Thương tâm những bé gái bị lừa bán ngay giữa chợ phiên

19/11/2016 12:12 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Chợ phiên vùng cao Lào Cai vốn nổi tiếng về sự độc đáo cùng những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Đây không chỉ là nơi để người dân địa phương mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn là chốn những người bạn gặp gỡ, tâm tình, những cặp đôi hò hẹn,...

Do đó, đây cũng là môi trường thuận lợi cho kẻ xấu trà trộn để dụ dỗ, lừa gạt phụ nữ, trẻ em…Mô hình truyền thông phòng chống mua bán người tại các chợ phiên vùng cao Lào Cai sau gần 1 năm triển khai đã cho thấy hiệu quả bước đầu trong việc nâng cao hiểu biết của người dân về công tác phòng chống mua bán người, tăng cường ý thức cảnh giác của người dân trước những âm mưu, thủ đoạn của tội phạm.

Đi chơi chợ không thấy về

Các chợ phiên Bắc Hà, Cốc Ly (huyện Bắc Hà); chợ Cán Cấu (huyện Si Ma Cai); chợ Mường Hum, Ý Tý, Trịnh Tường (huyện Bát Xát); chợ Cao Sơn, Pha Long, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương)...của Lào Cai là những điểm giao lưu văn hóa đặc sắc thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước. Những cũng trong những phiên chợ này nhiều cô gái xuống chơi rồi không quay trở về.

Năm 2013, Chấy Thị Ly về quê, đi chợ Cốc Ly (Bắc Hà) chơi và gặp chị Sùng Thị Đế. Sau khi làm quen, Ly nói với Đế sang Trung Quốc lấy chồng sẽ có cuộc sống sung túc. Nghe lời ngon ngọt của Ly, chị Đế đồng ý. Ly đưa chị Đế tới khu vực biên giới xã Tả Gia Khâu (huyện Mường Khương, Lào Cai) bán với giá 40.000 Nhân dân tệ (khoảng 136 triệu đồng).

Sau khi bị bán sang Trung Quốc, thấy cuộc sống không giống với những gì Ly nói nên chị Đế tìm cách trốn về Việt Nam tố cáo các đối tượng có liên quan. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam các đối tượng để điều tra về hành vi mua bán người.


Tuyên truyền phòng chống mua bán người tại chợ Mường Hum, huyện Bát Xát. Ảnh: Hương Thu - TTXVN

Hơn 60% trẻ em gái trong Ngôi nhà Nhân ái tại Lào Cai cho biết mình bị lừa bán sang Trung Quốc khi đi chơi chợ phiên. Em Sùng Thị Mẩy (Mường Khương, Lào Cai) kể lại: Khi ấy em mới 13 tuổi, ngày chợ phiên em được đi chơi cùng các bạn. Một anh bạn tới làm quen, sau khi trò chuyện thân mật đã đưa đồ ăn cho. Không hề mảy may nghi ngờ, em nhận lấy, sau khi ăn xong thì không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy đã thấy mình bị đem bán sang Trung Quốc.

Bất hạnh không chỉ thuộc về nạn nhân trực tiếp bị đem bán. Những người nhà nạn nhân sống trong chờ đợi mòn mỏi hy vọng về đứa con bặt vô âm tín cũng chịu đau đớn dày vò. Bà Thào Thị Mỷ (xã A Mú Sung, huyện Bát Xát) kể từ khi con gái mất tích đã khóc cạn nước mắt. Gia đình cất công đi tìm nhưng không có kết quả. Theo bà Mỷ, ngày con bà biến mất chính là ngày mà người dân ở miền rẻo cao vui nhất trong một tuần lễ. Chợ phiên được họp vào thứ 2 hằng tuần nhưng đó cũng là ngày đánh dấu bà mòn mỏi chờ con.

Là tỉnh biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc với một cửa khẩu quốc tế, một cửa khẩu quốc gia và sáu cặp cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn, lối mở thuận tiện cho việc đi lại thăm thân, buôn bán nên tình hình mua bán người trên địa bàn tỉnh Lào Cai có nhiều diễn biến phức tạp với các phương thức, thủ đoạn ngày càng đa dạng, phức tạp, tinh vi, xảo quyệt. Đáng lưu ý là hoạt động của nhóm đối tượng thanh niên người dân tộc thiểu số lợi dụng mối quan hệ thân tộc và sự nhẹ dạ của phụ nữ, trẻ em, học sinh, sinh viên là người cùng dân tộc, chúng dụ dỗ, lừa gạt, đưa nạn nhân.

Để tránh sự phát hiện của các lực lượng chức năng chúng thay đổi phương thức thủ đoạn như môi giới qua nhiều khâu trung gian khác nhau, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh qua cửa khẩu hoặc hướng dẫn nạn nhân tự vượt biên giới, dùng điện thoại để chỉ đạo, thỏa thuận mua bán, vận chuyển, giao nạn nhân...Do đó hoạt động mua bán người ngày càng diễn biến phức tạp, gây khó khăn hơn cho công tác phòng chống mua bán người.

Tổ chức tuyên truyền tại chợ

Xác định tuyên truyền, phổ biến giáo dục phòng, chống tệ nạn xã hội nói chung và phòng, chống mua bán người nói riêng là nhiệm vụ quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự, từ đầu năm đến nay Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai đã phối hợp với Tổ chức Vòng tay Thái Bình tổ chức 13 buổi truyền thông phòng chống mua bán người tại các chợ phiên Bắc Hà, Cốc Ly (huyện Bắc Hà); chợ Cán Cấu (huyện Si Ma Cai); chợ Mường Hum, Ý Tý, Trịnh Tường, Bản Vược (huyện Bát Xát); chợ Mường Khương, Pha Long, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương), chợ Võ Lao (huyện Văn Bàn)…Các buổi truyền thông đã thu hút hơn 6.000 người tham gia.

Việt Nam cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế xóa bỏ nạn buôn người

Việt Nam cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế xóa bỏ nạn buôn người

Trong hai ngày 13-14/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Niu Yoóc (New York, Mỹ), Đại Hội đồng Liên hợp quốc tổ chức Hội nghị cấp cao Kiểm điểm thực hiện Chương trình Hành động toàn cầu phòng chống buôn người .


Tại buổi truyền thông, mọi người được tuyên truyền, trang bị các kiến thức về âm mưu, thủ đoạn của những kẻ mua bán người; hậu quả của tệ nạn mua bán người và cách phòng tránh để không trở thành nạn nhân bị mua bán, được giới thiệu về các dịch vụ hỗ trợ và tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về tại Nhà Nhân Ái. Đồng thời những người tham gia còn được phát sản phẩm truyền thông phòng chống mua bán người như sổ tay, tờ rơi, truyện tranh với nội dung về phòng chống mua bán người.

Hầu hết các chợ phiên được lựa chọn truyền thông đều nằm ở các xã, các huyện có tình trạng mua bán người và có tỷ lệ phụ nữ, trẻ em nghi bị mua bán cao. Đây là những địa bàn chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, có rất ít kiến thức về phòng chống mua bán người.

Ông Nguyễn Tường Long - Giám đốc Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: Trên thực tế, có rất nhiều đồng bào dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, khi được hỏi về tình trạng mua bán người ở địa phương thì đều lắc đầu và bỏ đi nên rất khó khăn trong quá trình truyền thông.

Vì vậy, Chi cục đã đưa chính nạn nhân bị mua bán trở về tại Nhà Nhân Ái cùng tham gia truyền thông. Khi được nghe tiếng của dân tộc mình, người dân địa phương đã chú ý, hăng hái tham gia, nhiệt tình cùng chia sẻ các câu chuyện thực tế về mua bán người xảy ra tại địa phương mình. Trong đó một số người dân đã cung cấp thông tin để đoàn truyền thông nhờ các lực lượng chức năng tìm kiếm giúp người thân của họ.

Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông phòng chống mua bán người, tập trung vào các địa bàn trọng điểm về tình trạng mua bán người. Qua đó, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành trong công tác phòng chống mua bán người, đồng thời phát huy được vai trò, trách nhiệm của người dân trong việc chung tay đẩy lùi nạn mua bán người tại địa phương.

TTXVN/Hương Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm