01/02/2022 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Khi chứng kiến các vị khách tham gia chương trình Vua Tiếng Việt, tôi nhận thấy những người thắng cuộc ngoài việc nhanh mắt và nhạy bén trong xử lý các chữ cái hay tổ hợp từ, họ còn linh hoạt trong tư duy vận dụng từ ngữ. Những thứ này phản ánh một quá trình thẩm thấu ngôn ngữ từ lâu, qua việc học, đọc và giao tiếp.
Qua những giãi bày của người chơi với người dẫn chương trình, nghệ sĩ Xuân Bắc, tôi để ý nghề nghiệp và môi trường sống của họ củng cố thêm những đặc điểm làm nên khả năng vận dụng ngôn ngữ của từng người.
1. Trò chơi có phần làm thơ, mà thể thơ được các người chơi thích chọn hơn cả là lục bát. Ngay trong phần giới thiệu bản thân, đa số họ cũng thể hiện bằng những đoạn thơ lục bát. Thể thơ đặc trưng cho tiếng Việt này sở dĩ được vận dụng nhiều như vậy vì lý do phép hiệp vần dễ dàng của nó, giữa tiếng thứ sáu của câu sáu và câu tám. Tất nhiên không chỉ bắt vần mà còn phải có nội dung nữa, cũng như các bài rap thường được các ca sĩ tạo ra nhịp và vần ở các từ cuối câu, tạo ra một sự liên kết móc xích rộn ràng bắt tai. Các từ để bắt vần vang lên sẽ làm nên ấn tượng đậm nét về âm thanh hơn những từ còn lại.
Vậy những từ đó nên là từ gì? Điều này đòi hỏi những chuyên luận phức tạp, mà giờ suy tư này khiến tôi nghĩ đến việc cách đây một dạo, tôi được nhận xét là hay dùng từ cũ, cổ. Thoạt đầu, tôi không thích với nhận xét ấy lắm, vì như vậy thành ra gây ấn tượng mình viết bị lạc thời. Từ điển tiếng Việt chưa có tính năng xếp hạng mức độ thông dụng trong ngôn ngữ hiện đại hay cổ, nên tôi không có căn cứ để tôi tự kiểm. Chỉ có thể cảm nhận bằng việc tôi so sánh với những bài viết của các tác giả hay các văn bản mọi người đọc (chủ yếu trên mạng). Có hẳn những phần mềm giúp việc này, ví dụ giúp thống kê tần suất xuất hiện của các từ trong văn bản hay một file bản thảo cuốn sách.
2. Nhưng tôi không bàn đến vấn đề cổ hay mới, lạ hay quen, mà là việc các từ đang dùng có giúp cho truyền tải nội dung như chủ đích người viết ra hay không. Tôi để ý đến câu chuyện đang râm ran nhiều ngày nay, là việc mổ xẻ bài hát Mang tiền về cho mẹ của ca sĩ nhạc rap Đen Vâu (với sự tham gia của ca sĩ Nguyên Thảo).
Hãy thử phân tích về các từ vựng trong bài rap chiếm sóng tháng giáp Tết 2022 này. Văn bản lời gồm 1.304 từ, khi được trình bày dạng các dòng thơ, có tổng số 146 dòng (không kể những dòng tiếng đế kiểu Oh, Yeah hay câu ru Á à ơi). Lời ca nhắc đi nhắc lại thông điệp chính, cũng gồm tên bài hát: “Mang tiền về cho mẹ/ Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”. Đây cũng là những từ được sử dụng nhiều nhất, cùng với những từ liên quan hành động được nêu ra: Mang (30), Tiền (47), Về (43), Cho (49), Mẹ (76), Con (39), Đừng (18), Không (17), Đi (12), Xa (9), Nhà (9), Ưu phiền (5). 12 từ này chiếm 27,1% số từ được hát lên. Trừ “ưu phiền” là từ ghép Hán Việt, những từ còn lại đều là từ đơn và khả năng phần lớn là từ thuần Việt. Nhìn chung, các từ đều có vẻ là những từ phổ dụng, dễ hiểu.
MV "Mang tiền về cho mẹ" của Đen Vâu:
Tác giả ít dùng từ đồng nghĩa thay thế hoặc các câu nhạc có hình tượng song đôi kiểu Trịnh Công Sơn, mà thường dùng viết kiểu câu nối tiếp như lời kể chuyện, phù hợp lối diễn đạt kiểu văn nói. Kết quả là thông điệp của bài rap rất rõ ràng, khó mà nói là mơ hồ, khó hiểu về mặt từ vựng. Đây cũng là một đặc điểm có thể rút ra khi đọc lời các bài rap được nhiều bạn trẻ thích mấy năm qua.
Tuy nhiên, điều mà các bài này và nhất là những bài rap ra đúng dịp Tết vài năm gần đây (nên cũng rất bắt tai, các nhà truyền thông đã khai thác các bài này triệt để trong các clip quảng cáo) gợi ra tranh cãi là sự không rõ ràng của nội dung. Những câu như “Về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn” hay “Đừng mang mất dạy, mày về đây tao đánh” tạo ra cuộc tranh cãi khi người nghe liên hệ với những tình huống bạo lực của cha mẹ với con cái nổi cộm trên truyền thông gần đây, cho dù theo truyền thống có thể biện minh “yêu cho roi cho vọt”. Rồi những thông điệp xoáy sâu vào giá trị của việc kiếm tiền và “mang tiền về cho mẹ” như là mục đích lớn nhất của những đứa con tha hương cũng khiến cho nội dung khá lúng túng để “nghệ thuật hóa” sự mô tả kết quả hạnh phúc mà người mẹ có được khi đứa con mang tiền về.
Dĩ nhiên Đen Vâu muốn nói, đứa con về với mẹ thành công bằng sức lao động chân chính, và dâng tặng người mẹ những kết quả của sự lao động đó là niềm hạnh phúc lớn nhất. Nhưng sự đơn giản, thẳng thắn của những từ vựng không thể hiểu theo cách biểu tượng hay lối uyển ngữ, mà ở đây là dạng mệnh lệnh thức “Mang-tiền-về-cho-mẹ” khiến người ta chỉ có thể ghi nhận duy nhất một đích mà thôi. Về mặt thủ pháp ca từ, sự trực diện của thông điệp khẳng định sự thật thà, thô phác, có lẽ cũng là dụng ý của người làm nên ca khúc.
Ở một lối biểu diễn khác, có thể sẽ gợi ra cảm giác khôi hài hoặc tự giễu như Gducky, cũng một hiện tượng rap khác trong chương trình Rap Việt mùa 1, đã viết: “Tiền nhiều trong túi, tiền thật nhiều trong ví. Ta vẫn cứ lao động để khi nước mắt rơi lấy tiền mà lau. Có rất nhiều thứ có thể mua được bằng tiền. Nhưng con tim ta thì tiền không được làm phiền” (Tiền nhiều để làm gì). Nhưng ở đây văn bản của Mang tiền về cho mẹ hoàn toàn nghiêm túc. Vì vậy, bài hát nhận được cả sự ủng hộ lẫn chỉ trích khi nó vừa khích lệ một tinh thần vào đời hồ hởi của thế hệ trẻ (nhiều khi nhuốm màu sắc lạc quan hư vô), lại vừa gây cảm giác đơn giản hóa quá mức vị thế của vật chất tiền bạc trong cuộc sống (mà nhiều khi bỏ qua những ảnh hưởng tiêu cực). Thêm vào đó, việc trở thành những bài hát ăn khách phục vụ trực tiếp cho các chương trình kích cầu thương mại cũng không khỏi khiến người nghe ấn tượng về tính thực dụng lộ liễu.
3. Trở lại với chương trình Vua Tiếng Việt như một trải nghiệm khá thú vị mà tôi được dự khán, tôi cho rằng có lẽ các người chơi thành công là bởi phổ từ vựng và dữ liệu ngôn ngữ trong họ khá dày dặn. Nó là kết quả của một quá trình thẩm thấu ngôn ngữ lâu dài, chứ không thể đạt được qua các khóa học cấp tốc hay đọc thuộc cuốn Từ điển tiếng Việt 36.000 từ của Trung tâm Từ điển học.
Nhiều lần người chơi phải giải thích những từ có lẽ họa hoằn lắm họ mới gặp, hoặc phải lập lại trật tự đúng của những câu thơ, câu văn đã bị chương trình xáo trộn. Những thao tác này đòi hỏi một tư duy hình dung về cách vận dụng các đơn vị từ ngữ, chứ không chỉ cầu may.
Với tôi, tôi cũng nghĩ rằng, cái khó của người viết là vận dụng đúng chỗ các từ ngữ để tạo ra những sáng tạo riêng của mình. Thành công của Đen Vâu và những ca sĩ nhạc trẻ là sử dụng hiệu quả vốn từ đơn giản nhưng bắt trúng nhu cầu tâm lý giới trẻ, tạo ra sự cộng hưởng thế hệ, xoay quanh những chủ đề bận tâm của họ: tình yêu, sự gắn bó, sự công nhận, suy tư về vật chất, sự cô đơn...
Nhưng sáng tác âm nhạc dĩ nhiên đòi hỏi sự đa dạng hơn thế về mặt ngôn ngữ lẫn cách biểu đạt. Người thưởng thức đi từ bản chất của thẩm mỹ âm nhạc, cụ thể là ca khúc, vẫn đánh giá cao vẻ đẹp của những từ vựng trau chuốt, những biểu tượng ẩn dụ khiến họ suy tư, những sáng tạo bộc lộ cá tính độc đáo của nghệ sĩ hơn là những câu bắt vần giống các khẩu ngữ đường phố.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất