Thuận: “Càng viết là càng bớt bồng bột”

11/08/2008 02:30 GMT+7 | Văn hoá

(TT & VH Cuối Tuần) - Theo thông tin từ dịch giả Đoàn Cầm Thi, bản dịch tiểu thuyết Chinatown của Thuận do chị thực hiện sẽ sớm được xuất bản tại Pháp bởi một trong các nhà xuất bản hàng đầu. Trong thời gian đó, Thuận vẫn tiếp tục viết, và tiểu thuyết thứ năm của chị, VânVy, chuẩn bị ra mắt độc giả Việt Nam (do Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành). Đây có thể coi là cuốn tiểu thuyết tiếp nối mạch văn do T mất tích mở ra, cộng thêm nhiều khám phá mới về tình trạng cuộc sống và nội tâm của những con người sống giữa các nền văn hoá. Vẫn với lối nói thẳng thắn đi kèm với sự đa dạng về ý tưởng quen thuộc, nhà văn Thuận nói về trải nghiệm nghề văn mới nhất của chị.
 

Tiếp tục xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ năm tại VN, chị trông chờ điều gì nhất từ độc giả tiếng Việt?

Tiểu thuyết đầu tay thường khiến tác giả hoang tưởng, phần lớn ai cũng ngỡ sẽ làm một quả bom giữa văn đàn. Nhưng càng viết là càng bớt bồng bột. Tới tiểu thuyết thứ năm thì xuất bản đơn giản là một bước tiếp theo, sau khi đã hoàn thành tác phẩm. Tuy vậy, với VânVy, tôi vẫn mong mang lại cho độc giả một cái nhìn khác về hiện thực, một quan niệm khác về tiểu thuyết.

Tại sao hướng đến cộng đồng người Việt trong nước mà vẫn là những cái tên nước ngoài, bối cảnh sống của nhân vật cũng nước ngoài, cùng những tư duy rất ngoại?

Hai chục năm sống ở nước ngoài, tôi không có lý do nào để chỉ viết về người Việt trong nước, cùng những tư duy thuần Việt. Thực ra chưa bao giờ tính Việt lại bấp bênh như ngày hôm nay. Ngay trong chuyện ẩm thực - cái vẫn được dân Việt coi là thiêng liêng, bất khả xâm phạm - bây giờ khi túi đầy đầy, người ta thích thưởng thức sushi, pizza hơn là đặc sản nội địa, và mới đây món kebab của Thổ Nhĩ Kì cũng hạ cánh an toàn giữa thủ đô Hà Nội. Hàng tiêu dùng, thậm chí tăm xỉa răng cũng gắn mác made in China. Báo chí, điện ảnh thì miễn bàn, những cái tên ăn khách nhất đều đến từ Hollywood. Nhưng những điều tưởng như rất ngoại ấy chỉ là phần nổi của xã hội phương Tây. Đương nhiên, chúng không là đối tượng sáng tác của tôi.

Thế còn kế hoạch chinh phục độc giả Pháp?

Tôi chưa bao giờ lên kế hoạch chinh phục độc giả, cả Việt lẫn Pháp. Độc giả là số đông mà tôi rất ngại. Không cẩn thận thì mất mình như chơi.
 
* Kết thúc thời của ChinatownParis 11 tháng Tám

Nhan đề tiểu thuyết mới sắp in VânVy muốn nói lên điều gì?

Vân và Vy là tên của hai nhân vật chính, được viết kề nhau, như chữ trên phông màn đám cưới. Chương cuối của tiểu thuyết cũng có nhan đề “Đại hỉ”. Lần đầu tiên tôi muốn một kết thúc có hậu. Nhưng đó lại có vẻ là một happy end không bền.

Liệu các độc giả trung thành của chị sau khi gấp VânVy lại có suy nghĩ: vẫn kiểu viết lạnh lùng, dửng dưng ấy, vẫn những nhân vật mòn mỏi giữa cô đơn và nhàm chán bởi những lặp lại ngày thường, vẫn cách chọn tên nhân vật quen thuộc từ T. (trong T mất tích) đến N. (người tình của Vy trong VânVy) hoặc toàn V. như Vân, Vy, Vượng… nghĩa là vẫn theo kiểu… Thuận. Vậy chị đã làm mới chính mình qua VânVy như thế nào?

VânVy bao gồm hai phần, hai câu chuyện riêng biệt được viết xen kẽ vào nhau. Một là của B, đồng tính luyến ái, từ chức quan tòa để cầm bút viết văn, mười năm vật tay đôi với vi khuẩn HIV. Một là của Vy, thiếu nữ Hà Nội lấy chồng Việt kiều, và cuộc sống vừa đơn điệu vừa phức tạp của nước Pháp đương đại.

VânVy có thể được coi là tiểu thuyết về một thế hệ trẻ không còn thuần nhất. Trẻ thiêu thân như kiểu B, cái chết song hành cùng hoan lạc. Trẻ khôn ngoan như kiểu Vy, sống đồng nghĩa với hưởng thụ. Cả hai đều tôn thờ tự do. Chấm dứt tình yêu đơn phương của Chinatown và sự ngây ngô của Paris 11 tháng 8 ngày nào.

VânVy, thông qua nhân vật B, nhà văn đồng tính, phản ánh những quan niệm khác nhau về nghề viết. Trang cuối cùng của tiểu thuyết không phải để khép lại mà dành cho tuyên ngôn của nhà văn Guillaume Dustan. Những câu như thế này hẳn sẽ khiến độc giả phải suy ngẫm: “… Trong văn chương, không có nhiều giải pháp: hoặc bịa hoàn toàn và phải chịu nghèo túng về chi tiết (dù đã đưa một vài kinh nghiệm sống vớ vẩn vào câu chuyện được bịa); hoặc mang đời mình ra kể và phải hứng mệt mỏi kha khá (dù đã tạo những loài đột biến bằng cách lồng các sự kiện và nhân vật vào nhau). Trong văn chương, hoặc là chính bản thân, hoặc là chuyện phét lác… Tôi từng thử văn chương “Chân Chính”. Thất bại hoàn toàn. Khi không hiểu nổi cuộc sống của bản thân, làm sao tôi có thể mất thời gian lảm nhảm về cuộc sống của những kẻ thậm chí chẳng quen biết

Tuyên ngôn này dường như đối lập hoàn toàn với quan điểm văn chương hiện nay của tôi. Thế nhưng nó vẫn được dành cho một vị trí đặc biệt trong VânVy. Không chấp nhận, cũng không hoàn toàn phủ nhận, tôi bị nó ám ảnh một thời gian, để nhiều lần tự hỏi biết bao giờ mới đủ dũng cảm bóc trần đời tư.

Chị có e ngại rằng các độc giả lẫn lộn các nhân vật giữa năm cuốn tiểu thuyết của chị với nhau như chị từng nhầm lẫn Ba chàng ngự lâm pháo thủ với các tác phẩm khác của Alexandre Dumas?

Không, một khi viết với tôi vẫn còn là công việc cực nhọc.
 

* Văn chương, tiếng Việt và quá khứ

Khi phân biệt nhà văn trong nước và nhà văn Việt Nam sống ở nước ngoài, chị từng nói, một bên thì quên quá khứ rất nhanh, một bên luôn bị quá khứ ám ảnh. Có phải vì vậy mà vừa mở trang đầu của VânVy ra đã thấy nhân vật chính nhắc lại phở phoóc-môn một thời?

Mùi phoóc-môn ngay từ trang đầu đã khiến nhân vật Vy nhớ tới món phở gà Hà Nội. Nhưng nhớ một cách vô tình và chóng vánh. Nhớ như thế thì khác gì quên. Có thể coi đó là một đặc tính của thế hệ trẻ ngày nay.

Nhắc đến quá khứ đã xa ở VN, chị có cùng tâm trạng cay đắng với nhân vật chính của Chinatown: "Mười năm sau ở Paris, tôi được biết những người cầm bút khác được ủng hộ đằng sau bởi những nền nghệ thuật lớn, còn nhà văn VN, Lào, Campuchia thì chỉ được làm đại diện cho đông đảo các vết thương chiến tranh và đói nghèo"?

Nhân vật chính của Chinatown đã cay đắng như vậy không phải khi nhớ lại quá khứ mà chính trong lúc nghĩ về hiện tại, về thân phận của những tác giả đến từ các nền nghệ thuật vô danh. Giờ đây hầu như ai cũng hiểu “thế giới đại đồng” chỉ là một giấc mơ quá đẹp. Sau bao nhiêu cố gắng, nhân loại không thôi phân chia kẻ mạnh, người yếu. Không thể phủ nhận rằng quốc tịch “Nhật Bản” hay “Trung Hoa”, “Hàn Quốc” mang lại may mắn cho các nhà văn hơn quốc tịch một nước thuộc thế giới thứ Ba.

Sống ở nước ngoài nhiều, chị có nghĩ sự hiểu biết về VN và tiếng Việt của chị dần xa rời thực tế không?

Bao nhiêu công dân mang hộ khẩu Hà Nội mà rõ về Hà Nội ? Bao nhiêu chuyên viên xã hội học viết nổi một bài luận ra hồn về xã hội ? Bao nhiêu nhà văn thường xuyên được cho “đi thực tế” đã phản ánh chính xác hiện thực?

“Thực tế” không phải là cái mà cứ ở là hiểu, bắt được tay, vỗ được vai là gần. “Thực tế” cũng không phải là cái thấy rồi thì coi như bất biến. “Thực tế” cần một quá trình từ tìm hiểu đến nhận thức. Theo kinh nghiệm của riêng tôi, quá trình này nằm trong công việc của một nhà văn. Văn chương khác nghiên cứu khoa học ở chỗ càng viết càng hiểu, chứ không phải hiểu hết rồi mới viết.

Còn về ngôn ngữ, không phải cứ cập nhật mà đã hiện đại, sử dụng hàng ngày mà đã nhuần nhuyễn. Tôi cho rằng, tính hiện đại phụ thuộc vào tinh thần của tác giả và những vấn đề mà tác phẩm đặt ra.

Với chị, làm thế nào để sử dụng tiếng Việt sao cho hiệu quả nhất trong quá trình viết văn?

Nếu tính đa âm đa thanh là nỗi sợ triền miên của người nước ngoài khi nói tiếng Việt, thì nó lại trở thành điều may mắn bất ngờ cho các nhà văn của chúng ta. Với tôi, nhịp điệu đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm. Nhịp điệu liên kết các chi tiết với nhau, trở thành một cấu trúc vô hình nhưng chặt chẽ. Cảm xúc mà độc giả nhận được do nhịp điệu thường mạnh hơn là do nội dung tạo nên. Nhịp điệu là linh hồn của tác phẩm.

Ngoài ra, bản chất tiếng Việt là lỏng lẻo, ít câu nệ ngữ pháp (cũng là điều mà người nước ngoài khó lòng chấp nhận) cho phép những tập hợp từ rất tự do và đa nghĩa. Nói cách khác, chính nhờ vào cái sự chưa hoàn thiện của tiếng Việt mà nhà văn có thêm đất sáng tạo, và đó cũng là một thách thức cho kẻ cầm bút. Tôi nghĩ, trong các ngành nghệ thuật khác cũng tương tự, vẽ chân dung một người đã đẹp rồi thì không cần một họa sĩ tài năng.

Sử dụng tiếng Việt thế nào? Chính xác thôi chưa đủ là nhà văn. Lưu loát thôi cũng chưa đủ là nhà văn. Phải tạo được ngôn ngữ của riêng mình – mới là nhà văn.

Một ngày chị chia thời gian thế nào: thời gian viết, thời gian chăm sóc con, thời gian nội trợ, thời gian cho bạn bè, thời gian tích lũy kiến thức, thời gian nghỉ ngơi thư giãn?

Giá mà lập được thời gian biểu để biết lúc nào thì làm việc gì cho hợp lý nhất! Tôi thường tự hỏi tại sao một bác sĩ khi cởi áo bờ-lu ra là rời được bệnh viện, một giáo viên khi xếp xong viên phấn vào hộp là đùa được với học sinh, còn một nhà văn thì dường như không lúc nào thoát được tác phẩm.

Chị có thấy mình may mắn khi được đứng ngoài chuyện lo lắng “cơm, áo, gạo tiền” hàng ngày để chỉ chú tâm vào việc sáng tác không?

Trong cái may nào cũng có cái không may. Giá như phải lo lắng chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” thì tôi sẽ có cái cớ để được thỉnh thoảng nghỉ bút mà khỏi phải đắn đo.

Tác phẩm của các nhà văn trẻ VN hiện nay có tạo cho chị ấn tượng nào không?

Các tác giả trẻ hiện nay có vẻ rất năng động và tự tin. Tôi nghĩ rằng, với sáng tác, đó là những dấu hiệu tích cực.

Xin cảm ơn chị. 

Việt Quỳnh(thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm