07/02/2012 12:54 GMT+7 | Đọc - Xem
(TT&VH) - Nhắc đến nhà thơ Nguyên Sa, nhiều người khẽ run trên môi hát: “Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn/ Mà mùa Thu dài lắm ở chung quanh” hoặc “Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn/ Nếu em sợ thời gian dài vô tận”. Thơ Nguyên Sa được nhiều người thuộc lòng là vậy, nhưng với người yêu mến ông, đâu là tác phẩm đầu tay của Nguyên Sa?
Tìm trên Google và hỏi nhiều người yêu thơ Nguyên Sa, gần như không ai biết tác phẩm đầu tay của Nguyên Sa tên gì, được xuất bản vào lúc nào, ở đâu? Thật may mắn, người viết bài này được sở hữu một bản sao thơ Nguyên Sa in vào năm 1954 mang tên Hy vọng. Tập thơ mỏng chỉ có 15 trang cả bìa và trang lót, in 9 bài thơ của Nguyên Sa dưới dạng ronéo. Nguyên Sa gửi Hy vọng gì trong tập thơ này? Câu hỏi này đang rất cần những nhà nghiên cứu văn học trả lời.
Hy vọng tặng GS Tăng Kim Tây
Nhà thơ Nguyên Sa
Người tặng tôi bản sao tập thơ Hy vọng là nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa - Chủ biên bán nguyệt san Tuổi trẻ cười. Ngoài làm báo, viết văn, Lê Văn Nghĩa còn là một tay chơi đồ cổ có hạng, đặc biệt là băng đĩa và sách xưa. Lê Văn Nghĩa đã sưu tập được Hy vọng trong một lần săn tìm sách xưa như thế.
Với những người yêu thơ Nguyên Sa, Hy vọng là một tập thơ quý cả về giá trị sưu tập cũng như giá trị thơ ca. Điều đặc biệt là, Hy vọng được Nguyên Sa ký tặng một vị trí thức cũng rất nổi tiếng đang sống tại Việt Nam - GS Tăng Kim Tây. Nguyên Sa viết tặng trên trang lót của tập thơ: “Hy vọng của anh Tăng Kim Tây là hy vọng của Nguyên Sa”.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa phỏng đoán rằng: “Thời trẻ, có thể Nguyên Sa và Tăng Kim Tây cùng học bên Pháp nên tập thơ này đã được Nguyên Sa tặng Tăng Kim Tây ở đó. Còn việc Hy vọng trôi nổi ngoài đời có lẽ do người nhà GS Tăng Kim Tây trong lúc dọn nhà đã biến Hy vọng thành… đồng nát”. Rất tiếc, chúng tôi chưa liên lạc được với GS Tăng Kim Tây để tìm hiểu thêm những câu chuyện có lẽ sẽ rất thú vị xoay quanh tập thơ này.
Nhà thơ Nguyên Sa tên thật là Trần Bích Lan, ông sinh ngày 1/3/1932 tại Hà Nội, mất ngày 18/4/1998 tại Mỹ. Năm 17 tuổi, Nguyên Sa được gia đình cho du học Pháp, sau khi tốt nghiệp Tú tài ông ghi danh vào khoa Triết ĐH Sorbonne. Năm 1956, Nguyên Sa về Sài Gòn mở hai trường Văn Học, Văn Khôi và giảng dạy môn triết học. Ông quan niệm bản thân “vốn chỉ là hạt cát” nên ký bút danh Nguyên Sa.
Thời gian ở Pháp, Nguyên Sa có được nhiều bài thơ hay và nổi tiếng nhờ kết duyên cùng âm nhạc, như: Áo lụa Hà Đông, Tuổi mười ba, Paris có gì lạ không em, Tháng Sáu trời mưa… Tuy nhiên, khi tách khỏi âm nhạc thì thơ Nguyên Sa vẫn là thơ Nguyên Sa không lẫn vào bất cứ giá trị nào khác. Chẳng hạn như bài ông viết về chiếc áo dài, không cần phổ nhạc vẫn có rất nhiều người thuộc lòng: “Có phải em mang trên áo bay/ Hai phần gió thổi, một phần may/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn áo trắng bay”.
Nguyên Sa hy vọng gì trong Hy vọng?
Tập thơ Hy vọng được Hội Văn nghệ Việt Nam hải ngoại xuất bản nhân một đêm văn nghệ tại Paris vào ngày 23/12/1954. Đến nay, theo thông tin của người viết bài này, dường như chưa có tập thơ nào của Nguyên Sa xuất bản trước đó. Vậy nên có thể xem Hy vọng là tập thơ đầu tay của Nguyên Sa.
Đọc Hy vọng có thể nhận thấy tâm trạng của người tha hương nhớ về quê nhà trong bối cảnh chiến loạn lúc bấy giờ. Trong bài thơ ngắn dùng làm tên cho cả tập, Nguyên Sa viết: “Tôi không đo bằng thước thật ngắn cho hy vọng dài/ Tôi không cộng nhầm hy vọng cho một thành hai/ Tôi không bọc hy vọng trong muôn trùng dây thép gai/ Tôi không giữ hy vọng cho một mình tôi/ Tôi không nhuộm nâu cho hy vọng đừng cũ/ Tôi không dệt trắng cho hy vọng đừng phai/ Nhưng tôi muốn trừ hết những quân giết người/ Để chúng đừng bắn, đừng giết những mầm hy vọng”.
Hy vọng viết về những con người đang sống trên quê hương khi Nguyên Sa xa cách: “Mắt chị hiền nên muôn đời vẫn sáng/ Môi ngọt ngào nên mấy thuở còn ngoan/ Nên nắng cuối làng bão nhỏ gió đầu thôn/ Chị vẫn đẹp với nụ cười hồn hậu/ Tấm áo nâu vẫn chỉ đen viền gấu/ Chiếc nón mềm vẫn dịu lá gồi xanh/ Mắt vẫn nhìn và bỡ ngỡ: Thưa anh/ Khi gió nhẹ của lòng người man mác/ Giọng thủ thỉ như lá tre dào dạt/ Môi ngập ngừng như lúa bé nỉ non/ Chị vẫn ngọt ngào như bát cơm chiêm/ Mắt vẫn sáng như ngọn đèn khai hội/ Và má đỏ khi lòng người khẽ hỏi/ Bằng một lời là lạ giọng con trai:/ “Tát nước gầu sòng hay tát nước gầu dai”/ Chị không nói nhưng nụ cười vẫn đẹp” - (trích Người con gái ở quê tôi).
Sở dĩ tôi muốn trích thật nhiều những câu thơ trong Hy vọng vì tin rằng rất nhiều người yêu thơ Nguyên Sa chưa có dịp tiếp xúc với những bài thơ này. Người ta biết đến Nguyên Sa phần nhiều nhờ những bài thơ trữ tình có tên gọi, nhưng có một bài thơ dài thật lạ, in cuối cùng trong tập Hy vọng lại không đặt tên. Bài thơ này in hình một ngôi sao năm cánh thay cho tên gọi với dòng đề từ: “Tôi sinh ra để biết em, để gọi tên em…” của Paul Eluard. Mở đầu bài thơ này, Nguyên Sa viết: “Tôi muốn ví mắt em như một vì sao/ Chưa có ở trên trời/ Một vì sao: ngủ muộn hơn sao Hôm/ Dậy sớm hơn sao Mai/ Mà lòng tôi vẫn nhìn/ Chưa bao giờ chớp mắt/ Như em vẫn nhìn/ Nụ cười của em/ Trong mắt tôi…”. Và đoạn kết: “Và lòng tôi khẽ hỏi/ Hôm nay là ngày hội/ Nên hè phố nhớn lên/ (hay lòng tôi bé lại)/ Như một hôm nào tháng Tám: mùa Xuân”.
Trần Hoàng Nhân
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất