Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu: Nam bộ hoàn toàn không “mới” như vẫn nghĩ

16/08/2010 10:22 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Khảo cổ học lâu nay vẫn được xem là chuyện khô khan vì nó thuộc chuyên ngành hẹp, chỉ dành riêng cho giới chuyên gia, giới nghiên cứu. Thế nhưng, 1, 2 năm gần đây, khảo cổ học ở Việt Nam lại khá sôi động trên các báo, với rất nhiều phát hiện mà chúng ta hay dùng các cụm từ “gây chấn động”, “kích thích trí tò mò”…

Từ thực tế đó, tiến sĩ (TS) khảo cổ Nguyễn Thị Hậu và thạc sĩ Lê Thanh Hải (hiện làm việc ở Luân Đôn, Anh) vừa ấn hành một cuốn sách có thể “gây sốc” cho nhiều người ngay với tựa đề: Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam, từ thực nghiệm đến lý thuyết. Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Nguyễn Thị Hậu về cuốn sách này.

* Trong cuốn sách mới nhất về khảo cổ, tại sao chị lại đặt một cái tên nghe rất nôm na: Khảo cổ học bình dân Nam bộ... phải chăng vấn đề khảo cổ học ở Nam bộ “rất bình dân”, không có gì đáng nói?

- Do những đặc thù về đối tượng và phương pháp nghiên cứu nên khảo cổ học là ngành ít người biết và ít người quan tâm, thường thì chỉ trong giới khảo cổ, rộng hơn là giới nghiên cứu lịch sử... mới biết đến những công việc của các nhà khảo cổ. Còn xã hội nói chung chú ý đến khảo cổ học khi nào có “phát hiện chấn động” như tìm được mộ táng xác ướp hay vàng bạc quý giá...


TS Nguyễn Thị Hậu (trái) và Bìa sách Khảo cổ học bình dân Nam bộ - Việt Nam,
từ thực nghiệm đến lý thuyết, NXB Tổng hợp TP.HCM, 8/2010
Thật ra công việc của các nhà khảo cổ tuy mang tính đặc thù nhưng cũng rất đa dạng, tỉ mỉ, đồng thời cũng bình thường như mọi nghề nghiệp khác. Vì vậy để có thể giới thiệu ngành khảo cổ và kết quả nghiên cứu về khảo cổ học vùng Nam bộ những năm gần đây, tôi đã viết một số bài có tính phổ biến kiến thức để nhiều người hiểu về khảo cổ học và hiểu hơn về lịch sử vùng đất Nam bộ.

* Nói như chị thì việc đặt ra lý thuyết “khảo cổ học bình dân” sẽ giúp ích cụ thể điều gì cho giới nghiên cứu và cả giới quần chúng, khi bản thân cuộc sống của họ đang gắn liền, thậm chí đang quyết định tới sự sống còn của các di chỉ khảo cổ?

Nguyễn Thị Hậu hiện là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. Phó Tổng Thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam. Tổng Thư ký Hội Sử học TP.HCM.

- Khi viết những bài này tôi không hề nghĩ mình làm theo một lý thuyết nào cả, mà thực sự do nhu cầu thấy cần phải viết như vậy. Những bài viết này tôi đăng trên blog cá nhân, sau đó một số website đăng lại, được nhiều sinh viên, bạn bè và người đọc trên mạng thích thú. Thạc sĩ Lê Thanh Hải đã đọc, tiếp cận những tạp bút, tản văn về một vùng đất, về con người... đến những bài bút ký hay nghiên cứu khảo cổ của tôi trong cách nhìn mới, cách nhìn của một người được trang bị lý thuyết của nhiều ngành khoa học xã hội. Anh đã “link” những lý thuyết này với các bài viết tản mạn, đơn lẻ và có phần đơn giản của tôi, để tìm ra “sợi dây” xuyên suốt một cách vô thức trong tôi mà anh gọi đó là xu hướng “khảo cổ học bình dân” (popular archeology), là một phần của “khảo cổ học cộng đồng” - hiện đang trở thành một hướng phát triển mới của khảo cổ học trên thế giới.


* Thưa chị, vùng Nam bộ dưới góc nhìn khảo cổ học có đặc thù gì đặc biệt?

- Đây là vùng đất hoàn toàn không “mới” như chúng ta vẫn nói, vẫn nghĩ. Ở đây có một hệ thống di tích khảo cổ niên đại từ 3.000 năm trước đến ngày nay. Đặc biệt những di tích tiền sử phân bố trong hệ sinh thái ngập mặn ở ven biển Đông Nam bộ, những di tích kiến trúc thuộc văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam bộ những thế kỷ đầu công nguyên... rất tiêu biểu cho tiến trình lịch sử vùng đất này.

Văn Bảy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm