Tiếng nói độc giả: Thay đổi bộ máy và cách thức điều hành V-League là chưa đủ! (Bài 1)

24/11/2011 14:06 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH Online) - Chúng ta vừa chứng kiến những thay đổi có tính lịch sử diễn ra trong mấy tuần qua của bóng đá Việt Nam. Đây là niềm vui chung của tất cả những người quan tâm tới môn thể thao vua sau khi đã chứng kiến những bất cập, yếu kém của giải Vô địch quốc gia và những giải đấu khác. Những thay đổi vừa qua sẽ nhanh chóng chuyển thành cuộc cách mạng và sẽ đạt được những thành tựu vĩ đại nếu như chúng ta mạnh dạn tiến thêm một bước nữa: thay đổi cơ chế hoạt động của các giải đấu.

Để giải thích điều này, chúng ta cần biết rằng việc cải tổ bộ máy và cách thức điều hành của giải Vô địch quốc gia chỉ là một trong số những việc cần thực hiện để bóng đá Việt Nam phát triển, và đó chưa phải là việc quan trọng nhất. Chúng ta sẽ đối chiếu những thay đổi vừa qua với mục tiêu, mục đích của bóng đá Việt Nam và của các giải đấu cũng như đối chiếu với những vấn nạn của bóng đá Việt Nam gặp phải sẽ thấy nhận định này là hoàn toàn chính xác.

* Mục tiêu, mục đích của bóng đá Việt Nam:

-  Các cầu thủ thi đấu nhiệt tình trung thực trong từng trận đấu và trong suốt giải đấu;

-  Các câu lạc bộ tham gia cuộc chơi sòng phẳng, sạch, không tiêu cực, móc ngoặc và đi đêm;

-  Các trọng tài thực hiện nhiệm vụ một cách công tâm, khách quan và nghiêm minh trong từng trận đấu và toàn bộ giải đấu;

-  Cơ quan chủ quản (trước đây là VFF) không thể có tác động tiêu cực vào các trận đấu và giải đấu theo mong muốn chủ quan của mình, ví dụ cứu CLB này, dìm CLB kia…

Mục đích cuối cùng của giải đấu và bóng đá Việt Nam là kéo được khán giả đến sân bóng ngày một đông hơn.

* Những vấn nạn bóng đá Việt Nam đang gặp phải:

-  Sự thiếu chuyên nghiệp của các cầu thủ: Đây là vấn đề đau đầu nhất cho các ông bầu, huấn luyện viên, các nhà tổ chức, khán giả. Việc các cầu thủ chưa có tính chuyên nghiệp, lúc thi đấu nhiệt tình, lúc chây ỳ (thích thì đá chết bỏ để đánh bóng thương hiệu, do ghét đối thủ, được thưởng cao…khi thì ỳ ra vì bất mãn với huấn luyện viên, được thưởng ít, hoặc có cảm tình với đối thủ…) là bài toán hóc búa nhất đối với bất cứ đề án nào, giải pháp nào của bóng đá Việt Nam.

-  Vấn nạn trọng tài: Không cần nói nhiều chúng ta đều đã biết các vị vua áo đen đã có những thành tích gì trong bóng đá Việt nam. Nguyên nhân vấn nạn trọng tài có nhiều: thu nhập thấp, chuyên môn hạn chế, sức ép từ VFF, từ hội đồng trọng tài…

-  Sự tác động của VFF: Thực chất  những tác động của VFF vào giải đấu là có. Bằng những cách khác nhau, VFF đã có tác động tới một số ít các trận đấu, hoặc những ưu ái cho một vài câu lạc bộ nào đó.. Tuy nhiên, sự can thiệp này cũng rất khó xác định và cũng không phải là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng của bóng đá Việt Nam hiện nay. Đương nhiên, việc điều hành giải đấu theo cách thức vừa qua hoàn toàn chưa đáp ứng được yêu cầu của các câu lạc bộ, khán giả và bóng đá Việt Nam nói chung.

-  Sự móc ngoặc, đi đêm giữa các câu lạc bộ: Cũng giống như sự can thiệp tác động của VFF vào giải đấu, việc các câu lạc bộ có những “mối quan hệ” hoặc “tình cảm” với nhau là có thực. Tuy nhiên so với thời kỳ trước đây khi các CLB còn trong cơ chế bao cấp đã đỡ đi rất nhiều. Đồng thời cũng rất khó điểm mặt, chỉ tên trong những việc như thế này. Bản thân sự tác động của VFF, cũng như sự đi đêm của các CLB thực ra cũng không nhiều, nhưng nó lại chỉ diễn ra vào thời điểm nhạy cảm (và đôi khi diễn ra lộ liễu quá) thành ra hậu quả của nó ảnh hưởng khá lớn đến những CLB khác và tác động tâm lý rất tiêu cực.

Như vậy, đề án cải tổ bộ máy và phương thức điều hành giải vô địch quốc gia bằng Công ty cổ phần tổ chức sự kiện VPF chỉ giải quyết được một vấn nạn (tác động tiêu cực của VFF vào giải đấu) và một phần vấn nạn trọng tài (sức ép từ VFF, từ Hội đồng trọng tài).

Vậy làm thế nào để các cầu thủ thi đấu nhiệt tình, trung thực trong từng trận đấu và suốt giải đấu? Làm thế nào để các câu lạc bộ không đi đêm với nhau? Làm thế nào để các trọng tài thực hiện nhiệm vụ công tâm, khách quan?...

Theo suy nghĩ của tôi, chúng ta cần tìm ra cơ chế hoạt động của giải đấu để làm sao các cầu thủ bắt buộc phải thi đấu trung thực, các câu lạc bộ không muốn và không cần đi đêm, các trọng tài bắt buộc phải phân xử   công tâm, khách quan và nghiêm minh trong lỗ lực chuyên môn cao nhất. Và chắc chắn VPF sắp tới cũng không thể tác động tới kết quả của các trận đấu. Tóm lại, đó là một cơ chế mà các cá nhân và các thành phần tham gia không còn muốn thực hiện những hành vi tiêu cực nữa và có muốn cũng không làm được.

Đón đọc bài 2:Cơ chế hoạt động của các giải đấu và giải quyết tận gốc các vấn nạn của bóng đá Việt Nam

Trần Bình

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm