Tiếng nói CĐV | Sir Alex Ferguson: Kiêu hãnh và định kiến

03/11/2011 08:00 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Online) -Ngày 6/11/1986, ngày Sir Alex bắt đầu sự nghiệp cầm quân tại M.U thì tôi còn quá nhỏ để biết về bóng đá. Năm 1993 khi M.U lần đầu tiên lên ngôi tại giải Ngoại hạng Anh, tôi vẫn còn khá mù mờ để hiểu hết được rằng 1 đế chế bóng đá vĩ đại đã ra đời từ đó. Tôi chỉ thực sự biết đến M.U và biết đến Sir Alex Ferguson vào những năm 95, lúc mà hãng bia Carlsberg tài trợ phát những buổi tổng hợp giải Ngoại hạng Anh. Thời đó, thông tin nói chung và thông tin về bóng đá nói riêng là khá thiếu thốn, bóng đá không được chiếu trực tiếp trên TV “như cơm bữa” giống hiện nay, cho nên mỗi cuối tuần được ngồi thưởng thức không khí sôi động của Giải Ngoại hạng Anh qua những buổi tổng hợp đã luôn khắc sâu và có tầm ảnh hưởng lớn trong tôi.

Đó cũng chính là thời điểm mà M.U đang làm mưa làm gió trên khắp các sân cỏ nước Anh. Tôi rất nhớ hình ảnh 1 HLV mồm luôn “tóp tép” kẹo cao su không ngừng trong suốt cả trận đấu, lúc thì khoanh tay trước ngực, lúc thì đút tay vào túi rồi lúc thì chân tay khua khoắng không ngừng, thậm chí rất hay chạy xuống sân tranh cãi với các trọng tài như những “chàng trai” đang tranh khôn vì một người đẹp nào đó… Alex Ferguson là vậy, một con người rất giỏi về chuyên môn, rất giỏi về tâm lý chiến và cũng là một người rất ngang, với cái tôi rất lớn. Ông sẵn sàng chỉ trích HLV đối phương, hạ thấp cầu thủ đội khác, phàn nàn về trọng tài, miễn sao có lợi cho đội bóng… Đó không phải là “chơi bẩn”, đó là một trò chơi tâm lý của Sir Alex. Với những đối thủ không đủ tỉnh táo, không đủ “già dơ” thì khả năng họ sẽ tự gục ngã trước khi “giao chiến” với M.U với ông là rất cao. Đó là một phần của Alex khiến cho chúng ta luôn nhận ra ông, bên cạnh tài năng không thể phủ nhận.


HLV Alex Ferguson - Ảnh Action Images

Nói đến một HLV tài năng thì ta phải nói tới lối chơi mà ông ta xây dựng cho đội bóng, Sir Alex cũng không phải là một ngoại lệ. Là một người Scotland chính gốc, nơi mà sơ đồ 4-4-2 với 2 tiền vệ cánh điển hình luôn được đề cao, không có gì ngạc nhiên khi Ferguson cũng là một người tôn thờ sơ đồ 4-4-2 đó. Không khó để chúng ta nhận ra điều này trong suốt quãng thời gian 1/4 thế kỷ ông cầm quân tại M.U. Kể từ thời điểm tôi bắt đầu được chứng kiến M.U thi đấu, tôi đã luôn ấn tượng với lối chơi có 2 tiền vệ cánh của "Quỷ đỏ".

Những năm giữa của thập niên 90 là sự xuất sắc của bộ đôi Ryan Giggs – cánh trái, và Andrei Kanchelskiscánh phải. Tiếp theođólà đôi cánh có lẽ nổi tiếng và thành công nhất trong lịch sử M.U, Ryan Giggs và DavidBeckham. Rồi liên tiếp là sự xuất hiện và tiếp nối nhau của những  Cristiano Ronaldo, Nani, Park Ji Sung, Valencia, Ashley Young…  Đi suốt dọc triều đại huy hoàng với vô vàn dành hiệu của M.U đến nay, bộ đôi tiền vệ cánh luôn đóng vai trò rất quan trọng, thậm chí là quyết định, đối với thành công của M.U. Đó chính là đặc sản và là dấu ấn về chiến thuật mà bất kỳ “hậu bối” của Sir Alex sẽ phải đối mặt nếu muốn vượt qua bóng người khổng lồ này.

Và Sir Alex cũng là một bậc thầy trong việc dùng người, luôn tin tưởng vào những học trò của mình, và đó chính là điều đã giúp ông đạt được nhiều thành công. Ông luôn truyền được cho tất cả các học trò một ngọn lửa nhiệt huyết, một tinh thần chiến đấu đến cùng và khiến cho họ tin rằng khi được ông tung vào sân nghĩa là họ thực sự xứng đáng với điều đó. Ai có thể nghĩ rằng một đêm khó khăn ở Barcelona năm 99, người chiến thắng lại mà một M.U? Nhưng chỉ cần có Sir Alex ở đó, mọi cầu thủ đều tin vào chiến thắng “ngược dòng” và họ đã làm được điều đó với một đội hình thiếu cả trái tim lẫn buồng phổi là Roy Keane và Paul Scholes. Niềm tin tuyệt đối vào các cầu thủ được thể hiện qua việc ông rất thường xuyên thay đổi đội hình xuất phát, và thường xuyên đưa rất nhiều cầu thủ trẻ vào “thử lửa”. Đây chính là tính cách đã làm nên một Sir Alex Ferguson vĩ đại.

Tuy nhiên, trong ông lại là con người rất kiêu hãnh, luôn coi mình là đúng và có những định kiến rất ghê gớm với những ai mà ông đã không còn ưa! Ông sẵn sàng loại bỏ những cầu thủ không làm ông cảm thấy “hài lòng”. Jaap Stam từng bị Sir Alex đẩy đi một cách không thương tiếc khi vẫn còn đang trong giai đoạn đỉnh cao chỉ vì dám tiết lộ những thông tin không có lợi cho đội bóng trong cuốn tự truyện của mình. Hay việc ông đá cả chiếc giày vào mặt David Beckham, một ngôi sao không chỉ trong bóng đá tại thời điểm đó, trực tiếp đẩy Bechkam sang Real Madrid. Nhưng có lẽ một trong những người thấy cay đắng nhất có lẽ là Ruud van Nistelrooy. Chỉ vì phản ứng với việc Ferguson sử dụng Louis Saha trongtrận chung kết Carling Cup 2006 bằng cách tự ý lái xe rời đội ngay trước khi diễn ra trận đấu, anh đã mất cả sự nghiệp ở M.U.

Không lâu nữa đâu, những câu chuyện về Sir Alex trên băng ghế chỉ đạo của M.U sẽ chỉ còn là những câu chuyện mà ông kể cho cháu, bố kể cho con nghe, người này kể cho người khác nghe… mỗi khi đến sân Old Trafford xem hay thậm chí là khi họ đang xem M.U thi đấu qua TV. Từ những năm đầu thế kỷ, ông đã ngập ngừng nhiều lần về vấn đề nghỉ hưu. Nhưng bởi nhiệt huyết vẫn còn quá lớn, bởi cảm thấy trách nhiệm nặng nề với đội bóng, mỗi lần ông tuyên bố nghỉ hưu lại là một lần ông “thất hứa”. Với các CĐV ruột của M.U, đây có lẽ đây là sự “thất hứa” dễ chịu nhất mà họ được trải nghiệm. Tuy nhiên, ai cũng biết là ngày chia tay đã không còn xa nữa rồi!

Cuối cùng, nói đến Sir Alex Ferguson, là nói đến một con người “phớt Ăng lê” điển hình, với tính cách rất nhiều tranh cãi nhưng tài năng thì không thể phủ nhận. Sẽ còn nhiều chuyện để nói về con người này, nhưng có lẽ đã đến lúc dừng bút để nhường lại diễn đàn cho những người hâm mộ Alex nói riêng và M.U nói chung được góp tiếng nói. Xin cảm ơn!

Quang Lam

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của người viết. Bạn có thể gửi ý kiến phản hồi trong mục comment ở dưới đây, hoặc gửi e-mail về địa chỉ quocte.ttvhonline@gmail.com.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm