Thủ tướng Italia bị “bạn cũ” kêu gọi từ chức

09/11/2010 11:13 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Chính quyền của Thủ tướng Italia Silvio Berlusconi đang đối mặt với nguy cơ tan rã, sau khi nhân vật đồng sáng lập đảng cầm quyền của ông lên tiếng kêu gọi nhà lãnh đạo nhiều tai tiếng từ chức, đồng thời đe dọa sẽ kéo các bộ trưởng ủng hộ ông ra khỏi nội các.

Gianfranco Fini, người hiện là phát ngôn viên Hạ viện Italia, đã có bài phát biểu gần vùng Perugia vào ngày 7/11, trong đó kêu gọi ông Berlusconi từ chức để mở đường cho việc thành lập một chính phủ mới, với những chương trình nghị sự mới.

Tuyên chiến với Thủ tướng

Ông Fini đã rời bỏ đảng Nhân dân Tự do (PDL) cầm quyền của Berlusconi hồi tháng 7 vừa qua, do những mâu thuẫn trầm trọng, dù hai ông từng là các nhân vật đồng sáng lập đảng này 16 năm trước. Ông nói rằng Thủ tướng không cho phép tranh cãi trong nội bộ đảng và chỉ thông qua các đạo luật nhằm giúp ông có được quyền miễn trừ truy tố, để tránh bị các công tố viên chống tham nhũng hỏi thăm.


Hai đối thủ Fini (trái) và Berlusconi khi quan hệ còn nồng ấm.

Sự ra đi của Fini đã kéo theo 33 nghị sĩ khác trong Hạ viện và 10 nghị sĩ trong Thượng viện.

Cách đây 5 tuần, đôi bên đã thông qua một “hòa ước”, trong đó Fini và lực lượng của ông bỏ phiếu ủng hộ các chương trình lãnh đạo đất nước của Berlusconi. Song xung đột đã nhanh chóng trở lại, khi báo chí nói rằng Berlusconi đã can thiệp để giải cứu một cô gái vị thành niên khỏi bị cảnh sát bắt giam. Tuần trước, tới lượt một cựu gái mãi dâm cao cấp nói với báo chí rằng cô ta được Berlusconi trả tiền để quan hệ tình dục hai lần. Ngoài ra, ngài Thủ tướng bị cáo buộc đã cung cấp cần sa cho khách tới chơi ở villa của ông.

Kết quả là Fini đã đưa ra tối hậu thư cho Berlusconi, sau khi phát biểu chỉ trích hàng loạt vấn đề liên quan tới hoạt động của chính quyền. Sử dụng một thứ ngôn ngữ có thể gây ra những hố sâu ngăn cách giữa hai người, Fini cáo buộc Berlusconi đang lãnh đạo “một chính quyền luôn vờ vĩnh rằng mọi thứ đang được nó xử lý tốt”.

Fini không đề cập trực tiếp tới những tranh cãi mới nhất liên quan tới cuộc sống riêng tư của Berlusconi. Tuy nhiên ông có bóng gió ám chỉ tới “sự suy đồi về đạo đức”, gây ra bởi “thiếu sự đúng mực và nghiêm túc trong hành vi của một số nhân vật của công chúng, vốn có nghĩa vụ phải làm gương cho kẻ khác”.

James Walston, một giáo sư chính trị tại Đại học Mỹ ở Rome đánh giá bằng hành động trên, Fini “đã từ bỏ chiến thuật đánh du kích để chính thức tham gia một cuộc chiến công khai với Thủ tướng”

Quan trọng nhưng không mang tính quyết định

Ở Italia, Thủ tướng thường từ chức để thành lập một chính quyền mới. Berlusconi từng làm vậy hồi năm 2005. Nhưng việc này có những rủi ro nhất định. Khi Thủ tướng từ chức, Tổng thống Giorgio Napolitano sẽ có quyền đề nghị một người khác, thay vì Berlusconi, lập chính phủ mới. Nếu không thể thành lập được chính phủ, Tổng thống sẽ giải tán Quốc hội và mở cuộc bầu cử sớm.

Theo hãng tin ANSA, Berlusconi đã tuyên bố trước các đồng minh thân cận rằng ông không có ý định từ chức. Ông cũng nói rằng nếu Fini muốn Thủ tướng ra đi, ông phải bỏ phiếu ở Quốc hội và phải nhận trách nhiệm vì đã phá hoại chính phủ. Về phía Fini, ông đang có đủ lực lượng ủng hộ tại Quốc hội để đánh sụp chính quyền Berlusconi. Nhưng rất có thể việc này sẽ dẫn tới hậu quả là Italia sẽ phải bầu cử sớm, trong khi Fini và đồng minh chưa đủ sức để đương đầu với liên minh của Berlusconi.

Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi ông vẫn bỏ ngỏ một điều kiện để nối lại sự ủng hộ với ngài Thủ tướng. Điều kiện đó là Berlusconi phải thực hiện một chương trình nghị sự mới và rộng hơn nữa trong phần thời gian còn lại của nhiệm kỳ Thủ tướng, vốn sẽ kết thúc vào năm 2013. Ông cũng yêu cầu cải tổ toàn bộ luật bầu cử “đáng xấu hổ” của Italia. Theo các quy định hiện nay, rất khó để một đảng hoặc một liên minh giành thế đa số tại Quốc hội, qua đó có thể gây nên những bất ổn chính trị.

Hiện cá nhân Berlusconi không công khai đối chọi lại bài phát biểu của Fini. Nhưng một số đồng minh của ông đã lên tiếng thách thức đối thủ. “Nếu ông ấy chỉ trích mọi thứ (của chính quyền hiện tại), vì sao chúng ta lại phải thành lập một chính phủ mới do Berlusconi lãnh đạo” - Altero Matteoli, một bộ trưởng trong nội các chất vấn. Còn theo Bộ trưởng Quốc phòng La Russa, “những gì xảy ra sau bài phát biểu rất quan trọng, nhưng không mang tính quyết định”. “Kết cục cuối sẽ được định đoạt ở Quốc hội” - ông Russa tuyên bố.

Tường Linh 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm