01/09/2011 07:24 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH Cuối tuần) - Như vai anh hề không thể thiếu trên sân khấu dân gian truyền thống (chèo, cải lương), nhân vật hài hước, tình tiết gây cười gần như không lúc nào vắng trên sân khấu qua các thời kỳ, thậm chí có khi rộ lên thành phong trào. Nhưng từ tấu hài đến hài kịch lại là một câu chuyện dài.
Từ hề chánh đến tấu hài… chánh
Trước năm 1975, sân khấu cải lương Sài Gòn đang thời thịnh vượng, bất cứ vở diễn nào, cũng phải xen kẽ các lớp diễn bi - hài, giúp khán giả cân bằng giữa thưởng thức nghệ thuật và giải trí, một nghệ thuật “giữ chân” khán giả vô cùng hiệu quả. Một đoàn hát ăn khách ngoài tên tuổi của cặp đào kép chánh (chính) còn phải kể đến sức hút của anh hề chánh. Đây là thời kỳ tên tuổi hàng loạt các danh hề chói sáng mà ngày nay nhắc lại công chúng vẫn còn ngưỡng mộ: Văn Hường (vua vọng cổ hài), Thanh Việt, Thanh Hoài, Văn Chung, Phi Thoàng, Tùng Lâm, Hề Minh, Hề Sa, Bảo Quốc… Có thể nói, hài là yếu tố hỗ trợ đắc lực, không thể thiếu, trong một vở diễn truyền thống, dù vở có nặng tính bi kịch đến đâu.
Tuy nhiên, phải đến những năm 1980, hài kịch mới có bước phát triển nhảy vọt, không chỉ dừng lại ở vị trí hỗ trợ mà có cả những vở diễn hài độc lập, thậm chí tách hẳn ra một thể loại mới: tấu hài. “Cú hích” đầu tiên phải kể đến cuộc thi Tiếng cười sân khấu do cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (lúc ấy là Bí thư Thành ủy TP.HCM) phát động vào năm 1981. Trong những năm tháng đời sống nhân dân quá khó khăn mà nhìn đâu cũng toàn chính kịch, bi kịch nặng nề, đầy triết lý, nhiều giá trị cao đẹp nhưng cũng quá xa vời, dễ hiểu khi Tiếng cười sân khấu nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của người làm nghề lẫn công chúng. Hầu như tất cả các đoàn hát đều chuẩn bị tiết mục tham gia liên hoan rất xôm tụ với sự góp mặt của gần 100 diễn viên, hơn 30 tiết mục thuộc đủ thể loại: kịch, hát bội, cải lương, kịch câm, múa… Tiếng cười sân khấu đã tạo nên một không khí hội hè thực sự cũng như tác động sâu sắc đến đời sống sân khấu lẫn xã hội khi tạo được những tiếng cười đầy giá trị phê phán, châm biếm những thói hư tật xấu, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Cuộc thi còn góp phần khám phá nét duyên hài của nhiều ngôi sao trước giờ chỉ quen vào vai nghiêm túc như Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Giang Châu, Thương Tín, Bích Thảo, Kim Cúc, Tấn Thi…
Hai “cây hài” gạo cội đại diện cho sân khấu phía Nam: NSƯT Bảo Quốc và Hồng Vân
Theo nhận xét của nhiều người trong giới sân khấu thì chính Tiếng cười sân khấu đã tạo đà cho sự phát triển của hài kịch TP.HCM, “tạo cơ sở hợp pháp” cho sự ra đời của một loại hình mới: tấu hài (ban đầu là “song tấu” chỉ gồm hai diễn viên đối đáp, tung hứng qua lại tạo nên những tình huống gây cười, rồi thành “tam tấu”, sau có thêm dàn cảnh, mở rộng thêm diễn viên, chú ý hơn đến diễn xuất…), vốn đã manh nha hình thành từ những chương trình hội chợ, tạp kỹ, chương trình tổng hợp diễn mỗi dịp Tết…
Từ năm 1982, chương trình hài kịch truyền hình Trong nhà ngoài phố, phát sóng mỗi tối thứ Năm hàng tuần trên HTV, đã đưa hài kịch vào tận… giường ngủ mỗi nhà. Lúc này, tấu hài cũng là sinh kế nuôi thân và nuôi nghề cho phần lớn diễn viên trường sân khấu điện ảnh mới ra trường (do khó chen chân được vào một đoàn hát). Hàng loạt nhóm hài trẻ ra đời thời kỳ này rất được lòng khán giả, như: nhóm Tuổi đôi mươi với Phước Sang, Nhật Cường, Hoàng Sơn…, nhóm Hồng Vân - Lê Vũ Cầu, Hữu Nghĩa - Kiều Oanh, Anh Vũ, Việt Hương, Thúy Nga… Năm 1990, nhóm Tuổi đôi mươi đứng ra quy tụ các nhóm hài về biểu diễn tại “mái nhà chung” 135 Hai Bà Trưng, đánh dấu thời kỳ mới: thời của tấu hài.
Từ Gặp nhau cuối tuần đến Đời cười
Khác với sự sôi động của sân khấu phía Nam, phải đến những năm 2000, sân khấu phía Bắc mới dần ra khỏi “tháp ngà”, bắt đầu hướng đến hài kịch với chương trình Gặp nhau cuối tuần trên VTV. Gặp nhau cuối tuần, và sau đó là Gala cười đã đưa nhiều gương mặt xuất sắc của làng hài phía Bắc đến gần hơn với công chúng, như: Xuân Bắc, Tự Long, Vân Dung, Công Lý,... Tuy càng về sau, càng bị phàn nàn là “gặp nhau… đuối dần” do cạn ý tưởng song không thể phủ nhận Gặp nhau cuối tuần và Gala cười là những chương trình hài truyền hình được đầu tư khá nghiêm túc, kỹ lưỡng, đã ghi dấu ấn sâu đậm trong đời sống nghệ thuật nước nhà khi lần đầu tiên gắn kết làng hài hai miền Nam - Bắc trong một sân chơi chung.
Tuy nhiên, những năm qua, chương trình đem lại sinh khí cho sân khấu phía Bắc, vốn thường xuyên rơi vào tình trạng “đóng băng”, lại chính là series Đời cười của đoàn 2 Nhà hát Tuổi Trẻ. Trải qua 10 chương trình với nhiều chủ đề (Học giả, Tri ân, Giao thông quốc nạn, Bến Ô sin, Sợ ngược…), Đời cười, ban đầu được xem như một giải pháp tình thế nhằm tìm khán giả đến với sân khấu, đã trở thành “thương hiệu” ăn khách của Nhà hát Tuổi Trẻ, thậm chí còn được đánh giá là đã tạo ra được những “tiếng cười đẳng cấp”. Sự thành công của Đời cười phần nào cho thấy một thực tế (mà không mấy người muốn nhận ra) là ngay cả khán giả Hà Nội, vốn rất khó tính, thường được biết đến là “khán giả của chính kịch”, cũng đã thích được cười nhiều hơn. NSƯT Chí Trung, Trưởng đoàn 2 Nhà hát Tuổi Trẻ, thẳng thắn: “Đời cười ra đời xuất phát từ nhu cầu thực tế của khán giả, đó là nhu cầu giải trí sau một ngày làm việc vất vả. Khán giả quá chán những tình huống giả định, những câu chuyện lên gân, những lời nói có cánh của những vở chính kịch vô hồn. Nếu những vở chính luận mang được hơi thở thời đại, có tính dự báo, lời thoại hay, dàn dựng tốt, nghệ sĩ tài năng thì khán giả sẽ rất thích. Nhưng hỡi ôi lâu lắm rồi chẳng thấy xuất hiện những vở diễn trong mơ như vậy. Hài miền Bắc như trăm hoa đua nở, Đời cười chỉ là một bông hoa trong rừng hoa”.
Như khẳng định thêm sự thắng thế của hài kịch, tháng 7/2009, NSƯT Chí Trung tiếp tục giới thiệu đến công chúng Hà Nội sân khấu Thanh Niên (tại hồ Thiền Quang), sân khấu xã hội hóa chuyên về hài kịch đầu tiên của Hà Nội. Sau thời gian đầu khá chật vật, nay sân khấu đã đi vào ổn định và vẫn đang phát triển đúng hướng trên con đường trở thành một IDECAF của Hà Nội. “Khán giả tự đến mua vé thưởng thức vào các ngày cuối tuần. Không phải chạy đi tiếp thị các cơ quan, van vỉ các sếp hãy xuất tiền quỹ ra để mua giúp cho nghệ sĩ”, NSƯT Chí Trung cho biết.
Xuân Bắc và Tự Long - hai danh hài rất được khán giả miền Bắc mến mộ
Hài vẫn đây mà hài ở đâu?
Thập niên 1990 được xem là thập niên vàng của sân khấu tấu hài TP.HCM với sự nở rộ các nhóm hài (có thời điểm tồn tại ít nhất 40 nhóm với cả trăm diễn viên), các tụ điểm (gần 20), các hình thức biểu diễn (sân khấu, truyền hình, băng đĩa), cùng sự phong phú, đa dạng trong phong cách của các nghệ sĩ. Đến những năm 2000, nhiều người đã đặt câu hỏi về sự tồn tại của tấu hài khi tiếng cười ngày càng mất “chất”, các tụ điểm trước kia lúc nào cũng xôm tụ nay đối mặt với nguy cơ vắng khách. Theo nghệ sĩ Nhật Cường: “Trước đây cũng phải có khoảng 15, 16 tụ điểm khắp Sài Gòn, từ những điểm chuyên về hài như sân khấu 135, Nam Quang, đến sân khấu ca nhạc tạp kỹ 126, Trống Đồng, các quán cà phê, quán bar, nhà hàng văn nghệ đều có tấu hài, chưa kể những điểm diễn thời vụ không ổn định... Nay chỉ còn lại khoảng 5, 6 điểm diễn thường xuyên, có thể kể đến là: 135, Nam Quang, Trống Đồng, Champa, Điểm hẹn Sài Gòn…”. Ngay cả “cái nôi tấu hài” sân khấu 135 Hai Bà Trưng thời gian qua cũng nỗ lực rất nhiều để cầm cự khi tấu hài “xuống giá”.
Chính người trong cuộc, những nghệ sĩ hài thẳng thắn nhận định rằng tấu hài đã “tự giết mình” khi lợi dụng sự rộng lượng, dễ tính của khán giả mà đâm ra dễ dãi: cốt “cù léc” khán giả là được bất kể trò diễn cũ kỹ, nhạt nhẽo, lời lẽ thô tục, thiếu tính thẩm mỹ… Nghệ sĩ hài Minh Béo cho rằng: “Hiện nghệ sĩ tham gia diễn hài quá đông, mà người có duyên hài lại quá ít, bây giờ ai cũng tưởng mình có thể diễn hài được. Sân khấu hài đi xuống là hệ quả sự “gồng mình” của những diễn viên không năng khiếu, thiếu cái duyên hài nên họ phải nói ngọng, giả gái, uốn éo…, cố “chọc cười” khán giả bằng mọi giá”.
Việc thiếu kịch bản hay đã trở thành “căn bệnh kinh niên” của cả nền sân khấu, trong đó hài kịch lại càng gặp khó khi tác giả viết hài vốn không nhiều, viết hay lại càng hiếm. Ngay cả Gặp nhau cuối tuần với một ê-kíp chuyên nghiệp và hùng hậu như VTV mà cũng “đuối” kịch bản, buộc phải “nghỉ ngơi”, đến 5 năm sau mới khởi động lại với chương trình mới Thư giãn cuối tuần. Hiếm chương trình nào có được nguồn kịch bản dự trữ khá dồi dào như Đời cười (với hàng trăm kịch bản đặt hàng từ nhiều tác giả cả hai miền Nam - Bắc). Theo ông Lê Duy Hạnh, Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, hiện nay các tác giả chủ yếu chỉ viết được những mảng hài xen vào vở diễn, tạo được tiếng cười lành mạnh là đã tốt lắm rồi, còn viết kịch bản hài hoàn chỉnh, đạt được những giá trị mỹ học của “cái hài” lại rất khó. “Các vở diễn hài được đánh giá cao trên sân khấu TP.HCM thời gian qua vẫn chủ yếu dừng lại ở hài giải trí, tạo tiếng cười sảng khoái cho khán giả thôi, chỉ có Cậu đồng của sân khấu IDECAF đã chạm được vào tiếng cười hài kịch, tuy nhiên vở diễn này lại có gốc nước ngoài…”.
Vẫn không thể thiếu
Những năm qua, mặc dù tấu hài dần mất đất sống nhưng hài kịch lại phát triển mạnh mẽ ở dạng kịch dài. Rõ ràng, nhìn vào kịch mục trong tuần của các sân khấu có thể dễ dàng nhận ra hài vẫn là “màu” chủ đạo. Kịch Sài Gòn và Nụ Cười Mới là hai sân khấu chuyên về hài; Kịch Hồng Vân, IDECAF, Thế Giới Trẻ thường xuyên dựng kịch hài; Hoàng Thái Thanh và sân khấu 5B đi vào dòng kịch tâm lý nhưng luôn có những mảng hài làm “mềm” vở diễn… Tuy phần nhiều kịch bản vẫn chỉ dừng lại ở việc lắp ghép các mảng tấu hài nhưng sự “nâng cấp” tấu hài này phản ánh một xu thế tất yếu: hiện nay khán giả không chỉ thích cười mà còn muốn hiểu ý nghĩa của tiếng cười.
Nhiều năm qua, TP.HCM vẫn đi đầu trong việc quan tâm đến hài kịch khi tổ chức nhiều kỳ liên hoan sân khấu hài, những lớp tập huấn nghề nghiệp cho diễn viên hài… Những giải thưởng truyền hình HTV, giải Mai Vàng (báo Người lao động) chưa bao giờ thiếu vắng các danh hài. Đặc biệt, giải Cù nèo vàng (báo Tuổi Trẻ cười) dành riêng cho lĩnh vực sân khấu hài từ nhiều năm qua đã là một “kênh” sàng lọc và tôn vinh những tiếng cười đúng nghĩa, góp phần tích cực “nâng chất” tiếng cười sân khấu. Trước LH sân khấu hài toàn quốc, game show Vua hài đất Việt, nhằm tìm kiếm một “Hài Idol”, đã khởi động và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của rất đông thí sinh cả nước. Nếu LH sân khấu hài khẳng định đẳng cấp của những danh hài thì Vua hài đất Việt khẳng định một sự thật: sân khấu không thể thiếu cái hài cũng như cuộc đời không thể thiếu tiếng cười!
Bài kết: Sân khấu hài trong mắt ai...
Ninh Lộc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất