24/12/2022 11:00 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Có lẽ, trong những phẩm vật ngày Tết, pháo là thứ không phân biệt giàu, nghèo, nó đem đến cho người ta phong vị Tết bởi những tiếng đì đùng kèm theo thứ ánh sáng của sự hi vọng. Ngày xưa, dù nhà có nghèo nhưng ai cũng cố sắm cho mình được 3 phong pháo để đốt. Mặc dù hiện nay các gia đình không còn được đốt pháo nữa, nhưng những tràng pháo nổ giòn của ngày xưa ấy luôn đọng lại trong tâm khảm nhiều thế hệ.
Bày bán pháo ngày xưa. Ảnh tư liệu
Cũng chẳng phải tự nhiên mà người ta hoài cổ về tiếng pháo xưa mỗi dịp Tết đến. Bởi tục lệ ấy đã ôm trọn những mong ước tốt lành về một năm mới an khang và thịnh vượng.
Tiếng cây trúc ném vào lửa nổ phát ra tiếng bụp bụp là khởi nguyên cho loại pháo cổ xưa của nhân loại, pháo bộc trúc. Quan niệm dân gian cho rằng, tiếng nổ lớn cùng ánh lửa làm kinh sợ một số loài ma quỷ được nhắc trong điển tích xưa của Trung Quốc.
Chẳng hạn như loài quỷ tên Niên, ở dưới biển nhưng cứ đến dịp Tết là hại dân làng, phá hoại mùa màng và ăn thịt người. Trong Kinh sở tuế thời ký của Tống Lẫm thời Nam Tống, ông cũng đã viết về tục đốt pháo những năm 502-557 rằng ngày mùng 1 tháng Giêng, gà gáy lần đầu, mọi người dậy đốt bộc trúc để xua đuổi sơn tiêu (ma núi) và ác quỷ. Bởi vậy, người Trung Quốc đã giữ tập tục đó vừa để xua đuổi quỷ dữ, vừa cầu mong an lành trong năm mới.
Theo quan niệm xưa, người dân sẽ đốt một quả pháo vào buổi tối trước Giao Thừa, nhất là sau khi cúng Gia tiên xong. Lần thứ nhất gọi là “bế môn pháo trượng” (đóng cửa đốt pháo). Đến chính Tý (12 giờ đêm), sẽ đốt thêm một quả pháo để xua đuổi tà ma. Sáng mùng 1, khi mở của nhà sẽ đốt thêm một quả pháo để mừng buổi sáng thiêng liêng đầu năm mới, gọi là "khai môn pháo trượng".
Ngoài 3 thời khắc quan trọng trên, người xưa quan niệm, đốt ba quả pháo mang nghĩa ‘liên trung tam nguyên’ để cầu mong cho người nhà thi cử đỗ đạt. Khoa cử khi xưa có tam nguyên là thi hương, thi hội và thi đình.
Nhà nào khá giả hơn thì đốt 4 quả theo nghĩa "phúc, lộc, thọ, hỷ" lần lượt tượng trưng cho những điều lành, sự thịnh vượng, trường thọ và nhiều chuyện vui. Còn khi đốt dây pháo hàng trăm quả ấy, xác pháo đỏ (còn gọi là mãn địa hồng) phủ đầy sân nhà, tượng trưng cho tiền tài, lộc lá ào ào vào cửa, gọi là "mãn địa kim tiền" (tiền phủ đầy sân). Thế nên, chẳng ai quét xác pháo đi trong ngày Tết cả.
Tiếng pháo trong ngày Tết không chỉ mang ý nghĩa xua đuổi tà ma hay những điều xui xẻo, mà đằng sau ánh sáng lấp lánh trong tiếng nổ giòn ấy là những ước mong về năm mới bình an, may mắn. Mang ý nghĩa an lành, tốt đẹp như vậy nên tiếng pháo còn xuất hiện trong đám cưới, các lễ kỷ niệm, khai trương cửa hàng,...
Trẻ em thường rất thích tiếng pháo. Ảnh tư liệu
Những dây pháo đỏ nổ đì đùng vào đêm Giao Thừa hắt lên ánh sáng rực rỡ là những mảnh kí ức chẳng thể nào quên. Tiếng reo vui của tất thảy người lớn trẻ nhỏ trong đêm chuyển giao năm cũ và năm mới, thật khiến cho ai cũng phải bồi hồi xúc động.
Đốt pháo trong ngày Tết không chỉ là bỏ đi những điều cũ, kích phát những động lực mới hướng về phía trước. Người xưa còn dùng tiếng pháo để dự đoán vận may của một năm nữa.
Mọi nhà bắn pháo hoa năm mới, nếu pháo nổ tiếng bé, lẹp bẹp hoặc bị xịt thì nghe chừng năm đó làm ăn không thuận lợi, không nhiều tiền, cầu việc cũng không được như ý. Còn nhà nào tiếng pháo nổ đùng đoàng, giòn giã, xác pháo bay cao thì dự báo điềm lành, năm ấy làm ăn thuận lợi, mọi việc được như ý.
Chỉ thị số 406-TTg của Chính phủ về vấn đề cấm sản xuất, buôn bán và bắn pháo hoa năm 1994 đã ‘khai tử’ cách thức 'dự báo tương lai' này của người dân trong ngày Tết.
Đến năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sản xuất và sử dụng pháo. Điều 17 của Nghị định cho phép các cơ quan, tổ chức và cá nhân được sử dụng trong các sự kiện như lễ Tết, đám cưới, khai trương một số loại như pháo hoa cánh hoa lửa, giàn phun hoa muôn màu, ống phun nước bạc,...
Người ta cứ bảo, pháo xưa không còn nên Tết nhạt. Những dây pháo nổ đì đùng trong gió xuân se lạnh xen màu khói lam. Giữa xác pháo tung bay là mùi diêm sinh nồng đậm. Với lũ trẻ, và cả người già thích hoài cổ, cái mùi xưa cũ ấy mới là hơi thở của Tết.
Cuộc sống hiện tại, những xác pháo đỏ không còn đầy sân, thay vào đó là những điểm bắn pháo hoa tưng bừng ở các thành phố lớn trên cả nước. Những quả pháo hoa to, rực rỡ, nhiều màu sắc vẫn chắp cánh ý nghĩa đẹp đẽ của tiếng pháo xưa.
Không sợ tiếng pháo nổ lẹt đẹt hay bị xịt để ‘dông’ cả năm nữa. Khắp cả nước, người dân đều được ngắm nhìn pháo hoa rực rỡ, cơ hội mới chia đều cho tất cả, ai cũng có thể tìm thấy niềm vui và động lực mới khi xuân sang. Ấy là lời chúc to lớn mà pháo hoa thời hiện đại gửi gắm tới người dân khắp mọi miền đất nước.
Tiếng pháo đêm Giao thừa là một lời chúc tụng đẹp đẽ cho những hy vọng mới của một năm an lành, may mắn. Một năm mới hứng trọn sức sống mùa xuân để gieo mầm những kế hoạch mới. Dù pháo nổ có khác, nhưng từ dây pháo đỏ đến tiếng pháo hoa sáng rực trên bầu trời cũng chẳng phải đều chắp cánh cho mong ước những điều tốt đẹp khi năm mới đến hay sao?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất