09/12/2017 15:26 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 8/12, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư thay thế quy định về quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế - kỹ thuật về tư liệu môi trường, dự thảo bộ đơn giá cho công tác tư liệu môi trường và dự thảo đề án thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường nhằm nâng cao công tác quản lý dữ liệu về môi trường.
Các đại biểu cho rằng thông tin tư liệu về môi trường hiện nay khá phong phú nhưng việc lưu trữ còn phân tán, riêng lẻ trong từng cơ quan, đơn vị khác nhau. Trước đây Nhà nước giữ bản quyền tư liệu gốc nhằm mục tiêu quản lý nhà nước. Chuyển sang giai đoạn kinh tế thị trường, đối tượng sử dụng tư liệu này có sự chuyển biến. Thêm nhiều tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân mong muốn được khai thác sử dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo dự thảo Đề án thu phí khai thác và sử dụng dữ liệu về môi trường, các loại dữ liệu bản đồ có mức phí đề xuất từ 608.000 đến 2.800.000 đồng. Mức phí của dữ liệu khí tượng thủy văn tự động một yếu tố đo ở một trạm là 720.000 đồng/tháng, với số liệu quan trắc môi trường định kỳ là 100.000 đồng/trạm/năm. Mức phí đối với các báo cáo, hồ sơ và tài liệu được tính 2.000 đồng/trang.
Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin tư liệu tài nguyên môi trường Bình Dương Đỗ Văn Hiển kiến nghị đưa nội dung kiểm tra tư liệu môi trường vào mục thu nhận tư liệu môi trường, nhằm đảm bảo tư liệu được kiểm tra trước khi lập phiếu giao nhận giữa 2 bên. Xem xét bỏ quy định “kiểm tra nội dung của tư liệu môi trường” vì hiện chưa có văn bản quy định cơ quan lưu trữ phải kiểm tra nội dung của tư liệu giao nộp, đây là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền sản sinh ra tư liệu. Nội dung ở khâu bàn giao kho lưu trữ tư liệu môi trường cần ngắn gọn hơn, tránh phát sinh nhiều biên bản bàn giao không cần thiết và không phù hợp với cơ cấu tổ chức tại các Trung tâm.
Việc quy định chung mục công tác bảo quản và cung cấp tư liệu môi trường là chưa xứng tầm. Đây là hai nội dung lớn trong hoạt động lưu trữ, vì vậy cơ quan soạn thảo nên tách ra thành hai nội dung, quy trình, định mức độc lập để dễ thực hiện trong thực tế.
Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 42/2011/TT-BTNMT quy định quy trình kỹ thuật và định mức kinh tế kỹ thuật về tư liệu môi trường áp dụng cho 3 công việc gồm kiểm tra, thu nhận tư liệu môi trường; bảo quản và cung cấp tư liệu môi trường; công tác thư viện môi trường. Tuy vậy, công tác chỉnh lý tài liệu là một nội dung lớn thuộc chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, nên cần có quy định riêng và cụ thể. Dự thảo nên sung thêm quy trình, định mức nội dung “chỉnh lý tài liệu tích đống” và “chỉnh lý nâng cấp tài liệu” làm cơ sở khi các cơ quan đơn vị có nhu cầu thực hiện công tác “chỉnh lý tài liệu” khối tài liệu này.
Ông Đỗ Văn Hiển nhấn mạnh cần bổ sung quy định việc cung cấp thông tin dữ liệu trực tuyến. Đối với việc lưu trữ tài liệu số cần bổ sung định nghĩa thiết bị lưu trữ môi trường được rộng hơn như thiết bị lưu trữ trực tuyến và ngoại tuyến, trong đó cần đa dạng hóa thiết bị lưu trữ tài liệu mềm thay thế cho thiết bị lưu trữ truyền thống hiện tại đã ít được sử dụng. Tài liệu giấy cần nghiên cứu lồng ghép quy định áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 để nâng cao chất lượng quản lý dữ liệu lưu trữ.
Tổng cục Môi trường cần nghiên cứu ban hành quy trình, định mức một số nội dung như ban hành danh mục hồ sơ, tài liệu lưu trữ thuộc diện hạn chế sử dụng nhằm đảm bảo quá trình khai thác và sử dụng các loại tài liệu lưu trữ theo quy định của pháp luật; hướng dẫn việc lập hồ sơ hiện hành; định mức, quy trình xử lý nghiệp vụ lưu trữ trước khi nhập kho; định mức xây dựng khử trùng tài liệu, khử trùng kho; quy cách bìa, hộp đựng hồ sơ, tài liệu sau chỉnh lý; định mức kinh phí thu thập, sưu tầm hồ sơ, tài liệu quý, hiếm...
Minh Nguyệt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất