01/05/2022 07:25 GMT+7 | Tin tức 24h
Năm nay, thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5 trong bối cảnh các nước đang nỗ lực mở cửa trở lại nền kinh tế sau hơn hai năm chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19.
Đã có nhiều dấu hiệu về sự phục hồi tích cực của thị trường lao động ở nhiều nước, dù Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) nhận định đây vẫn sẽ là một chặng đường dài, đòi hỏi những giải pháp tập trung vào con người mang tính toàn diện.
Những số liệu thống kê mới nhất cho thấy đại dịch COVID-19 ngày càng tác động ít hơn đến thị trường việc làm tại Mỹ. Theo Bộ Lao động Mỹ, số người phải nhận trợ cấp thất nghiệp thường xuyên đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong hơn 50 năm qua, cho thấy thị trường lao động của nền kinh tế số một thế giới tiếp tục khởi sắc.
Dấu hiệu tích cực cũng được ghi nhận ở các nền kinh tế khác trong giai đoạn hậu đại dịch COVID-19. Tại Ấn Độ, nhu cầu tuyển dụng nhân lực trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, tài chính và nhân sự đã tăng 6% trong tháng 3 so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, số việc làm trong ngành du lịch và khách sạn cũng tăng 11% sau thời gian dài sụt giảm do dịch COVID-19. Năm ngoái, những lĩnh vực như y tế, giao hàng, thương mại điện tử đã phát triển bùng nổ ở Ấn Độ và tạo ra rất nhiều việc làm mới. Tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở quốc gia đông dân thứ hai thế giới này cũng gia tăng.
Đối với Đông Nam Á, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế khu vực này sẽ đạt 5,1% trong năm 2022, tăng đáng kể so với mức 3,2% của năm ngoái. Với 400 triệu người, tương đương 59% dân số Đông Nam Á đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ, nhiều nền kinh tế khu vực bắt đầu mở cửa biên giới hoàn toàn.
Theo bà Park Cyn-Young, Giám đốc phụ trách hợp tác và hội nhập khu vực của ADB, khủng hoảng COVID-19 dù để lại nhiều tác động kéo dài, nhưng cũng là cơ hội để các nước Đông Nam Á cấu trúc lại ngành nghề cũng như tái thiết các thành phố để trở nên bền vững, toàn diện và có sức chống chịu những cú sốc trong tương lai tốt hơn.
Ngoài ra, các thỏa thuận thương mại tự do đa phương lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng sẽ mang lại cơ hội tạo ra việc làm lớn cho các nền kinh tế thành viên. Cụ thể, RCEP sẽ tạo ra 2,6 triệu việc làm mới, trong khi CPTPP là 1,5 triệu việc làm.
Tuy nhiên, không ít nhà kinh tế nhận định vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa thị trường việc làm của các nước khiến sự phục hồi trở nên khó đoán định hơn. Xung đột tiếp diễn ở Ukraine, với hệ quả là 3 cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính đang đe dọa đến khả năng phục hồi không đồng đều trên toàn thế giới.
Theo ADB, điều kiện phục hồi ở khu vực Đông Nam Á vẫn tương đối mong manh và thu nhập nhiều hộ gia đình sẽ tiếp tục sụt giảm. Một số động cơ tăng trưởng truyền thống như du lịch, vận tải và dịch vụ dự kiến cũng không sớm phục hồi do tác động lâu dài của đại dịch COVID-19.
Cùng chung nhận định, Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho biết sự hồi phục của thị trường lao động toàn cầu trong năm 2022 sẽ chậm hơn dự báo ban đầu. Thậm chí ngay cả trước khi xảy ra xung đột Ukraine, mức thâm hụt giờ làm toàn cầu ước tính tương đương 52 triệu việc làm toàn thời gian so với quý IV/2019.
Theo báo cáo mới nhất của ILO, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ vẫn duy trì ở mức trước đại dịch ít nhất cho đến năm 2023. Ước tính số người thất nghiệp trong năm nay là 207 triệu, so với 186 triệu người của năm 2019. Theo ông Ryder, sau hai năm chìm trong khủng hoảng COVID-19, thiệt hại tiềm tàng lâu dài của các thị trường lao động toàn cầu là rõ ràng, cùng với những quan ngại gia tăng về vấn nạn nghèo đói và bất bình đẳng.
Đại dịch COVID-19 đã gây ra những thay đổi về kinh tế mang tính cấu trúc, kéo theo tác động lâu dài. Do vậy, sự phục hồi của các thị trường lao động trong năm nay thực sự khó đoán định, bởi nhiều yếu tố như nhu cầu của nhà tuyển dụng hay xu hướng tìm kiếm việc làm mới của người lao động khi đại dịch COVID-19 kéo dài làm thay đổi tư duy về việc làm cũng như mong muốn của người lao động trong việc cân bằng giữa cuộc sống và làm việc.
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp, tại Phiên họp lần thứ 109 Hội nghị Lao động quốc tế diễn ra tháng 6/2021, các nước đã thông qua lời kêu gọi về một hành động toàn cầu hướng tới sự phục hồi lấy con người làm trung tâm sau khủng hoảng COVID-19, nhấn mạnh tới tính toàn diện, bền vững và linh hoạt; đạt được mục tiêu việc làm tốt; giải quyết nhu cầu của nhóm người dễ bị tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm và thu nhập cần phải là trung tâm các chiến lược quốc gia nhằm tái thiết nền kinh tế hậu đại dịch.
Các đại biểu cũng cho rằng để ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng đang trở nên cố hữu, cần phải có những chính sách tập trung vào con người toàn diện, trước hết là một hành động đa phương và sự đoàn kết toàn cầu, gồm tôn trọng quyền tiếp cận vaccine ngừa COVID-19, tái cơ cấu nợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sự chuyển tiếp xanh.
Theo ILO, có một giải pháp đã phát huy hiệu quả trong đại dịch và có thể giúp thế giới vượt qua các cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong tương lai: đó chính là sự phối hợp ba bên chặt chẽ giữa nhà tuyển dụng, người lao động và chính phủ.
Sự hợp tác này thực sự rất cần thiết để đảm bảo rằng các biện pháp do chính phủ đưa ra sẽ được người sử dụng lao động và người lao động chấp nhận và ủng hộ, từ đó có khả năng đạt hiệu quả cao hơn khi áp dụng trong thực tế. Ở nhiều quốc gia, cách tiếp cận này đã thúc đẩy thực thi các quy định ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ biện pháp ngăn chặn và ứng phó tình trạng lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc cho đến mô hình làm việc từ xa.
Như tại Singapore, những thay đổi trong quy định về tiêm chủng được áp dụng sau khi tham vấn và thảo luận giữa các đại diện ba bên.
ILO khẳng định thế giới sẽ không thể đạt được sự hồi phục thực sự sau đại dịch COVID-19 nếu như các thị trường lao động không phục hồi trên diện rộng. Sự hồi phục bền vững của thị trường lao động cần phải dựa trên các nguyên tắc của một công việc tốt, gồm y tế và an toàn, bình đẳng, an sinh xã hội và đối thoại xã hội. Với tiêu chí đó, khủng hoảng COVID-19 thực sự là một cơ hội để các nước có thể đưa ra cách tiếp cận phù hợp, mang tính toàn diện và bền vững hơn với thị trường lao động.
Lan Phương/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất