Doanh nghiệp máy tính lo lắng trước quy định xử phạt vi phạm bản quyền phần mềm!

23/09/2008 16:23 GMT+7 | Cuộc sống Số

Bắt đầu từ ngày 1-8, Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính sẽ có hiệu lực. Mức xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền phần mềm được nâng lên đến 500 triệu đồng.

Đối tượng bị coi là vi phạm bản quyền phần mềm nhiều nhất chính là các công ty bán lẻ máy tính (chủ yếu cài phần mềm không bản quyền khi bán máy tính cho khách hàng).

Vi phạm bản quyền phần mềm có thế bị xử lý hình sự

Ngày 29-2, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTM hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, người có hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan. Theo Điều 28 và Điều 35 của Luật Sở hữu Trí tuệ, hành vi sẽ bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” nếu xâm phạm với quy mô và mục đích thương mại, hoặc hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên có thể bị xử lý hình sự theo khoản 1 Điều 131 Bộ Luật hình sự, nếu có đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm. Như vậy, trong thời gian tới, những hành vi vi phạm bản quyền phần mềm có thể sẽ bị xử lý tại tòa án.


Ngày 2-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính. Pháp lệnh mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1-8; theo đó, thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Chánh thanh tra Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh được nâng lên 500 triệu đồng. Luật sư Đào Anh Tuấn, đại diện quốc gia của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp (BSA) tại Việt Nam nhận định: “Mức phạt đối với các hành vi vi phạm bản quyền phần mềm từ trước đến nay vẫn còn nhẹ. Vì chưa đủ sức răn đe nên đây là nguyên nhân chính khiến các vụ vi phạm bản quyền, nhất là bản quyền phần mềm ở nước ta vẫn ở mức cao. Mức xử phạt cao áp dụng từ 1-8 tới sẽ hạn chế việc vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam hiện nay”.

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Chúng tôi quyết tâm theo dõi sát sao các doanh nghiệp, dù lớn hay nhỏ, trong hay ngoài nước. Việc sử dụng và phân phối bản sao các phần mềm bất hợp pháp trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không những là hành vi trái đạo đức mà còn khiến các doanh nghiệp phải đối mặt với các chế tài nghiêm khắc theo quy định của pháp luật”.

Nhiều doanh nghiệp bán lẻ máy tính “khốn đốn”!

Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ máy tính đang đứng trước nguy cơ phải nhận mức phạt rất nặng; uy tín kinh doanh sẽ ảnh hưởng khi bị cơ quan chức năng thanh tra vì đã vi phạm bản quyền phần mềm. Ông Lã Xuân Thắng, Phó giám đốc Siêu thị Máy tính Đăng Khoa nhận xét: “Theo tôi, cần cân nhắc một số vấn đề khi thực hiện quyết định này, ví dụ như một bộ phần mềm cơ bản hiện nay bao gồm Hệ điều hành Windows, Office, bộ gõ tiếng Việt, phần mềm bảo vệ máy tính khỏi virus có giá tối thiểu là 600 USD (tương đương, thậm chí đắt hơn bộ máy tính). Trong khi đó, số lượng máy tính mới được tiêu thụ một năm tại Việt Nam (bao gồm cả máy tính xách tay) là khoảng 500.000 bộ thì số tiền phải chi trả cho bản quyền khoảng 300 triệu USD. Tôi nghĩ, đầu tiên là phải “đánh” được đĩa lậu, đĩa sao chép các loại. Kế tới là phát triển các phần mềm tương tự thay thế miễn phí hoặc có giá rẻ, rồi tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng... Cuối cùng mới là xử lý doanh nghiệp vi phạm. Phải cho người ta các điều kiện để không vi phạm trước, rồi mới tiến đến xử lý”.

Cũng theo ông Thắng, Đăng Khoa đã mua bản quyền phần mềm HĐH Windows cho toàn bộ hệ thống máy tính; sử dụng phần mềm phổ thông dạng miễn phí của Kingsoft (thay cho bộ Office của Microsoft); sử dụng một số phần mềm mã nguồn mở và cũng không bị thu phí (bộ gõ Unikey, các phần mềm tự phát triển phục vụ công tác quản lý). Đối với khách hàng, Đăng Khoa cài đặt bản dùng thử 30 ngày của Windows (được sự cho phép của Microsoft); khuyến cáo khách hàng sử dụng phần mềm hợp pháp bằng việc ký cam kết sử dụng như sau 30 ngày dùng thử, khách hàng có trách nhiệm mua phần mềm bản quyền. Tỉ lệ khách hàng mua lẻ sử dụng phần mềm bản quyền của Microsoft tại Đăng Khoa đạt khoảng 10% (khoảng 100 bộ trong một tháng).

Trên thực tế, các doanh nghiệp thực hiện như Siêu thị Máy tính Đăng Khoa là không nhiều. Chính vì thế, quy định xử phạt vi phạm bản quyền với mức phạt cao đã khiến không ít doanh nghiệp lo lắng. Đại diện Công ty Cổ phần Thế giới số Trần Anh cho biết: “Đến cuối tháng 7, chúng tôi sẽ phải lo xong giải pháp tổng thể cho vấn đề này. Tuy nhiên, giải pháp đó chưa được tiết lộ”. Một doanh nghiệp bán lẻ máy tính có quy mô nhỏ tại Phố Vọng tuy tỏ ra lo lắng về mức xử phạt sắp áp dụng nhưng chưa có giải pháp nào triệt để. Hiện doanh nghiệp này vẫn cài phần mềm không bản quyền khi khách hàng mua máy tính có yêu cầu (đến cài tại nhà).

Cần xử lý khôn khéo

Một chuyên gia trong lĩnh vực phần mềm thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: “Luật vẫn phải quy định thật nghiêm nhưng thực tế vẫn phải chấp nhận chung sống với vi phạm ở mức độ nào đó bởi không có nước nào trên thế giới thực hiện quy định đạt con số tuyệt đối. Theo công bố hồi tháng 5 vừa qua của Liên minh Phần mềm Doanh nghiệp BSA và IDC, ngay cả như Hoa kỳ - quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm thấp nhất thế giới nhưng năm 2007, tỷ lệ này vẫn là 21%, Nhật Bản là 23%, Úc là 28%...

Trả lời phỏng vấn trang vtcnews.vn, Luật sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàn Thành, Văn phòng Luật sư Thành và Cộng sự nhận xét: “Xử lý vi phạm bản quyền phần mềm cần khôn khéo. Việc xử lý nặng có thể là con dao hai lưỡi. Xử lý nặng có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động. Và ở một góc độ nào đó, nó cũng làm hạn chế điều kiện tiếp xúc với công nghệ mới vì khả năng tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là người dân có hạn. Nhưng nếu không làm thì lĩnh vực phần mềm khó phát triển”.

Theo eCHIP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm