(TT&VH) - Bộ phim Schindler’s List (Bản danh sách Schindler) của đạo diễn Steven Spielberg, đoạt 7 giải Oscar năm 1994, kể về nhà công nghiệp Đức Oskar Schindler đã cứu sống khoảng một ngàn người Do Thái hồi Thế chiến II bằng cách “thuê” họ làm nhân công nhằm giúp những người này không bị đưa tới các trại diệt chủng. Danh sách ấy dĩ nhiên có thật và một nhà sử học đã phát hiện ra nó trong một hộp giấy cũ trên mái vòm của Thư viện Quốc gia ở New South Wales (Australia).
Bà Olwen Pryke, một nhà sử học làm việc tại Thư viện Quốc gia ở New South Wales, thực sự bất ngờ khi nhận ra rằng những tờ giấy ố vàng trong đó ghi 801 tên tuổi mà mình vừa tình cờ tìm thấy chính là bản danh sách của Schindler, “một trong những tài liệu gây xúc động nhất thế kỷ 20”, như bà nói. Danh sách gồm 13 trang đánh máy này do chính nhà công nghiệp Đức Oskar Schindler lập ra. Chúng dày đặc những tên người đã được ông liều lĩnh cứu sống. Theo những chứng cứ lịch sử, Schindler đã giúp cho khoảng 1.200 người Do Thái không bị đưa đến các trại tập trung tàn sát của phát xít Đức.
Nhưng sau Thế chiến II, người ta biết rất ít về những việc làm quả cảm của ông cho đến khi nhà văn Australia Thomas Keneally phát hành cuốn Schindler’s Ark hồi năm 1982 và đến năm 1993 thì câu chuyện này đã nổi tiếng khắp thế giới khi tiểu thuyết trên được đạo diễn Mỹ Steven Spielberg chuyển thể thành bộ phim Schindler’s List.
Bản sao danh sách Schindler được tìm thấy ở Thư viện Quốc gia
New South Wales, Australia
Nhà văn Keneally nảy ra ý định viết cuốn sách sau khi tình cờ gặp Leopold Pfefferberg - một người sống sót nhờ bản danh sách của Schindler: Năm 1980, Keneally tới cửa hàng nhỏ của Pfefferberg ở Los Angeles để mua một chiếc kẹp tài liệu mới. Do biết Keneally là một nhà văn nên chủ cửa hàng đã cho ông xem bản sao danh sách nói trên - một phần trong đống tài liệu mà Pfefferberg giữ như “báu vật”. Thế là Keneally bị cuốn vào đó. Nhưng sau khi xuất bản cuốn Schindler’s Ark - đoạt giải Booker năm 1982 - thì nhà văn đã bán tài liệu đó cùng một số giấy tờ nghiên cứu khác của ông cho một người buôn bán bản thảo.
Năm 1996, Thư viện Quốc gia ở New South Wales đã mua lại sáu hộp giấy tờ của Keneally từ nhà buôn kể trên và mãi đến giờ đây bà Olwen Pryke mới phát hiện ra danh sách này nằm kẹp giữa đống báo Đức cùng các giấy tờ nghiên cứu riêng của nhà văn. Đây chính là bản danh sách mà nhà công nghiệp Oskar Schindler đánh máy một cách vội vã vào ngày 18/4/1945, nhằm cố gắng thuyết phục phát xít Đức rằng ông đang sử dụng những người Do Thái này làm nhân công. Danh sách nói trên hiện có một bản sao đang được lưu giữ ở Yad Vashem - bảo tàng tại Jerusalem (Israel) để tưởng nhớ các nạn nhân Do Thái bị phát xít Đức tàn sát.
Một cảnh trong phim Schindler’s List (Bản danh sách Schindler)
của đạo diễn Steven Spielberg
Oskar Schindler sinh năm 1908 tại Svitary, nay thuộc CH Czech. Ông là một đảng viên Quốc xã đầu cơ trục lợi từ chiến tranh. Nhưng lương tâm của Schindler đã thức tỉnh sau khi chứng kiến cuộc tấn công vào khu người Do Thái ở Krakow, Ba Lan. Sau đó, ông đã vận dụng mưu mẹo để thuyết phục các sĩ quan phát xít rằng công nhân của mình đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh. Danh sách của Schindler được lập bằng tiếng Đức, trong đó có ghi đầy đủ họ tên, quốc tịch, tôn giáo, ngày sinh và khả năng của những người Do Thái mà ông thuê làm. Tên của ông Pfefferberg, người đã thúc giục nhà văn Keneally viết về câu chuyện đáng nhớ đó, đứng ở vị trí thứ 173 trong danh sách. Vợ ông, bà Ludmilla, cũng được cứu sống.
Kết thúc Thế chiến II, Schindler trở thành người không một xu dính túi. Ông qua đời ở Đức năm 1974. Sau này, Oskar Schindler và vợ ông là bà Emilie đã được tôn vinh tại bảo tàng Yad Vashem.
Lương Tuấn Vĩ