Võ Hạ Trâm: Áp lực Broadway không như showbiz

14/10/2015 14:17 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - 17 tuổi Võ Hạ Trâm trở thành một trong những người trẻ nhất trong lịch sử giành giải Nhất cuộc thi Tiếng hát truyền hình TP.HCM. Trước đó, cô từng đoạt giải nhất Tiếng hát măng non 2003, giải nhất cuộc thi Tuổi đời mênh mông 2005, giải nhất Tiếng hát Chú ve con… Tuy vậy, đến giờ Võ Hạ Trâm vẫn là một cái tên “kín đáo” trong showbiz.

Võ Hạ Trâm không quá ồn ào cho dù cô vẫn được xem là một trong những của hiếm của làng nhạc về giọng ca. Tất cả là bởi cô không đi theo lối số đông mà dành cho mình lối đi nhỏ hẹp hơn. Trâm thích sự bình yên hơn là đối chọi và ở đường đi của mình cô luôn quyết theo đến cùng.

Mới đây, nhiều người gặp lại Trâm sau 2 năm cô theo học thạc sĩ Broadway ở Mỹ. Trong chương trình Broadway In Saigon, giọng hát của Trâm vẫn là một sự khác biệt. Ít ai biết, cô ca sĩ dòng nhạc cách mạng này đã bỏ tiền túi hơn 2 tỷ đồng để theo học một ngành khó kiếm ăn ở Việt Nam: nhạc kịch.

Nhưng Trâm là thế, đã đam mê thì đừng hỏi.

Chỉ học cái mình thích

* Sau gần 2 năm lặn mất  tiêu, gần đây thì lại thấy bạn xuất hiện trong chương trình Broadway In Sài Gòn. Điều này có chứng tỏ Võ Hạ Trâm đang bỏ những thói quen âm nhạc cũ của mình để đến vùng đất mới hay không?

- Tôi không hề từ bỏ thói quen hay dòng âm nhạc cũ vì nguồn thu nhập chính của tôi vẫn là nhạc truyền thống cách mạng. Còn Broadway giống như tương lai của tôi và tôi sẽ đi song song mà không từ bỏ cái nào.

* Vậy khoảng giữa trong vòng hai năm qua Trâm không xuất hiện là vì Trâm đi học nhạc kịch?

- Tôi đi học thạc sĩ, mục đích của việc học này có hai mục đích chính: Phục vụ cho tình yêu Broadway mà tôi yêu thích và thứ hai là để có thể đi dạy.


Võ Hạ Trâm

* Trong khi tất cả mọi người có điều kiện đi học ở nước ngoài thì người ta sẽ học về sáng tác, biểu diễn... bởi nó có thị trường rất lớn ở Việt Nam. Sao Trâm lại chọn cho mình một ngõ hẹp?

- Tôi cũng không biết như thế nào là đúng nhưng tôi chỉ có thể học cái mình thích.

* Vậy thì về đây sẽ hát ở đâu và dạy ở đâu?

- Mọi người cứ hay hỏi tôi vậy đi học về thì làm cái gì? Ở đây đâu ai nghe cái đó. Nhưng ít ai biết, học Broadway không chỉ học là hát nhạc kịch mà còn làm được nhiều cái khác nữa như là hát, nhảy, múa, diễn xuất... nó đều hỗ trợ cho nhau.

Khi về Việt Nam có thể sử dụng một trong những cái đó, không nhất thiết phải tìm đúng Broadway để hát. Kế đến, tôi cũng muốn mình là người đầu tiên xây dựng sân chơi nhạc kịch ở đây chứ không tìm kiếm những cái có sẵn. Vì thế, để biết được hướng đi và những cái thiếu sót ở Việt Nam thì không gì hay hơn bằng học nhạc kịch ngay tại cái nôi của nó.

* Nói một cách công bằng thì trong vòng 20 năm qua, nói về nhạc kịch, ở Việt Nam từng có nhiều vở nhạc kịch rồi nhưng cũng không đi tới đâu. Rồi chúng ta từng thấy Đức Tuấn rất “máu” musical nhưng càng về sau Tuấn càng chuyển hướng về lại thị trường nhiều hơn. Rồi thì chúng ta thấy Khắc Duy làm một Chicago khá ấn tượng. Nhưng rồi ai cũng thấy, tình yêu thôi  chưa đủ...

- Đã gọi là đam mê thì phải làm tới cùng, tôi nghĩ vậy. Sở dĩ mọi người nản hay bỏ giữa chừng quyết định của họ là bởi vì họ chưa thực sự có môi trường hay điều kiện để được học hay nghiên cứu và cọ xát với thực tế.

Sự thật là rất khó phát triển Broadway ở Việt Nam. Điều đầu tiên là về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, chúng ta quá thiếu và yếu. Thứ hai là về dàn diễn viên, đâu có thể một sớm một chiều mà phát triển khi mà nó bắt buộc phải có một quá trình rèn luyện cật lực. Nhưng phải có những người đi đầu để xây dựng. Không xây dựng thì anh cứ nằm mơ thôi. Ngày xưa nếu không có ai xây dựng, chúng ta làm gì có pop hay rock... Tôi tin trong tương lai Broadway sẽ du nhập và từng bước để phát triển tại Việt Nam.

* Nhưng nó quá tốn kém, về tiền của và đặc biệt là nhân lực. Học miệt mài nhiều năm trời chưa chắc đã ổn định được.

- Có thể anh thấy phi lý nhưng tôi nghĩ cái gì nó cũng có hướng để phát triển. Không phải mình đi ra nước ngoài học thì về mình bê y nguyên mô hình Broadway để dựng lại. Bắt đầu những bước đơn giản là mình lấy những bài hát có sẵn của Việt Nam để xây dựng nên một câu chuyện, và thành một vở Broadway của Việt Nam.

Tôi nghĩ lúc đó khán giả sẽ dễ dàng đón nhận hơn là khi xem một vở nước ngoài mà họ không hiểu nội dung nói gì. Để đưa Broadway vào Việt Nam và để phát triển nó thì có nhiều hướng.

* Có hướng nào đi tắt đón đầu không?

- Cái này không đi tắt được vì đây là quá trình dài hơi. Không phải là chúng ta không có nền mà nhân lực của chúng ta chưa được đào tạo bài bản. Họ là những viên ngọc thô nhưng nếu được đào tạo đúng hướng, họ sẽ sáng.

* Broadway đến với Trâm từ lúc nào?

- Người khơi nguồn cho đam mê này là từ thầy Tạ Minh Tâm. Lúc mới vào nhạc viện khi đó tôi mới chỉ 16, 17 tuổi, còn đang rất mê nhạc trẻ thì thầy bắt nghe cổ điển, nghe nhạc cách mạng, nghe nhạc kịch. Lúc đầu thì rất khó nghe nhưng từ từ thì bắt đầu thấm và yêu lúc nào không hay.

* Đó là nói vậy chứ Trâm đã thật sự thử sức những dòng nhạc khác đâu?

- Nhạc thị trường thì cũng hay đấy nhưng tôi không thích đi. Bản thân tôi đã đi hát 8 năm rồi, cũng có ra ngoài hát và khi va chạm với thực tế thì tôi thấy khả năng chống chọi với những yêu tố về thị trường của mình là không có. Khả năng tài chính để PR hình ảnh là không có, cả ê-kíp để giúp mình về mọi thứ là cũng không.

* Đã vào môi trường ấy thì phải chấp nhận những thực tế ấy chứ?

- Khó lắm. Những ca sĩ thực tài họ không có những thứ hỗ trợ kia thì họ sẽ cảm thấy chán ngán bởi họ không được tôn trọng, cảm giác bị thiệt thòi.

* Trâm cũng đang thấy mình thiệt thòi?

- Không, bởi tôi có bơi ra thị trường đâu. Tôi đang sống rất tốt với dòng nhạc này. Đây là sự lựa chọn đúng đắn và tôi không phải quá bận tâm tới việc làm hình ảnh. Mình chỉ quan tâm tới việc mình rèn luyện như thế nào. Khi mà bạn đã có một khả năng nhất định và người ta thấy được điều đó thì họ sẽ trân trọng bạn

* Nhưng để được nhiều người biết đến thì đó cũng là nhu cầu cần thiết của một ca sĩ mà?

- Mỗi dòng nhạc có một lượng khán giả nhất định và nhạc cách mạng vẫn có lượng khán giả của nó. Minh chứng là tôi vẫn sống tốt với dòng nhạc này và có tiền để đi du học.

* Có khi nào vì Trâm cảm thấy không lấn được và sau đó chán nản rút ra?

- Có bao giờ tôi lấn đâu và tôi biết mình sẽ không bao giờ đụng tới. Không phải là mình không có khả năng mà do mình không muốn xô đẩy mình vô guồng quay mà toàn sự mệt mỏi trong đó.

Có một lần, khi thi xong Tiếng hát truyền hình, tôi làm một CD nhạc trẻ. Thực sự lúc đó chưa có ai định hướng cho mình và bản thân lúc ấy còn thích hát hết nhạc này đến nhạc kia. Và nó không thành công, tôi cũng mất rất nhiều tiền.

Lúc ấy tôi nghĩ dòng nhạc ấy không thuộc về mình. Từ sau đó, tôi chỉ xác định cho mình một hướng và không lạng lách đâu nữa. Không đánh đổi thời gian và công sức cho việc mình không chắc. Đã tìm ra con đường thì cứ thế mà đi.

Nghề ở đâu thì tôi ở đó

* Giấc mơ thuở bé của Trâm là gì?

- Ca sĩ.

* Nếu không có sự định hướng của thầy Tạ Minh Tâm thì Trâm sẽ như thế nào?

- Tôi chưa định hình được và cũng không suy nghĩ được mình sẽ thành ca sĩ theo dạng nào. Hồi nhỏ tôi thấy chị Mỹ Tâm thì cũng ước mình được như chị ấy. Tại mình thấy đơn giản quá, trời ơi sao chị ấy hát hay quá, chị ấy được mọi người yêu mến, chị lại đẹp nữa và có nhiều thứ... Và tôi cũng không có nghĩ sâu xa hơn là để được như vậy thì cần những gì. Khi lớn lên và vào nghề rồi thì mới thấy thật sự là không đơn giản. Đó là lý do tại sao tôi vẫn yêu thích dòng nhạc hiện tại của mình.

* Trâm là thí sinh nhỏ nhất đoạt giải Tiếng hát truyền hình năm 17 tuổi. Cùng với độ tuổi ấy thì Thu Minh cũng đoạt giải Tiếng hát truyền hình năm 1992 và cô ấy cũng hát nhạc cách mạng. Nhưng bây giờ cô ấy đã rất khác biệt và có vị trí nhất định. Trâm có nghĩ về hình mẫu này không?

- Cái này còn phụ thuộc vào cách sống và cá tính của từng người. Với thế giới showbiz, náo nhiệt quá tôi không sống nổi. Tôi phù hợp với sự bình yên, chỉ thích được hát, có thời gian dành cho gia đình và những sở thích của mình. Vậy là đủ.

Với lại, chị Thu Minh sau 10 năm hát nhạc đỏ thì chị ấy mới tìm ra được hướng khác hợp với mình hơn. Còn tôi đã tìm được sự đồng điệu với nhạc cách mạng ngay từ đầu thì tại sao phải chuyển hướng khác?

* Trâm có vẻ thích an toàn hơn là mạo hiểm?

- Đúng. Bởi đã từng có những lúc tôi mạo hiểm nhưng không có khả năng chống chọi.

* Làm Broadway tốn tiền không?

- Tốn chứ!

* Vậy vào showbiz cũng tốn tiền nhưng dễ thành công hơn?

- Showbiz đâu phải là Broadway? Áp lực của Broadway nó khác với áp lực mà showbiz mang lại cho tôi. Giống như vừa qua tôi dính vào một scandal không đáng có liên quan tới chuyện cát-sê khi người ta đòi “bùng” không trả và tôi đã phải làm lớn chuyện. Đó là scadal đầu tiên trong đời tôi.

Nhiều người bảo đó là chuyện vặt, mà tôi đã thấy sao ghê quá vậy. Các bạn khác tham gia nhạc thị trường chắc sẽ còn gặp nhiều hơn và nặng nề hơn tôi. Mẹ tôi mà biết là tôi khỏi đi hát luôn.

* Scandal đó đã khiến Trâm nổi tiếng hơn. Có bao giờ Trâm chạnh lòng về chuyện đó?

- Cũng có. Tôi thấy ngạc nhiên, thấy cái hiệu ứng của chuyện vừa rồi nó cũng hơi lạ, giống như tôi được PR miễn phí và tôi thấy nó hơi bạc chút xíu. Đó là lý do nhiều ca sĩ họ phải làm scandal.

* Ngay từ bé đến lớn Trâm sống trong gia đình rất yên bình nên không muốn mạo hiểm?

- Tôi lúc nào cũng có gia đình phía sau. Tuy tôi có cuộc sống tự lập nhưng lúc nào cũng có được sự bảo bọc an toàn từ ba mẹ. Rồi từ đó nó hình thành cá tính con người  tôi.

* Có phải điều đó làm cho Trâm chủ quan trong sự nghiệp của mình hay không?

- Thật ra tôi cũng đã từng vấp ngã. Có những lúc mình bỏ tiền ra đầu tư một cái gì đó mà không đạt được coi như là lỗ vốn. Cũng có lần bị lừa rồi. Qua những chuyên đó thì tôi đều tự mình đứng lên và đi tiếp được mà không phải vì sự bảo bọc của gia đình.

Tôi là người sống rất lạc quan và nghĩ đơn giản kiếp trước mình lừa họ thì kiếp này mình bị lại. Trả xong rồi lại tiếp tục đi. Cuộc sống của tôi cứ thế mà tiếp tục. Trời thương thì vẫn cho tôi có một cuộc sống tốt và vẫn kiếm được tiền từ đam mê của mình. Nếu xui lắm không đi hát được thì tôi vẫn đi buôn bán.

Từ lúc tôi 17 tuổi là ba mẹ không cần nuôi tôi nữa. Tôi đã tự nuôi bản thân và tự tin về điều ấy. Đến bây giờ tôi chỉ nghĩ rằng, nghề ở đâu thì tôi ở đó.

* Âm nhạc đã cho Trâm nhiều thứ, thế còn cuộc sống?

- Cuộc sống cho tôi sự bình yên. Mọi thứ đối với tôi tới thời điểm này là khá viên mãn.

* Một cô nàng 25 tuổi, đoạt giải âm nhạc cao nhất năm 17 tuổi và cô ấy bảo cuộc sống đã viên mãn, thế còn gì để phấn đấu nữa?

- Sự phấn đấu của tôi nó đã định hình rồi. Nhà tôi ăn chay trường và hướng Phật cho nên mọi thứ của tôi đều theo triết lý nhà Phật. Mình hay suy nghĩ tiêu cực mà không đạt được những gì mình mong muốn sẽ dễ suy nghĩ mọi thứ theo hướng tiêu cực và dễ gục ngã và dễ từ bỏ đam mê của mình.

Cung Tuy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm