13/07/2021 18:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Cuốn chuyên khảo Đông Dương tạp chí với tiến trình đổi mới văn học, văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX (NXB Đại học quốc gia TP.HCM, 2021) vừa phát hành của TS Tạ Anh Thư đã tạo được một ấn tượng tốt trong học giới.
Có lẽ điều này đến từ xuất xứ đặc biệt của Đông Dương tạp chí (1913-1919) - cùng với Nam Phong tạp chí (1917-1934) - 2 tờ báo gây nhiều tranh luận nhất cho đến tận ngày nay.
“Có thể nói, ở thời điểm bấy giờ, lần đầu tiên báo chí quốc ngữ Việt Nam có được một tờ báo mang đường nét rõ ràng của một dạng tạp chí nghiên cứu khoa học. Đông Dương tạp chí được ví như bộ “bách khoa toàn thư về tri thức” đối với người Việt Nam ở thời điểm đó” - TS Tạ Anh Thư bắt đầu câu chuyện cùng với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) - “Tìm hiểu và đánh giá những đóng góp của tờ báo này trong quá trình hiện đại hóa sẽ cho thấy mối quan hệ giữa báo chí và văn học nói riêng, tri/trí thức và văn hóa nói chung”.
* Sau hơn 100 năm, nhiều độc giả ngày nay có thể không biết đến “Đông Dương tạp chí”. Vậy các mục tiêu và định hướng chính của tạp chí này là gì?
- Ban đầu, mục tiêu của Đông Dương tạp chí là “phổ biến văn hóa Tây phương, cổ động học chữ quốc ngữ, giới thiệu kiến thức thực nghiệp như canh nông, công nghệ và tuyên truyền cho chính phủ bảo hộ”.Tuy nhiên, mục đích này cũng có những thay đổi theo quá trình phát triển của tờ báo.
Nội dung, số lượng các trang báo dành cho nhiệm vụ tuyên truyền cho chính phủ bảo hộ dần bị thu hẹp và được thay thế bằng các hoạt động hướng vào tuyên truyền văn chương, học thuật, sau cùng là hoàn toàn chú trọng vào nhiệm vụ giáo hóa quốc dân, gây dựng một nền quốc văn mới.
Có thể khẳng định rằng, Đông Dương tạp chí dần dần không chỉ là công cụ của riêng thực dân Pháp, mà đã được chủ động sử dụng, khai thác để trở thành công cụ đấu tranh cho sự tiến bộ của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ20.
* Việc đưa chữ quốc ngữ đến công chúng giữ vai trò như thế nào trong các mục tiêu và nỗ lực của tạp chí này?
- Các bài viết về vấn đề chữ quốc ngữ trên Đông Dương tạp chí trong suốt quá trình tồn tại của tờ báo cho thấy đây không phải là những bài viết riêng lẻ, mang tính ngẫu hứng, mà nó hợp thành một hệ thống phổ quát về những lý luận về chữ quốc ngữ. Điều này chứng minh, Đông Dương tạp chí đã có một chủ đích, một chính sách và một chương trình lâu dài vì sự phát triển của chữ quốc ngữ. Theo đó, mỗi bài viết trước đều là một viên gạch làm nền cho bài viết sau, nhằm xây dựng công trình nền cho quốc văn nước nhà. Phát triển chữ quốc ngữ vì vậy chính là mục đích trọng yếu của nội dung, chương trình tạp chí.
* Còn việc hiện đại hóa văn hóa, văn học dân tộc theo quan niệm cộng hòa được tạp chí này thực hiện ra sao?
- Bằng các chuyên mục của mình, tạp chí đã cố gắng mang lại cái giá trị cốt yếu nhất về các tư tưởng cộng hòa. Điều này được thể hiện qua các bản dịch văn chương Pháp hoặc triết học, đạo đức phương Tây. Ban biên tập tạp chí đã nhiệt tình tham gia vào việc truyền bá vào Bắc kỳ hình ảnh đẹp đẽ của các giá trị toàn cầu và tầm quan trọng của việc thấu hiểu bản chất của cả 2 nền văn hóa, mà không hề lo lắng về việc góp phần làm lan rộng văn hóa thuộc địa của Pháp lên đất nước của mình.
Bởi thực ra, họ chỉ sử dụng các yếu tố của luồng tư tưởng này như những công cụ để có thể giúp Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới của lịch sử. Họ tìm cách tiếp thu các tinh hoa tri thức phương Tây, điều mà họ tin rằng rất cần thiết cho người dân Việt Nam. Đây được xem là một cách thích nghi với hoàn cảnh bị đô hộ của các trí thứcthời bấy giờ.
* “Đông Dương tạp chí” (1913-1919) vốn là một phụ trương của tờ “Lục tỉnh tân văn”. Việc đưa một phong cách làm báo ởSài Gòn ra Hà Nội, có điều gì đáng chú ý hoặc thú vị không?
- Ảnh hưởng của phong cách báo chí Sài Gòn thể hiện rõ ở tính đa dạng và tính thực dụng/thực hành của các chuyên mục trên Đông Dương tạp chí. Điều này chúng ta cũng có thể bắt gặp ở các tờ báo tại Sài Gòn trước đó như Gia Định báo, Phan Yên báo, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn… Nhưng Đông Dương tạp chí chủ yếu ảnh hưởng phong cách làm báo ở Sài Gòn trong 2 năm đầu. Sau đó, nó có một ban biên tập xuất sắc ở cả 2 phái tân học và cựu học cùng điều hành nên nhanh chóng bứt phá ngoạn mục, mang những đặc điểm riêng của một tờ báo phía Bắc: Đi sâu vào lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, học thuật.
* Sau hơn 100 năm nhìn lại “Đông Dương tạp chí”, liệu có còn những điều gì để ngày nay có thể suy ngẫm, noi gương hoặc dấn bước theo?
- Bài học về hiện đại hóa văn hóa từ đầu thế kỷ 20 vẫn còn nguyên giá trị cho sự phát triển nhiều triển vọng và cũng đầy thách thức của hôm nay. Rõ ràng, những thế hệ trí thức đầu thế kỷ 20 không chỉ giữ vai trò to lớn trong việc giúp chúng ta nhìn lại quá khứ, mà còn có thể là tham chiếu trực tiếp vào cuộc đi tới tương lai vớinhững bài học hiện đại hóa văn hóa và bản sắc còn đang nóng hổi.
Chúng ta cũng đã nhiều lần đặt câu hỏi về thế hệ “những người khổng lồ” trong văn hóa mà ngày nay ít thấy có. Vậy những điều kiện lịch sử và nỗ lực cá nhân nào đã tạo nên “thế hệ vàng” ấy của văn hóa Việt Nam? Nền đại học nào đã tạo nên những Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Ngô Đức Kế, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Duy Tốn…?
Tại sao họ, những người giỏi nhất, những nhà Hán học uyên thâm nhất, đã dám mạnh mẽ từ bỏ sách xưa, đạp đổ cái cũ, dám chống lại cái học của chính mình… để đi tìm cái mới, giải phóng trí tuệ, tiềm lực cho bản thân và cho đất nước, dân tộc? Trả lời được những câu hỏi này tức là đã trả lời được cho chính vấn đề mà chúng ta đang gặp phải ở ngày hôm nay.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Vài nét về TS Tạ Anh Thư Tạ Anh Thư sinh năm 1982 tại tỉnh Bình Dương, là tiến sĩ ngành ngữ văn, hiện đang giảng dạy tại Khoa Sư phạm, Đại học Thủ Dầu Một. Ngoài nghiên cứu, Tạ Anh Thư đã xuất bản các tập thơ như Người lạ (NXB Thanh niên, 2017), Người có sẵn lòng mang vết thương (Saigon Books -NXB Văn hóa Văn nghệ, 2018), Thanh âm (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021)… |
Văn Bảy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất