Tiềm năng của kinh tế sáng tạo với sự phát triển bền vững ASEAN

26/05/2025 21:30 GMT+7 | Văn hoá

Trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46, diễn ra ngày 26-27/5/2025 tại Malaysia, Lãnh đạo các nước ASEAN đã thông qua nhiều văn kiện quan trọng, trong đó có Khung Phát triển bền vững Kinh tế Sáng tạo ASEAN.

Với vai trò là Cơ quan đầu mối phụ trách hợp tác ASEAN trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và chủ trì lĩnh vực kinh tế/công nghiệp sáng tạo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan phụ trách văn hóa nghệ thuật các nước trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46 Khung Phát triển bền vững Kinh tế Sáng tạo ASEAN.

Việc xây dựng Khung Phát triển bền vững Kinh tế Sáng tạo ASEAN xuất phát từ nhận thức chung của các nước ASEAN về vai trò và tiềm năng to lớn của kinh tế sáng tạo đối với sự phát triển bền vững, bao trùm của khu vực, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch COVID-19 và xu thế phát triển toàn cầu. "Khung Phát triển bền vững Kinh tế Sáng tạo ASEAN" được xây dựng nhằm cụ thể hóa các cam kết của Lãnh đạo ASEAN, như Tuyên bố Siem Reap năm 2022 về "Thúc đẩy Cộng đồng ASEAN Sáng tạo và Thích ứng", và là một trong những ưu tiên, sáng kiến quan trọng của Năm Chủ tịch ASEAN 2025 của Malaysia.

Tiềm năng của kinh tế sáng tạo với sự phát triển bền vững - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các nước ASEAN và Timor-Leste ký Tuyên bố Kuala Lumpur “ASEAN 2045: Tương lai chung của chúng ta". Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Theo đó, Khung Phát triển bền vững Kinh tế Sáng tạo ASEAN hướng đến: Phác thảo tầm nhìn chung và định hướng chiến lược, thúc đẩy sự phát triển kinh tế sáng tạo của ASEAN nhằm đạt được các kết quả cân bằng về xã hội, văn hóa, kinh tế và môi trường; Định hình cách tiếp cận chung của ASEAN, lấy văn hóa làm trung tâm, bao trùm và hướng tới bền vững trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo; Xác định các cơ hội, thách thức và lĩnh vực hợp tác tiềm năng (bao gồm cả liên trụ cột, liên ngành) để định hướng xây dựng chính sách và sáng kiến cụ thể; Đưa ra các khuyến nghị về lộ trình thúc đẩy kinh tế sáng tạo ASEAN.

Về bối cảnh, Khung Phát triển bền vững Kinh tế Sáng tạo ASEAN nhấn mạnh sự phát triển và tiềm năng của các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo toàn cầu và khu vực, cùng các cam kết liên quan của ASEAN.

Về tầm nhìn liên kết với Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045, coi kinh tế sáng tạo là nguồn lực cạnh tranh mới.

Đưa ra một định nghĩa làm việc chung về kinh tế sáng tạo trong ASEAN: Một định nghĩa bao trùm, nhấn mạnh giá trị gia tăng từ sáng tạo dựa trên di sản, văn hóa, nghệ thuật, công nghệ... hướng tới phát triển bền vững, bao trùm.

Khung Phát triển bền vững Kinh tế Sáng tạo ASEAN đề ra 4 kết quả chiến lược: hướng tới sự cân bằng giữa các mục tiêu: (1) xã hội (gắn kết, bao trùm, công bằng); (2) văn hóa (bản sắc ASEAN, giá trị chung); (3) kinh tế (CCIs là nguồn lực cạnh tranh, SHTT, kỹ năng); (4) môi trường (chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn).

Đồng thời đặt ra 13 ưu tiên chiến lược: xác định các lĩnh vực trọng tâm cần thúc đẩy với các sáng kiến cụ thể, bao gồm: đo lường và đánh giá dựa trên dữ liệu; nâng cao nhận thức; giáo dục sáng tạo; du lịch văn hóa/di sản bền vững; cách tiếp cận chung về sở hữu trí tuệ; tăng cường kỹ năng kinh doanh (đặc biệt cho doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa); hợp tác giáo dục - doanh nghiệp; đóng góp vào kinh tế tuần hoàn; tăng cường tiếp cận tài chính; tăng cường tiếp cận thị trường quốc tế; tăng cường công nghệ số; phát triển tiêu chuẩn năng lực và công nhận lẫn nhau; tăng cường bảo trợ xã hội cho lao động thời vụ.

Khung Phát triển bền vững Kinh tế Sáng tạo ASEAN là cơ sở để lồng ghép kinh tế sáng tạo vào công việc của các cơ quan chuyên ngành ASEAN, đóng góp vào Tầm nhìn 2045 và các Kế hoạch chiến lược liên quan, thúc đẩy đối thoại với các bên liên quan. Việc triển khai cụ thể sẽ thông qua kế hoạch hành động với các mục tiêu ngắn, trung, dài hạn.

Việc thông qua Khung Phát triển bền vững Kinh tế Sáng tạo ASEAN khẳng định vai trò tích cực, chủ động và trách nhiệm của Việt Nam trong hợp tác ASEAN; củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước thành viên, đặc biệt là Malaysia trong năm Chủ tịch 2025; góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN tự cường, năng động, lấy người dân làm trung tâm.

Khung Phát triển bền vững Kinh tế Sáng tạo ASEAN nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong nước, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, đặc biệt cho thanh niên và phụ nữ; tăng cường năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp văn hóa; thúc đẩy du lịch văn hóa bền vững; góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và khu vực; thúc đẩy gắn kết xã hội và phát triển bao trùm.

Tiềm năng của kinh tế sáng tạo với sự phát triển bền vững - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 46. Ảnh: Dương Giang-TTXVN

Trước đó, vào tháng 11/2024, Trong khuôn khổ hợp tác văn hoá ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối thoại, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hoá và nghệ thuật ASEAN lần thứ 11 (AMCA-11) và các hội nghị liên quan với các nước đối thoại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đã diễn ra tại thành phố Melaka - Malaysia.

Với chủ đề "Kết nối văn hóa, xây dựng tương lai: Thống nhất trong đa dạng", các Bộ trưởng phụ trách văn hoá, nghệ thuật ASEAN và đại diện các nước đối thoại đã rà soát quá trình hợp tác văn hóa và thảo luận về vai trò của văn hóa, nghệ thuật trong nỗ lực chung để xây dựng Cộng đồng ASEAN. Với nhận thức văn hóa có thể đóng vai trò sợi dây kết nối, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và góp phần phát triển xã hội và kinh tế, các quốc gia thành viên ASEAN mong muốn tăng cường việc lồng ghép văn hóa vào các chính sách phát triển nhằm góp phần hiện thực hóa tầm nhìn chung ASEAN sau năm 2025. Hội nghị cũng trao đổi về việc khai thác tiềm năng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong thời đại mới, thông qua một khung chính sách bền vững nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ASEAN, trên cơ sở Tuyên bố Siem Reap về Thúc đẩy Cộng đồng ASEAN sáng tạo và Thích ứng để phát triển Công nghiệp Văn hóa và Sáng tạo; thúc đẩy doanh nghiệp văn hoá, trên cơ sở Tuyên bố Vang Vieng về việc thúc đẩy doanh nghiệp văn hóa vừa và nhỏ phù hợp với tăng trưởng xanh vì phát triển bền vững; cũng như rà soát Kế hoạch chiến lược ASEAN về văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2016-1025 cũng như xây dựng một kế hoạch công tác cho giai đoạn tiếp theo.

Sau đó, hội nghị Bộ trưởng phụ trách văn hoá, nghệ thuật ASEAN thông qua các báo cáo SOMCA 19, SOMCA 20 và AMCA 11 đồng thời nhất trí chuyển giao danh hiệu Thành phố Văn hóa ASEAN giai đoạn 2024-2026 cho thành phố Melaka, Malaysia.

Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đạt được những hiệu quả và thành công nhất định trong quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về đất nước và con người Việt Nam. Và thực tế, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và ASEAN trong công nghiệp văn hoá, công nghiệp sáng tạo là rất lớn.

Sáng kiến, đề xuất thúc đẩy Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 46 là một cột mốc quan trọng trong việc định hình tương lai của khu vực, đặc biệt là trong việc thúc đẩy Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045. Các quốc gia thành viên ASEAN đã đưa ra nhiều sáng kiến và đề xuất nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, bao trùm và thích ứng với những thách thức mới. Một số sáng kiến đáng chú ý bao gồm:

Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2045: Đây là văn kiện quan trọng nhằm xác định các định hướng chiến lược của ASEAN trong 20 năm tới, tập trung vào chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và kết nối.

Khung phát triển kinh tế sáng tạo bền vững ASEAN: Nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh và phát triển bền vững.

Tuyên bố ASEAN về cam kết an ninh và tự lực thuốc: Đề xuất các biện pháp nhằm tăng cường khả năng tự chủ của ASEAN trong lĩnh vực y tế và an ninh.

Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC lần thứ hai: Tăng cường hợp tác giữa ASEAN và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và năng lượng.

Tuyên bố chung ASEAN - GCC và Trung Quốc: Đánh dấu sự mở rộng hợp tác giữa ASEAN với các đối tác quan trọng, nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư...

Hà Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm