16/03/2013 07:22 GMT+7 | Phim
Thuốc thử sự liều lĩnh và kiên nhẫn
Thuốc thử sự liều lĩnh và kiên nhẫn Đối với dân điện ảnh, đem chuyện của người già ra làm phim là một sự liều lĩnh, vì cầm chắc… “chết”. Làm phim cho người già xem ư? Hỏi thử các rạp trên thế giới có bao nhiêu người già mua vé xem phim? Và hãy hỏi bất cứ người trẻ nào… có “dám” mua vé vào xem 2 ông bà già đóng vai chính không? Hỏi tức là trả lời! Tình yêu (Amour) của người trẻ xem còn chưa hết, thời gian đâu nữa mà đi xem người già… yêu! Margaret Ménégoz, lãnh đạo của Hãng phim Les Films du Losange và là nhà sản xuất chính của Amour, từng được một đối tác truyền hình có tiềm năng, cảnh báo: “Hãy quên kịch bản này đi, quý vị không nên làm phim về người già!”.
Thật ra điện ảnh Mỹ năm 1981 đã từng có tuyệt phẩm On Golden Pond (Bên cầu ao vàng) với nhân vật chính là một cặp vợ chồng ngoài 70 tuổi, rất thành công về thương mại (gần 120 triệu USD tiền vé) lẫn nghệ thuật (10 đề cử Oscar) trong đó hai huyền thoại Henry Fonda (76 tuổi) và Katharine Hepburn (74 tuổi) đoạt Oscar Nam, Nữ diễn viên chính. Tuy nhiên, đây là một ngoại lệ hiếm hoi của điện ảnh thế giới cả 100 năm mới có một lần. Nhưng nếu phải so sánh, thì On Golden Pond không thể sánh được với Amour về sự mạo hiểm trong đề tài người già, và đặt một giới hạn cao nhất cho khán giả về sự… kiên trì khi xem phim.
Bối cảnh của On Golden Pond là thiên nhiên bao la tươi đẹp, còn Amour chỉ quanh quẩn trong nhà. Đôi vợ chồng trong On Golden Pond chỉ ngoài 70 tuổi, còn trong Amour thì được đẩy lên tới ngoài 80. Đây là thách thức lớn nhất của bộ phim, vì ở tuổi này tìm được “cụ” nào còn minh mẫn đã rất khó, huống hồ các “cụ” phải thể hiện những diễn biến tâm lý cực kỳ phức tạp của người già, đặc biệt cụ bà Emmanuelle Riva phải đóng vai người bị đột quỵ liệt nửa người.
Phim On Golden Pond có tiết tấu khá nhanh theo kiểu điện ảnh Mỹ, còn Amour thì có độ dài đến 2 giờ 7 phút, với tiết tấu phim cực chậm. Tổng cộng chỉ có 236 lần cắt trong cả phim (tính luôn cả bảng giới thiệu ở đầu phim). Trung bình mỗi cú máy tối thiểu từ 32 giây trở lên - rất, rất chậm so với thể loại phim tình cảm hiện nay.
On Golden Pond chủ yếu nói về mối quan hệ cha con, và có thêm chút yếu tố phiêu lưu mạo hiểm, chứ không đi sâu vào mối quan hệ của hai vợ chồng già nên rất dễ xem. Còn Amour mở ra trước mắt chúng ta cuộc sống thật sự của những người già. Mỗi chúng ta đều có ông bà cha mẹ, nhưng chắc chắn 100% chúng ta chưa bỏ thời gian để quan sát các cụ đang nghĩ gì, đang làm gì để “vật lộn” với những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời.
Bái phục Michael Haneke
Sự thật là tên tuổi của đạo diễn người Áo Michael Haneke vẫn còn xa lạ với phần lớn khán giả Việt Nam, mặc dù ông rất nổi tiếng ở các LHP lớn trên thế giới. Haneke đã 71 tuổi, nhưng chỉ mới làm phim từ năm 1989, và đến nay trong gia tài chỉ có 11 phim, hầu như phim nào cũng được các LHP danh giá chào đón nồng nhiệt.
Với một phong cách khắt khe thường được mô tả là lạnh lùng, phim của Haneke thường rất gai góc và khốc liệt: The Piano Teacher (2001), kể về nỗi ám ảnh về tình dục. Cache (2005), nói về thói tò mò bệnh hoạn. Năm 2009, ông giành giải Cành cọ Vàng đầu tiên cho The White Ribbon, một bộ phim nói về cội rễ của chủ nghĩa khủng bố, lấy bối cảnh một thị trấn nhỏ của Đức trong thời gian trước khi bùng nổ Thế chiến thứ nhất.
Ám ảnh nhất của Amour là cận cảnh đầu tiên của đôi vợ chồng già. nó khiến ta liên tưởng đến hình ảnh về chiều buồn bã ảm đạm của ông bà cha mẹ, hay xa hơn… là hình ảnh phản chiếu của chính chúng ta sau này.
“Có một người họ hàng mà tôi rất yêu mến, và tôi đã phải chứng kiến bà ấy đau khổ”, Haneke kể về một người dì bị bệnh thấp khớp, và cuối cùng là tự kết liễu đời mình. “Từ đó tôi muốn tìm hiểu cảm giác khi con người không thể làm được gì để cải thiện tình trạng thê thảm của bản thân”. Haneke bỏ ra 3 tháng nghiên cứu các nạn nhân của chứng đột quỵ, hỏi ý kiến các bác sĩ và tham dự các khóa ngữ âm trị liệu, trước khi ngồi xuống viết kịch bản Amour.
Câu chuyện của Haneke tập trung hoàn toàn vào hai người đang ở độ tuổi bát tuần, “và trong xã hội của chúng ta hiện tại, đó là một điều hoàn toàn rủi ro”. Nhưng đó chính là điều mà Haneke quyết tâm làm. Ông viết vai ông chồng, Georges, dành riêng cho Jean-Louis Trintignant, 81 tuổi, ngôi sao của điện ảnh Pháp những năm 1950 - 1960.
“Tôi không biết có diễn viên nào tỏa ra hơi ấm con người như ông ấy”, Haneke giải thích, “và điều đó thực sự quan trọng cho câu chuyện này!”. Trintignant, người đã giã từ diễn xuất 7 năm nay, lúc đầu từ chối, dù ông hết sức ngưỡng mộ các bộ phim của Haneke, “Tôi bảo với nhà sản xuất Margaret Menegoz rằng tôi thà tự sát còn hơn đóng một bộ phim nào nữa”, nam diễn viên thú nhận, “Tôi rất thích kịch bản nhưng tôi thấy nó buồn quá, và tôi đang ở độ tuổi phải tránh buồn rầu. Nhưng Margaret cười và bảo tôi - hãy đóng phim này rồi tự sát sau nhé!”. Haneke đã phải hết lời thuyết phục ông, và kiên quyết không giao vai đó cho bất kỳ diễn viên nào khác.
Tìm ra một nữ diễn viên cho vai Anne, nhân vật bị đột quỵ ở đầu phim và sự tàn tạ đầy đau đớn của bà là động cơ chính của câu chuyện, đòi hỏi Haneke phải mất nhiều công sức hơn. Sau các buổi thử vai và diễn thử, Haneke nhắm tới Emmanuelle Riva, 85 tuổi, ngôi sao của bộ phim Hiroshima Mon Amour (1959). Bà được chọn là do sự minh mẫn hiếm thấy và diện mạo có sức thuyết phục nhất. “Không dễ gì tìm ra những diễn viên ở độ tuổi của chúng tôi mà chưa từng trải qua bất kỳ cuộc phẫu thuật thẩm mỹ nào”, Trintignant nhận định về Riva. “Đặc biệt là các nữ diễn viên”.
Khi đã có trong tay các diễn viên và kinh phí 8,9 triệu USD, bộ phim bắt đầu quay ở Paris vào tháng 2/2011. Haneke đã cùng với nhà thiết kế sản xuất Jean - Vincent Puzos xây một căn hộ rộng lớn trong trường quay ở Paris, để đạo diễn có thể kiểm soát mọi thứ trong quá trình sản xuất. Chú ý tới từng chi tiết một cách cực đoan, Hanake bắt buộc phải tạo ra thư viện và phòng âm nhạc trong nhà bằng gỗ sồi thật (đôi vợ chồng già trong phim là những giáo sư âm nhạc về hưu). Ê-kíp đã phải lắp rồi tháo sàn lát gỗ để bảo đảm nó kêu cót két một cách chính xác.
Khi quá trình quay dài 9 tuần sắp bắt đầu, Riva quyết định sẽ ở lại luôn trên phim trường. Bà kể, “Ban đêm, chỉ còn tôi với nhân viên bảo vệ và con chó gác cửa. Nhân vật của tôi hầu như không di chuyển, vì thế khi hoàn thành một ngày quay, tôi cần phải vận động và khiêu vũ, và ở phim trường tôi có thể làm điều đó!”. Riva bước vào bộ phim Amour một cách toàn tâm toàn ý, bà không bỏ ra bất kỳ giây phút nào cho việc nghiên cứu nhân vật.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất