Cần thay đổi cách nghĩ về sử dụng điện

25/02/2009 16:28 GMT+7 | Thế giới

Trời chưa tối nhưng các ngọn đèn đường đã bật sáng. Các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sử dụng hiệu quả nguồn diện hiện có và đồng thời phải đa dạng các nguồn năng lượng trong tương lai

Với kinh nghiệm về vấn đề năng lượng, tham tán thương mại của Phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam - ông Antonio Berenguer tư vấn rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần phải thay đổi cách nghĩ và hướng đến việc sản xuất tiết kiệm năng lượng.

Sau đây là một số ý kiến của ông Berenguer liên quan đến việc tăng giá điện cũng như vấn đề tiết kiệm năng lược và sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

* Ông nghĩ giá điện hiện nay ở Việt Nam nên tăng hay không?

Việc tăng giá điện vừa phải sẽ giúp cho các nhà sản xuất và cung cấp điện hoạt động hiệu quả và đồng thời vẫn đảm bảo các hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp vẫn tiếp diễn.

Chúng ta nên nhớ rằng việc đảm bảo doanh thu công bằng và khả năng độc lập về tài chính cho nhà sản xuất điện rất quan trọng cho việc phát triển kinh tế của Việt Nam. Cũng cần thấy rằng giá điện ở Việt Nam hiện nay đang thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực và do vậy một mức tăng vừa phải không ảnh hưởng mạnh đến tính cạnh tranh của Việt Nam.

Tôi tin là những ảnh hưởng của tăng giá điện đến phúc lợi xã hội của người dân nông thôn cũng đã được cân nhắc kỹ lưỡng, và quyết định này không ảnh hưởng nghiệm trọng đến đời sống của họ.

* Vậy giá điện của Việt Nam thấp hơn thế nào so với các nước khu vực?

Giá bán điện cho các hộ gia đình tại Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với giá điện ở các nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia và Indonesia vì ở đây điện được giá bán với giá từ 14 đến 15 xu đô la Mỹ/kWh.

Tôi nghĩ việc tăng giá bán lẻ điện nhằm thu hút thêm các công ty nước ngoài đầu tư vào ngành năng lượng Việt Nam. Do trong các năm gần đây Việt Nam phát triển nhanh nên ngành năng lượng nước này đang phải vật lộn với nhu cầu sử dụng năng lượng tăng mạnh.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, trong năm 2008, nguồn cung năng lượng của Việt Nam chỉ tăng 12% trong khi nhu cầu lại tăng đến 16%, nên Việt Nam phải mua điện từ nước ngoài và cũng dẫn đến tình trạng cắt điện. Để tránh tình trạng này, ngành năng lượng của Việt Nam phải nâng công suất sản xuất điện. Chính phủ cũng cần phải có nguồn thu để thực hiện việc này mà không bị mất cân đối lớn về thu chi ngân sách. Theo tôi được biết một trong những lý do khiến cho giá điện vẫn chưa tăng là để chống lạm phát, nhưng lạm phát đang bắt đầu giảm rồi.

* Nhưng nếu giá điện tăng sẽ làm cho doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong lúc kinh tế thế giới vẫn đang suy giảm?

Như tôi đã đề cập ở trên là giá điện ở Việt Nam đang thấp hơn so với hầu hết các nước trong khu vực. Do vậy, các doanh nghiệp cũng nên hiểu rằng việc tăng giá điện hợp lý có thể sẽ buộc các công ty phải tìm cách hoạt động hiệu quả hơn bằng việc sử dụng các công nghệ, thiết bị tiết kiệm năng lượng để có thể đảm bảo phát triển bền vững lâu dài.

* Nhưng nhiều doanh nghiệp có ý kiến rằng việc tăng giá điện sẽ tác động lên giá thành sản phẩm, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam tại các thị trường chủ lực như Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ...

Ông Antonio Berenguer

Cũng khó để xác định điều này. Nhưng tôi cho rằng tăng giá điện sẽ là động lực thúc các công ty sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn.

Việt Nam có các dự án tiêu thụ nhiều điện do sử dụng công nghệ lạc hậu, được nhập vào vì giá điện tại đây còn thấp. Việc áp dụng những công nghệ đáng lẽ phải bỏ đi và các phương thức sản xuất kém hiệu quả chắc chắn sẽ đi ngược với chiến lược của Việt Nam là tạo đà phát triển kinh tế bằng việc sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, có thể cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước và thế giới.

Theo quan điểm của tôi, việc các công ty hoạt động hiệu quả hơn, do giá điện tăng hay do bất cứ một nguyên nhân nào khác, là yếu tố tích cực và chắc chắn sẽ giúp cải thiện ưu thế cạnh tranh của các công ty đó.

* Ông có cho rằng tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến chương trình kích cầu của Chính phủ?

Nếu giá điện tăng với bất cứ mức hợp lý nào cũng là cần thiết để tạo thêm nguồn thu giúp cải thiện mạng lưới và công suất của các nhà máy điện. Vấn đề liên quan đến nguồn cung điện của Việt Nam không nên xem xét trong ngắn hạn mà phải trong thời gian trung và dài hạn.

Kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại trong năm 2009 nhưng vẫn còn là khá tốt so với các nước đang rơi vào suy thoái. Điều quan trọng là Việt Nam còn nhiều tiềm năng để phát triển ngay trong tương lai rất gần, và do vậy cũng cần phải nâng công suất sản xuất điện và hiện đại hóa công nghệ, thiết bị điện. Đây là nền tảng mà Việt Nam cần phải xây dựng ngày hôm nay để ngày mai có thể đạt được những kết quả như mong muốn.

Theo tôi, nhu cầu điện có thể giảm trong lúc khó khăn hiện nay nên được xem là cơ hội để có thể chuẩn bị cho nguồn cung tốt hơn trong tương lai. Việt Nam cần phải nắm lấy cơ hội này. Người tiêu dùng và các cơ quan quản lý cần được biết rõ là nguồn thu tăng từ giá điện tăng phải được sử dụng cho nâng cấp hệ thống điện đang rất cần vốn.

* Ông có đề xuất gì về các biện pháp làm thế nào để giảm bớt những ảnh hưởng từ việc tăng giá điện?

Như tôi đã đề cập, nguồn cung điện cũng như các dự án cơ sở hạ tầng khác và đào tạo nhân lực thì rất quan trọng, giúp Việt Nam tiếp tục duy trì được vị trí là điểm đến hấp dẫn trong khu vực cho các nhà đầu tư. Do vậy, việc tăng giá điện sẽ tạo ra lối suy nghĩ mới về việc sử dụng điện cho sản xuất công nghiệp.

Trong thời gian trung và dài hạn, tôi nghĩ Việt Nam phải xem xét cách đa dạng các nguồn cung năng lượng mà ít bị lệ thuộc vào các nguyên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ… Việc phải đối phó với những thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cũng phải được đẩy mạnh theo hướng ưu tiên áp dụng các công nghệ sạch. Năm 2009 sẽ là năm có nhiều hoạt động gắn với đối phó những thách thức về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
(Theo TBKTSG)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm