Một chuyến đi... học cách yêu thương

21/02/2009 19:17 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - Tôi quen Tony qua sự giới thiệu của chị gái tôi. “Tony là người Thuỵ Điển, sang Việt Nam trong chương trình trao đổi sinh viên, đang học tại Học viện quan hệ quốc tế. Em giúp chị dạy Tiếng Việt cho Tony nhé. Thực ra Tony rất thông minh, ngoài tiếng mẹ đẻ, cậu ấy còn thông thạo tiếng Nauy, tiếng Anh và cả tiếng Đức nữa. Nếu kết thân với Tony, chị nghĩ Anh ngữ của em sẽ rất tốt đấy” - Chị gái tôi “quảng cáo”.

Thú thực lúc đầu tôi chỉ nghĩ kết bạn với Tony để có cơ hội nâng cao khả năng tiếng Anh vốn rất ít ỏi của mình. Chính vì vậy, tôi luôn tranh thủ thời cơ để nói tiếng Anh, nhờ Tony sửa cách phát âm, dạy ngữ pháp, chữa bài luận... nhiều hơn là dạy Tony tiếng Việt. Đôi khi tôi còn tỏ ra khó chịu với những thắc mắc và thói quen hay hỏi của Tony. Gặp cái gì lạ hắn đều hỏi tôi và yêu cầu giải thích cho bằng được. Hắn luôn “vặn vẹo” kiểu như: “Tại sao lại thế?”, “Làm như thế nào?”. Thậm chí hắn đã can đảm nhờ tôi dạy soạn tin nhắn, gửi email bằng tiếng Việt để kết bạn nữa cơ đấy. Hắn luôn muốn tôi trả lời về cách nói ví von, so sánh, những câu thành ngữ, tục ngữ... Có lúc hắn gật gù ra vẻ tâm đắc lắm nhưng cũng có lúc lại nhíu mày buông một câu “xanh rờn”:“Không hiểu” sau khi tôi đã lý giải một thôi một hồi.

Cứ thế... cứ thế... hai kẻ tham lam và ngang ngạnh là chúng tôi đã học được của nhau những điều thú vị. Tôi đã thực sự ngạc nhiên khi Tony có thể tự tin giao tiếp bằng tiếng Việt sau một thời gian ngắn. Tôi đem thắc mắc này hỏi hắn. Hắn đáp gọn lỏn: “Đi. Đi nhiều vào. Xách ba lô lên đi”.

Cuộc hành trình đầu tiên của tôi và hắn chính là Hà Nội – nơi tôi đã gắn bó suốt hơn hai mươi năm, nơi hắn đến để học tập cách đây 3 tháng. Hắn tỏ ra là một người khá sành sỏi về phố phường, ẩm thực, điểm du lịch, giao thông và giá cả ở Hà Nội. Hắn “cam kết” với tôi rằng hắn sẽ đưa tôi đến những nơi độc đáo.
 
Nhờ hắn, tôi đã chút đi cái vỏ bọc cứng nhắc, cái điệu đà kiểu cách không đáng có của một cô tiểu thư Hà Nội. Nhờ hắn, tôi mới nhận ra mình sống thật lười nhác và tẻ nhạt. Nhờ hắn, tôi mới biết những ngõ nhỏ nơi phố cổ Hà Nội sao đáng yêu đến thế. Nhờ hắn, tôi mới được thưởng thức những món ăn bình dân mà ngon tuyệt, mới được nhâm nhi ly cà phê trên tầng hai một ngôi nhà cũ kỹ nơi góc phố: chật hẹp mà ấm áp. Nhờ hắn, tôi mới biết những người thợ thủ công đã tỉ mẩn như thế nào khi làm ra một chiếc chén, kỳ công như thế nào khi chế tác một chiếc bình gốm và tâm huyết thế nào khi dệt một vuông lụa. Không phải tôi giúp Tony, mà chính hắn và thói quen đi để học, để mở mang kiến thức của hắn đã giúp tôi hiểu biết hơn, yêu thương hơn và tự hào hơn về thành phố mình đang sống. Những lúc tôi kêu trời nắng, than mỏi chân, hắn lại động viên và dạy khôn tôi bằng cái giọng “thuộc bài” rất tinh vi rằng: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn ”. Tất nhiên là lúc đó, tôi chẳng còn cách nào khác là vui vẻ, tự nguyện và hào hứng khoác ba lô lên đi để tiếp tục đồng hành với hắn.

Hôm ấy, Tony hứa sẽ đưa tôi đến một nơi khác ở Hà Nội. Tôi ngạc nhiên: “Vẫn chưa đi hết Hà Nội à?, Tony lắc đầu đầy vẻ bí mật. Và tôi đã thực sự bất ngờ khi nơi chúng tôi dừng chân là một ngôi chùa ở ngoại thành Hà Nội – nơi đây chính là mái ấm của những trẻ em mồ côi, lang thang, cơ nhỡ và khuyết tật. Các sư thầy và bọn trẻ ở đây đón tiếp Tony một cách gần gũi và thân mật. Mấy cậu bé đã nhanh chân chạy đến, bám lấy hai cánh tay Tony và đánh đu lên người hắn. Tony cười rạng rỡ, nô đùa với chúng hồn nhiên như một đứa trẻ. Chưa bao giờ tôi thấy Tony vui đến vậy. Trò chuyện với các thầy, tôi mới được biết Tony rất hay đến đây vào cuối tuần (Thì ra đây chính là lý do mà cứ đến thứ bảy, chủ nhật là hắn lại im thin thít và lặn mất tăm). Hắn đến để vui chơi, hát hò, dọn dẹp, làm việc cùng bọn trẻ, tặng sách và dạy ngoại ngữ cho các em như một tình nguyện viên.

Những điều tôi vừa biết càng chứng tỏ tôi chưa thực sự hiểu Tony. Mà không, điều đó cho thấy Tony chẳng hề tin tưởng tôi, hắn đâu có chịu chia sẻ với tôi mà chỉ lặng lẽ làm một mình. Tôi dáo dác ngó quanh tìm Tony, định sẽ hỏi hắn cho ra nhẽ, sẽ trách móc hắn thật nhiều. Bước nhanh vào khu nhà trước mặt, tôi chợt khựng lại, nơi cửa sổ Tony đang cúi xuống bên một chiếc nôi. Em bé trong nôi còn quá nhỏ, tay chân nó co rúm lại huơ huơ cử động một cách khó khăn. Tony nhẹ nhàng nựng nó bằng tiếng Việt, bằng chất giọng rất ấm của Tony. Tôi tiến lại gần hơn, Tony bối rối, nhẹ gật đầu, chớp nhanh đôi mắt, gượng gạo cười và... một cái nhún vai. Tất cả chỉ để cố che giấu đi sự xúc động của mình. Tony không muốn tôi biết là hắn đang khóc. Tôi hiểu, đằng sau những giọt nước mắt tưởng chừng như mềm yếu của Tony là sức mạnh lớn lao của một tấm lòng nhân hậu. Tôi xiết chặt tay Tony: “Từ nay, cậu sẽ không phải đến đây một mình nữa, cậu bạn ngốc nghếch của tôi ạ”. Tony nhoẻn miệng cười, nụ cười hiền lành mà tự tin.

Tony đã giúp tôi đi nhiều, học nhiều, hiểu biết nhiều, suy ngẫm lại càng nhiều. Chính Tony đã nói với tôi rằng: Thành công hay thất bại, niềm vui hay nỗi buồn, may mắn hay rủi ro, hạnh phúc hay bất hạnh... đều giống nhau ở một điểm. Đó là cần lắm sự CHIA SẺ.

Cảm ơn Tony về những chuyến đi, cảm ơn bạn về tất cả. Cảm ơn bạn đã dạy cho tôi: Học cách yêu thương.

Phạm Thị Phương Thảo

Bài viết này đã được chọn đăng trên
Báo Thể thao & Văn hóa Hàng ngày - Số 65 - Thứ Sáu 6/3/2009
 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm