tài liệu nào đáng tin cậy hơn, người ta đóng chiếc bè dựa trên các bản tường trình và hình vẽ từ thời những người Tây Ban Nha đầu tiên vượt biển khơi đi chinh phục các miền đất mới.

Nó bao gồm chín thân gỗ bấc dài tới 13,7m và có đường kính khoảng 60cm. Chúng được kết nối với nhau bởi dây chão đường kính 3 phân bện từ sợi cây gai dầu. Các thanh gỗ bấc làm sống ngang dài 5,5m và có đường kính 30cm, được buộc cách nhau 1m. Hai tấm ván gỗ bách đóng vai trò chắn sóng ở mũi tàu. Cột buồm cao 8,8m được làm bằng hai thân cây bằng gỗ đước và buộc lại với nhau theo hình chữ A. Phía cuối bè là một lều gỗ có diện tích 4,25 × 2,4m, cao 1,5m, lợp lá chuối khô để làm nơi sinh hoạt cho cả thủy thủ đoàn. Ở đuôi tàu là một bánh lái dài 5,8m làm bằng gỗ đước và một bánh lái bằng gỗ vân sam. Lá buồm chính to 4,6 × 5,5m. Một phần mặt bè được trải tấm đan bằng tre.

Tóm lại, Heyerdahl chỉ dùng vật liệu xây dựng truyền thống để đóng bè, không có lấy một chiếc đinh sắt để đảm bảo tái tạo điều kiện đi biển của ngày xưa.

Chú thích ảnh
Đóng bè gỗ Kon-Tiki

Để chuẩn bị cho chuyến đi không rõ bao lâu người ta chứa trên bè hơn một tấn nước ngọt. Thức ăn gồm khoai lang, sắn, bí đỏ và một số loại rau khô. Theo đúng dự định, chế độ dinh dưỡng có lẽ cũng được bảo đảm khá đầy đủ bằng cá mú câu được ở một vùng biển giàu cá thu, cá chuồn và cá mập, tuy nhiên những nhà thám hiểm đời mới vẫn cẩn thận tiếp nhận viện trợ từ quân đội Mỹ đồn trú ở địa phương, gồm đồ hộp và thiết bị cứu nạn.

Bên cạnh la bàn và một chiếc kính lục phân để tính toán vị trị trên biểu đồ hàng hải, đoàn thám hiểm đem theo thuốc men và ba điện đài chống thấm nước. Knut Haugland và Torstein Raaby, hai thợ điện đài nghiệp dư, đã dùng một ăng-ten buộc vào diều để thường xuyên giữ liên lạc trên sóng ngắn, thậm chí có lần còn nối đến tận Oslo với các bạn trong câu lạc bộ điện đài nghiệp dư. Nguồn điện là một số ắc-quy khô và máy phát điện quay tay.

Thor Heyerdahl và đồng đội

Trái với các tin trên một số báo chí giật gân sau này, Thor Heyerdahl là một nhà khoa học, chứ không phải là một kẻ phiêu lưu có ý chí thám hiểm như người ta thường nghe.

“Ông có một cuộc sống phiêu lưu, đúng thế, nhưng ông ấy không tìm kiếm sự phiêu lưu vì mục đích phiêu lưu”, Liv Heyerdahl nói về ông của cô, “mà sự tò mò và ý chí khám phá trong khoa học là động lực của ông”. Cô cháu gái của ông điều hành Bảo tàng Kon-Tiki ở Oslo hôm nay.

Sự tò mò khoa học ấy đã được ông chứng tỏ nhiều dịp trước đó. Năm 1937, ông và vợ lên đường đến Quần đảo Maquesas ở phía Đông Polynesia và dành hẳn 8 tháng để nghiên cứu. Trong chuyến đi ấy, họ phần lớn dùng các công cụ hiện đại. Khi quân phát xít Đức chiếm đóng Na Uy năm 1940, vợ chồng ông ở lại Canada để học tập. Heyerdahl tình nguyện đầu quân chống quân xâm lược và được đào tạo về điều hành vô tuyến điện và nhảy dù. Tuy nhiên, tài năng của ông chỉ được sử dụng trong một thời gian ngắn.

Ngoài Heyerdahl, thủy thủ đoàn Kon-Tiki còn có 5 người đàn ông khác. Chỉ huy phó trên bè là Herman Watzinger, sinh ra Đức, lớn lên ở Na Uy và quen Heyerdahl khi học ở New York. Sau này, Watzinger điều hành một nhà máy sản xuất bột cá ở Chile và đảm nhiệm vị trí Phó Tổng giám đốc của Tổ chức Nông lương (FAO) vào cuối thập niên 1970.

Dễ hiểu là không chỉ các nhà khoa học coi chuyến đi của họ vào năm 1947 là một cuộc phiêu lưu điên rồ. Trước khi chiếc bè được kéo ra ngoài khơi, Heyerdahl phải ký một tuyên bố miễn trách nhiệm cho các bên liên quan. Và trước sự sửng sốt của dư luận, Kon-Tiki đã hoàn tất sứ mệnh của mình một cách khó tin: Đó là một “chiếc bè tuyệt vời, hoàn toàn có thể đi biển dài ngày”, Heyerdahl viết trong nhật ký của mình sau hai tuần đầu ra khơi.

Chú thích ảnh
Thủy thủ đoàn trong lều

Ngay cả khi gặp phải dông bão, các nhà thám hiểm vẫn không mất đi vẻ hài hước: “Biển động. Gió thuận. Hôm nay tôi là đầu bếp và tôi đã tìm thấy bảy con cá chuồn trên mặt bè, một con bạch tuộc trên mái lều và một con cá không rõ tên trong túi ngủ của Torstein”, Heyerdahl ghi lại vào thời điểm giữa tháng Năm, và trước mặt họ còn ròng rã 3 tháng nữa.

Ngày 7 tháng 8 năm 1947, sau 101 ngày và 6.980 km, bè gỗ Kon-Tiki rốt cuộc bị mắc cạn ở một rạn san hô ở đảo san hô Raroia phía Đông Polynesia. Mặc dù một số chi tiết bị hỏng, nhưng bản thân chiếc bè vẫn còn tương đối nguyên vẹn. Đây ít nhất cũng là bằng chứng kỹ thuật cho thấy những người đi biển có thể đã đi thuyền từ Nam Mỹ đến Polynesia vào thời trước Christopher Colombus.

Vĩ thanh

Báo cáo hải trình của Heyerdahl đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất và được dịch ra hơn 60 thứ tiếng, làm cơ sở cho một bộ phim tài liệu đoạt giải Oscar vào năm 1950. Năm 2012, bộ phim điện ảnh Na Uy Kon-Tiki đã gây chấn động các rạp chiếu phim.

Phân tích ADN gần đây ít nhất cũng ủng hộ giả định của Heyerdahl rằng các dân tộc bản địa từ Nam Mỹ đã đến Polynesia từ rất lâu trước khi người châu Âu đến. Nhà di truyền học người Mexico Andrés Moreno-Estrada đã phát hiện yếu tố di truyền của các dân tộc bản địa từ Nam Mỹ trong mẫu ADN của những người dân Polynesia. Ở miền Đông Polynesia, những hậu duệ chung đầu tiên của người Polynesia và Nam Mỹ được sinh ra từ năm 1150 đến năm 1230, theo nghiên cứu năm 2020 được công bố trên tạp chí Nature.

Tuy nhiên cũng cần nói thêm rằng nhiều nhà khoa học vẫn tin rằng hầu hết các hòn đảo ở Thái Bình Dương được định cư từ phía Tây Polynesia - tức là bởi người châu Á, vốn đã rất giỏi kỹ năng trồng trọt và thuần hóa động vật.

Điều đó đúng hay sai thì cũng chỉ là biểu hiện của đấu tranh trong khoa học đi tìm chân lý. Dù thế nào thì Heyerdahl cũng đã đặt ra các tiêu chí lâu dài trong cam kết của mình với thiên nhiên và trong việc tổ chức các thí nghiệm khảo cổ cũng như nghệ thuật xử lý phương tiện truyền thông.

Nên biết rằng bên cạnh chuyến đi Polynesia, nhà thám hiểm Thor Heyerdahl còn cố gắng chứng minh rằng những người đi biển có thể đã đến được châu Mỹ vào thời cổ đại, và chính họ đem ý tưởng xây dựng kim tự tháp vượt Đại Tây Dương. Để chứng tỏ điều này, ông đã ra khơi với con thuyền bện bằng cói “Ra II” ở Maroc và tiếp bờ an toàn trên đảo Barbados thuộc vùng Caribe sau 6.100 km và 57 ngày.

Lê Quang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm