'Tiếng chim hót trong bụi mận gai' - 'Cuốn sách xấu xa' tuyệt vời nhất

31/01/2015 05:45 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Trong tâm trí độc giả Việt Nam, chuyện tình giữa Meggie và cha Ralph của Tiếng chim hót trong bụi mận gai (The Thorn Birds) cũng đáng nhớ như câu chuyện giữa Scarlett và Rhett trong Cuốn theo chiều gió (Gone With The Wind) vậy.

“Anh yêu em, Meggie. Anh mãi mãi yêu em. Nhưng anh là linh mục…” – cha Ralph nói, khi cô bé Meggie, còn chưa thành đàn bà, thể hiện tình cảm với ông. Còn Meggie thì nói: “Tôi sinh ra cho anh ấy và chỉ anh ấy mà thôi”.

Trong bài viết nhân ngày tác giả Colleen McCullough của Tiếng chim hót trong bụi mận gai qua đời, tờ New York Times gọi cuốn sách là “Cuốn theo chiều gió của đất nước Australia”. Cái chết của McCullough cũng khiến chúng ta muốn nhìn lại tác phẩm để đời của bà.

Tình yêu trái cấm bất tử

Vì Meggie, cha Ralph, một tổng giám mục, đã rơi vào địa ngục như thiên thần sa ngã Lucifer. Đó là một tình yêu trái cấm. Ralph lịch lãm và đầy xa cách còn Meggie xinh đẹp và kiêu kỳ, nhưng họ thấy gần nhau ngay lần gặp đầu tiên. Họ thấy mình như là của nhau, như một định mệnh. Năm đó Meggie 9 tuổi và cha Ralph 28.


Áp phích nổi tiếng của bộ phim chuyển thể

Khi gia đình Meggie chuyển từ New Zealand sang Australia để thừa hưởng trang trại của bà bác già gần đất xa trời, cuộc đời của cô bé như mới bắt đầu. Tại đó, cô gặp cha Ralph, một linh mục có tương lai đầy hứa hẹn, quá quyến rũ để có thể sống như một người bình thường mà không gây tai họa, nên trở thành linh mục (đó là trong suy nghĩ của bà bác Mary Carson, người vô cùng say mê cha).

Còn Meggie, cô bé xuất thân nghèo khó, cô độc, thiếu thốn tình thương của cha mẹ, tìm thấy ở cha Ralph một người cha, một người bạn và trên hết, một người đàn ông, một người tình mơ ước. Lần đầu tiên trong đời có kinh nguyệt, Meggie nói với cha Ralph chứ không phải với mẹ mình, vì cô bé sợ rằng mình bị bệnh sắp chết.

Tiết lộ này làm cha Ralph, người không lạ gì trò bịa chuyện bị hãm hiếp khi xưng tội của những cô gái táo bạo, cũng phải đỏ mặt. Sự ngây thơ thuần khiết của Meggie đã khiến cha bối rối, và ông mang trong mình tình yêu với cô thiếu nữ đó, để đến sau này, khi gặp lại Meggie trong hình hài một người đàn bà, cha vẫn mải miết kiếm tìm cô bé đó, để rồi sững sờ vì một Meggie đàn bà quyết liệt và sắc sảo.

Giữa họ là một tình yêu đích thực, đầy đam mê, nhưng trước cả khi bắt đầu, mỗi người đều biết là không thể.


Một số bìa bản dịch tiếng Việt của Tiếng chim hót trong bụi mận gai

Cấm kỵ, nguy hiểm nhưng chân thực tuyệt vời

Ngay từ lời đề tựa, Mc Cullough đã kể truyền thuyết về loài chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Khi cất tiếng hót, con chim lao mình vào bụi mận gai. “Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nỗi đau khổ khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và họa mi phải ghen tị” - bà viết.

Truyền thuyết về “bài ca duy nhất, có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được” đã được nhắc lại ở đoạn gần cuối, khi cha Ralph qua đời trong vòng tay của Meggie.

38 năm qua, độc giả và khán giả trên toàn thế giới vẫn say sưa nói về truyền thuyết đó. Họ vẫn hỏi nhau giữa cha Ralph và Meggie, ai là con chim lao mình vào bụi mận gai. Hay là cả hai? Chỉ biết rằng, Tiếng chim hót trong bụi mận gai luôn bị coi là cuốn sách nguy hiểm cho người đọc trước và trong lứa tuổi thiếu niên.

Những bà mẹ của thập niên 70 hay sau này vẫn cấm con cái mình đọc, bởi cuốn sách khuyến khích một tình yêu trái cấm, đi ngược lại với đức tin tôn giáo. Nữ học giả nổi tiếng Germaine Greer gọi đây là “cuốn sách xấu xa hay nhất mà tôi từng đọc”.

Tiếng chim hót trong bụi mận gai chính là như vậy. Cấm kỵ, bản năng nhưng chân thực và đầy rạo rực. Tiểu thuyết thành công đến nỗi McCullough từng đùa là bà có thể xào đi xào lại phần tiếp của cuốn sách cho đến hết đời. Nhưng bà đã không làm vậy.

Colleen McCullough ghét cay đắng phim chuyển thể

Không nhiều tác giả sách hài lòng với phiên bản phim chuyển thể từ tác phẩm của mình và McCullough chẳng phải ngoại lệ. Năm 2000, khi được hỏi về bộ phim truyền hình cùng tên của Mỹ ra mắt hồi năm 1983, bà ví von: “Như một cơn buồn nôn!".

“Ward (nữ diễn viên chính Rachel Ward) diễn không khá hơn một cái hộp giấy còn Chamberlain (nam diễn viên chính Richard Chamberlain) thì cả phim tha thẩn trong trạng thái ướt nhẹp và mắt mở to” - bà nhận xét - “Phim thì quay ở Hawaii, có nhõn một con chuột túi trên trường quay và ai cũng nói giọng Mỹ trừ Bryan Brown, người có chất giọng nghe như tiếng của giống chó dingo”.

Vì căm ghét phiên bản truyền hình, McCullough bắt tay vào sản xuất phiên bản sân khấu, riêng khâu chuẩn bị mất 15 năm. Bà chọn nam diễn viên Matthew Goodgame đóng vai Ralph và nữ diễn viên Helen Anker, ngôi sao của sân khấu West End, đóng Meggie. McCullough hết lời ca ngợi bản dựng này.

Mặc dù vậy, bản phim truyền hình Mỹ lại thành công vang dội và được khen ngợi về diễn xuất. Trước khi lên sóng, phim cũng vấp phải sự phản đối của vài nhóm khán giả vì mang chủ đề cấm kỵ và nhạy cảm về tôn giáo. Nhưng rồi cuối cùng phim vẫn được chiếu.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm