Nhà ở xã hội “khát” vốn và đất

18/03/2011 13:50 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Xây dựng đặt mục tiêu xây dựng khoảng 600.000 căn nhà ở xã hội. Tuy nhiên, thiếu vốn đang là một thực trạng mà các doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội gặp phải.

Ngân hàng “lắc đầu”

Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2009-2015 các địa phương đã đăng ký 189 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp với tổng số vốn hơn 28 nghìn tỷ đồng, xây dựng hơn 166 nghìn căn hộ cho khoảng 700 nghìn người. Hiện 37 dự án đã được khởi công để giải quyết chỗ ở cho 64 nghìn người. Trước mắt đã có 927 căn hộ hoàn thành phần xây dựng (Hà Nội có 815 căn hộ và TP.HCM có 112 căn hộ).

Riêng TP.HCM đang có 6 chủ đầu tư tham gia dự án 8.760 căn hộ cho hơn 31 nghìn người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, tại thời điểm này chỉ có dự án KDC Hạnh Phúc (huyện Bình Chánh) là đang trong giai đoạn xây dựng. 22 dự án nhà ở cán bộ công nhân viên vẫn trong tình trạng đang giải tỏa, đã san lấp hoặc đang chờ hoàn tất thủ tục trình duyệt dự án.

Nhà ở xã hội là nhu cầu bức thiết của người thu nhập thấp


Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đánh giá: “Từ khi triển khai chương trình cho đến thời điểm hiện tại, Hà Nội hoàn thành xây dựng 815 căn hộ, TP.HCM làm xong 112 căn hộ là quá ít”. Về nguyên nhân, đơn vị đăng ký tham gia chương trình xây dựng nhà ở xã hội thì nhiều, nhưng con số thực hiện được rất ít là do doanh nghiệp còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục và chính sách ưu đãi về thuế má.

Ông Nguyễn Văn Đực phân tích: giá của vật liệu xây dựng tăng liên tục nhưng chủ đầu tư chỉ được hỗ trợ ở mức lãi suất 10%. Trong khi thời gian hoàn thành công trình phải “lê thê” đến hơn 6 - 7 năm. Cho nên các doanh nghiệp nhận thấy rất “khó ăn” khi đầu tư vào nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Vừa qua, Công ty Địa ốc Đất Lành đã xem xét thị trường để đầu tư dự án nêu trên, nhưng kết quả cuối cùng là... rút lui.

Mặt khác, về việc tìm nguồn vốn cho dự án này, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng: trong khi doanh nghiệp lại vướng nhiều khó khăn về tài chính nhưng ngân hàng lại “ngại” cho vay tiền hoặc vay với lãi suất quá cao.

Bà Lê Thị Liễu Nhân, Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà - An Nhân cho biết: “Có được một bản quy hoạch chi tiết 1/500 phải mất đến 3 năm, song thủ tục xây dựng lại gặp khó khăn về vốn. Hầu hết, các ngân hàng đều “lắc đầu” khi biết doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp”. Hiện Công ty Sông Đà - An Nhân đang tìm nguồn vốn 600 tỷ đồng để xây dựng 920 căn nhà ở cho người thu nhập thấp.

Nên sử dụng đất công để xây nhà ở xã hội

Ngoài những khó khăn về vốn, các doanh nghiệp xây nhà xã hội còn gặp vấn đề thiếu quỹ đất “sạch”. Ông Nguyễn Tất Bền, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM thừa nhận: các chủ đầu tư không có quỹ đất “sạch” mà phải chủ động bồi thường giải phóng mặt bằng để xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất: Nhà nước đang nắm trong tay hàng ngàn m2 đất công nên xem xét sử dụng quỹ đất này để xây dựng nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp, căn hộ cho thuê giá rẻ. Nếu Nhà nước tập hợp quỹ đất đang bỏ trống để xây dựng căn hộ cho người thu nhập thấp thì sẽ giải quyết được rất nhiều chỗ ở cho cư dân đô thị. Với dân số xấp xỉ 10 triệu người, nhu cầu thuê nhà của người dân là rất lớn. Hiện tại, họ phải thuê nhà với mức chi phí cao từ các hộ gia đình kinh doanh nhà trọ.

Trên thực tế tại TP.HCM vẫn còn tồn tại những khu đất làm nhà kho, bến bãi vẫn để hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả. Nếu tính toán hợp lý, đây có thể là quỹ đất công để thực hiện chương trình nhà ở xã hội, cho người thu nhập thấp.

Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm