Thương nhớ mùa giáp hạt

03/03/2009 13:28 GMT+7 | Một chuyến đi

(Bài dự thi) - "Tháng ba ngày tám”, những cơn mưa phùn cuối cùng của mùa xuân dần thưa và nhường chỗ cho những cơn mưa bất chợt của mùa hè. Đó cũng là mùa giáp hạt.

Mùa giáp hạt không thuộc bốn mùa Xuân – Hạ - Thu – Đông. Vụ lúa Hè Thu đến tháng sáu âm lịch mới gặt. Mùa đông về, cây lúa không chịu được rét. Khoai lang, ngô và rau màu được trồng thay thế. Trước khi ăn Tết mấy ngày người dân xuống đồng cấy lúa cho vụ Đông Xuân. Đến tháng tư, tháng năm âm lịch mới có thóc. Tháng hai, tháng ba âm lịch trong bồ trong chum trong cót đã hết thóc, hết gạo rồi. Trong khi đó lúa mới đang thì con gái.

Mùa giáp hạt thường kéo dài một tháng, hai tháng có khi tới ba tháng, tuỳ theo từng nhà. Nhiều nhà, con cái đông lại đang ở tuổi ăn học, phải bán lúa lấy tiền đóng học. Có gia đình bán lúa để lo cho cái Tết. Nói chung vô vàn lý do để dẫn tới mùa giáp hạt.

Gia đình tôi, cũng như mọi nhà trong làng không lấy gì làm khá giả. Con người sống giữa mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió. Quanh năm vật lộn với cuộc sống, với thiên nhiên thật vất vả. Mùa hè thì cái nắng nóng như thiêu như đốt đến cháy người. Gió lào thổi, nóng đến cháy người. Mùa hè là mùa những cơn bão ngoài biển khơi đổ bộ vào. Khi thì quét sạch tất cả trong nháy mắt. Người dân chỉ biết đứng nhìn, chẳng biết than với ai. Mà than để làm gì, có lẽ số phận đã sắp đặt sẵn. Chính những điều đó làm cho con người nơi này có một khát vọng sống, khát vọng về một ngày mai đến cháy bỏng.
 

Nhớ năm nào cũng vào mùa giáp hạt. Tôi đọc qua những tiếng thở dài, đọc qua ánh mắt của mẹ với bao lo toan bộn bề. Bố ngồi ở chiếc chõng tre, rít điếu thuốc lào nghe não lòng. Khói thuốc lơ lửng mà không thể nào bay lên trời. Lúc đó, tôi vẫn chưa biết mùa giáp hạt là gì. Sau này, tôi được nghe bà kể lại mới biết.

Tôi cùng bao đứa trẻ trong làng nghịch ngợm những trò tự bày ra. Nhưng bố mẹ không bao giờ chửi hay đánh tôi vì điều đó. Chắc bố mẹ lo làm lụng nên cũng chẳng để ý đến. Thành ra, tôi thấy thoải mái khi cả tuổi thơ của tôi được thoả sức đùa nghịch với đất với cát với bùn với những gì mình thích.

Tôi là con đầu lòng và cũng là cháu đích tôn. Bình kém tôi gần hai tuổi. Nhìn hai anh em, ai cũng nói hai anh em sinh đôi.

Những bữa cơm độn sắn, độn khoai trong mùa giáp hạt đó là chuyện thường xuyên. Tôi và Bình được bố mẹ nhường phần cơm. Bố mẹ ăn phần sắn và khoai lang. Hai anh em ăn ngon lành. Những bữa cơm như thế, tôi thấy mẹ tôi thở dài. Bố thở dài. Tôi không để ý đến những hành động đó. Trong bữa cơm, thường có một bát mắm. Thứ mắm mẹ đã muối vào một vại bằng sành mấy tháng trước, để ở góc sân. Một nồi canh rau tập tàng. Canh tập tàng nầu bằng nhiều loại rau khác nhau. Rau đay một ít, rau mồng tơi một ít, rau bù đất một ít, rau sam một ít. Tất cả tạo ra một mùi vị hăng hăng đặc trưng không thể nào quên được món canh ấy. Chỉ đơn sơ vậy thôi, tôi thấy ngon biết mấy. Có lúc, tôi thắc mắc với mẹ.

- Bố mẹ sao ăn khoai, ăn sắn sao không ăn cơm. Con thấy cơm ngon hơn?

Mẹ bảo:

-Bố mẹ ăn khoai sắn mới có sức làm việc được. Hai đứa ăn cơm cho nhanh lớn!

Tôi ngu ngơ:

-Con và em ăn cơm cho lớn rồi sau này ăn khoai, ăn sắn để làm việc lớn mẹ nhỉ!

Mẹ cười xoa đầu tôi.

Bố mẹ nhìn tôi và Bình ăn một cánh ngon lành, húp nước canh sùm sụp. Tôi thấy mắt mẹ đỏ hoe. Tôi hỏi, mẹ nói: “con muỗi bay vào mắt”.
 

Mùa giáp hạt năm ấy nhà không có tiền đóng học cho tôi. Tôi ngậm ngùi ở lại lớp một năm. Nhưng chính điều đó thú vị đối với hai anh em. Tôi và Bình học chung với nhau từ lớp hai đến tận lớp mười hai. Mọi người thường hay nhầm tôi và Bình, đến trường cô giáo nhầm tên, riêng bạn bè thì chẳng đứa nào nhầm cả. Trong làng họ chẳng bao giờ gọi tên một đứa mà gọi “Bảo Bình ơi! Hay Bình Bảo ơi”. Câu cửa miệng mọi người trêu tôi:

“Thằng Bình đánh vỡ cái be

Thằng Bảo bắt được đi khoe cả làng”

Những mùa giáp hạt, vai mẹ lại gầy đi vì những đêm thức trắng trằn trọc với biết bao lo lắng. Tóc bố ngày một bạc thêm như thể có khói thuốc trên đầu. Tôi và Bình cứ thế lớn lên trên đôi vai gầy của mẹ. Lớn trên những sợi bạc của bố, lớn lên trong tình thương yêu, đùm bọc của gia đình. Lớn lên trong những mùa giáp hạt, lớn lên trong nồi cơm độn khoai sắn.

Ngồi ôn lại những kỷ niệm, ôn lại những mùa giáp hạt mà con không cầm nổi dòng nước mắt nơi đất khách quê người. Mùa này, quê mình cũng là mùa giáp hạt đây mẹ nhỉ. Nhà mình không phải ăn cơm độn sắn khoai, không phải… Nhưng con vẫn giữ mãi trong lòng kỷ niệm đó.

Tôi nhớ lắm, nhớ những mùa giáp hạt. Tôi nhớ mắm moi, nhớ bát canh rau tập tàng vị thơm của mắm moi. Tự nhiên, tôi muốn về quê mong được ăn một bữa cơm đạm bạc như ngày nào.

Lê Văn Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm