Tiếng nói CĐV: Bóng đá Anh, đã đến lúc thức tỉnh

17/03/2012 17:22 GMT+7 | Bóng đá Anh

(TT&VH Online) – Cái cách mà cả Manchester United lẫn Manchester City rời khỏi Europa League là dấu hiệu rõ ràng nhất của câu nói “Tiền không phải là tất cả”.

Trong khi có nhiều người nói rằng chức vô địch Europa League cũng chỉ để làm nền nếu so với chức vô địch Premier League, thì hãy thử nghĩ xem vì sao cái đội hình thất trận của hai đại gia thành Manchester lại đáng giá cả gia tài khi so sánh với Athletic Bilbao và Sporting Lisbon?

Và tất nhiên, những người đã góp phần loại hai ông lớn đó khỏi giải như Iker Muniain và Fernando Llorente của Bilbao hay Van Wolfswinkel và Matias Fernandez của Sporting sớm hay muộn gì cũng có thể trở thành đối tượng trung tâm của những vụ chuyển nhượng đắt giá có sự góp mặt của chính những MU hay Man xanh. Tuy nhiên, những mức giá chuyển nhượng cũ hay chi phí đào tạo họ chắc chắn chỉ là bèo bọt khi so sánh với những con số “trên trời” dành cho các cầu thủ thuần Anh chưa đạt được đến đỉnh cao.



Bóng đá Anh cần phải sớm tỉnh ngộ - Ảnh Getty

Hiện trạng đó đặt ra câu hỏi là liệu một ông chủ tịch câu lạc bộ bóng đá đến từ Iberia có dám đặt niềm tin về tương lai của cả tổ chức mà mình đã dày công vun đắp và xây dựng vào tay một HLV như Kenny Dalglish, người đã bỏ ra những 35 triệu bảng cho Andy Carroll?

Các đại gia hàng đầu Premier League (ngoại trừ Arsenal) đều đã không tiếc tiền để nâng tầm đội hình của mình trong những năm qua với tham vọng là sánh ngang với “tiêu chuẩn vàng” Barcelona hay ít nhất cũng là lối chơi đậm chất kỹ thuật của La Liga nói chung. Điều này khiến người ta đã có những sự so sánh rằng nếu như 5 đại gia Anh (MU, MC, Liverpool, Chelsea, Arsenal) đến chơi ở La Liga, họ sẽ ít nhất cũng độc chiếm những vị trí từ thứ 3 đến thứ 8, chừa lại 2 vị trí đầu bảng cho Real Madrid và Barcelona.

Nhưng họ đã nhầm. Điều đó thậm chí còn khó xảy ra hơn người ta tưởng.

Trong khi các đội bóng Anh vẫn tỏ ra tàn nhẫn trong những pha xoạc bóng và không chiến thì những người đến từ bán đảo Iberia cũng tỏ ra lạnh lùng không kém, nhưng mà là trong việc gìn giữ sức hấp dẫn trong mỗi đường bóng trên mặt cỏ. Đúng, Premier League cũng muốn có điều đó, nhưng họ đã lại phải dựa vào tiền chỉ để có vài ba cá nhân xuất sắc cỡ David Silva hay Juan Mata.

Việc Sir Alex Ferguson phải gọi lại một kỹ thuật gia đã đến tuổi về hưu như Paul Scholes trở lại thi đấu là một ví dụ chứng tỏ bóng đá Anh đang có một sự suy thoái nghiêm trọng về những khía cạnh kỹ thuật của cầu thủ. Thêm nữa, còn điều gì đáng nói khi chúng ta thấy những chấn thương triền miên từ những chuyên gia xử lý bóng tốt nhất của giải Ngoại hạng như Jack Wilshere hay Tom Cleverley? Có lẽ bản thân người Anh không chấp nhận những cầu thủ như thế.

Từ những thất bại vừa diễn ra ở đấu trường châu Âu, bóng đá xứ sương mù đã đến lúc phải thức tỉnh. Người Anh phải nhìn vào mặt kỹ thuật của bóng đá, các cầu thủ còn phải rèn luyện nhiều hơn nữa để trình độ trở nên tinh vi hơn. Nếu như họ ỷ vào cái giá chuyển nhượng lớn trong thời buổi lạm phát này, bản thân cái tôi của những cầu thủ đó sẽ lạm phát và sức ép phải thành công quá lớn sẽ đánh gục họ.

Hoàng Quân

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của độc giả. Bạn đọc có thể phản hồi ngay trong mục comment dưới đây, hoặc gửi ý kiến, bài vở về địa chỉ hòm thư điện tử quocte.ttvhonline@gmail.com.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm