"Khoá chân khoá tay"
Viên quản trị có tên Terry Childs, 43 tuổi, đã bị tạm giam kể từ ngày 13/7, sau khi người ta phát hiện thấy anh ta thiết lập một loạt mật mã giúp bản thân có quyền quản trị toàn bộ hệ thống mạng FiberWAN của San Francisco. Hệ thống này hiện chứa 60% dữ liệu của chính quyền thành phố, gồm nhiều thông tin vô cùng nhạy cảm như các thư điện tử của quan chức, hồ sơ tiền lương, các tài liệu mật của lực lượng cảnh sát cũng như tài liệu về tội phạm.
Thị trưởng San Francisco Gavin Newsom thông báo với báo chí
về vụ "bắt con tin" của Terry Childs
Với sự can thiệp của Childs, người ta vẫn có thể làm việc qua mạng máy tính này, nhưng mọi khả năng sửa đổi vào hệ thống đều bị ngăn chặn. Khi bị tra hỏi, Childs có khai ra một số mã. Nhưng khi những mã này bị phát hiện là giả, anh ta quyết định không khai gì nữa.
Theo James Ramsey, một thanh tra của Sở cảnh sát San Francisco, Childs đã cài trái phép nhiều modem khác nhau vào FiberWAN để dễ dàng truy cập vào mạng này khi cần thiết. Ông cũng phát hiện rằng Childs thiết lập một lệnh rất nguy hiểm vào vài thiết bị mạng do hãng Cisco chế tạo. Lệnh này sẽ khoá hết toàn bộ các hoạt động giúp lấy lại mật mã trong trường hợp người ta cố tìm cách xâm nhập hệ thống mạng.
Để chống lại các mật mã của Childs, người ta chỉ còn cách dừng hoạt động của cả mạng FiberWan và thiết lập mọi thứ từ con số 0. Tuy nhiên công việc này có thể kéo dài tới vài tháng và tốn kém tới hàng triệu USD. Rõ ràng, đây là một vụ phá hoại có chủ ý của Childs. Song câu hỏi được đặt ra là vì sao anh ta phải làm vậy
Tài năng lạc lối
Terry Childs là một người rất thông minh, pha chút ngạo mạn. Anh ta đã tốt nghiệp lớp đào tạo về mạng của Cisco System ở mức cao nhất. Tuy nhiên lý lịch cá nhân của Childs có chút vấn đề. 25 năm trước anh ta từng bị kết án 5 năm tù treo vì tội tham gia trộm cướp ở bang Kansas. Điều đó không ngăn cản việc Childs được nhận vào làm tại phòng Công nghệ thông tin của thành phố San Francisco.
Là người không khéo léo, trong quan hệ ở cơ quan, Childs hay bị đồng nghiệp và các cấp trên đánh giá thấp. Tuy nhiên trong công việc anh ta được nhiều người, bao gồm cả thị trưởng San Francisco Gavin Newsom, nể phục. Chính ông Newsom đã kéo Childs tham gia nhóm xây dựng mạng FiberWAN.
Mặc dù Childs không phải là nhân vật lãnh đạo thiết kế FiberWAN, anh ta lại có đóng góp rất lớn trong việc xây dựng nên mạng này. Để đảm bảo sự ổn định của cả mạng máy tính, Childs được giao công việc bảo trì hệ thống. Bản thân anh ta không tin tưởng những người khác có thể xử lý công việc tốt hơn mình và các sếp của Childs cùng đồng nghiệp cũng nghĩ như thế. Vậy là công việc lẽ ra thuộc về nhiều người lại đổ dồn lên vai Childs. Suốt mấy năm trời ròng rã, Childs luôn trong tình trạng làm việc quá sức, trong khi một số đồng nghiệp "ngồi chơi xơi nước".
Mọi chuyện bắt đầu xấu đi khi phòng Công nghệ thông tin nhận về một vị sếp mới. Ông này lập tức đưa Childs vào tầm ngắm, chọc ngoáy nhiều thứ vào công việc của anh ta. Tệ hại hơn, trong bảng đánh giá nhân viên, ông sếp kết luận Childs có năng lực kém, phủ nhận tất cả những gì anh ta vẫn âm thầm cống hiến, và đề nghị đuổi việc. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến Childs quyết định "nổi loạn".
Khủng bố thời kỹ thuật số
Chiều 22/7, sau một cuộc trao đổi dài hơi, Childs đã quyết định tiết lộ các mật mã cho thị trưởng Newsom bởi ông là "người duy nhất mà anh ta tin tưởng". Cuộc khủng hoảng ở San Francisco cuối cùng đã có cái kết êm thấm. Tuy nhiên nó đã khiến người người ta phải để tâm tới một mối đe doạ mới: các cuộc phá hoại từ bên trong, bắt nguồn từ những tài năng tin học mất mãn như Childs.
Khủng bố tin học - nguy cơ của thời đại bùng nổ thông tin
Người ta hẳn còn nhớ hồi năm 2000, Vitek Boden, một kỹ sư tin học người Australia, đã bị xử hai năm tù vì tội đột nhập vào hệ thống quản trị của một nhà máy xử lý chất thải và bơm hàng triệu lít nước thải vào các công viên, con sông. Nguyên nhân chỉ vì Boden bị công ty trên sa thải. Tương tự, năm 2001, Roger Duronio, một quản trị viên thuộc ngân hàng UBS Mỹ đã tạo một quả bom virus, đánh gục một lúc 2.000 máy chủ của ngân hàng này. Nguyên nhân chỉ vì Duronio được nhận khoản tiền thưởng thấp hơn mức anh ta mong đợi. Gần đây nhất, vào năm 2005, khi Danielle Duann bị sa thải khỏi vị trí giám đốc công nghệ thông tin của trung tâm LifeGift, cô này đã xoá sạch toàn bộ các dữ liệu liên quan tới những người hảo tâm đã hiến tặng nội tạng cho trung tâm.
Gia Bảo