Lái xe tải gặp khó ở trạm cân Dầu Giây

16/08/2009 09:52 GMT+7 | Pháp luật

(TT&VH) - TT&VH vừa nhận được ý kiến của ông Nguyễn Văn Hậu, tài xế xe 30F – 1634 về những bất cập khó lý giải trong việc cân tải trọng xe, khiến người làm nghề vận tải gặp rất nhiều khó khăn và cả… khó hiểu!

Ngày 5/5/2009, xe của ông Hậu được nhân viên trạm cân Dầu Giây (Đồng Nai) yêu cầu vào cân kiểm tra tải trọng xe. Qua cân toàn bộ tải trọng, xe Hino loại 2 cầu có trọng lượng là 15,5 tấn. Quy định của trạm cân là tổng trọng tải của xe là 16 tấn, nếu quá sẽ bị phạt quá tải. Ông Hậu cho rằng, khi thấy xe không quá tải theo tải trọng của trạm đề ra, nhân viên trạm cân tiếp tục cân tải trọng xe theo trục. Kết quả là xe vượt quá tải trọng cho phép 10 – 20%. Với lỗi này, ông Hậu bị phạt 1,5 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 30 ngày.

Để tránh lỗi quá tải theo trục, xe 30F – 1634 đã xếp hàng lệch lên phía trước một chút để dàn đều tải trọng. Tuy nhiên, ngày 26/6/2009, chiếc xe này do tài xế Phạm Đắc Nam điều khiển, qua trạm cân Dầu Giây lại bị xử phạt lỗi chở hàng vượt chiều cao cho phép đối với xe ô tô tải thùng hở, do những hộp giấy đựng mì ăn liền nhô cao hơn thùng xe ở phía trước. Dù các thùng hàng chỉ nhô cao hơn thùng xe khoảng 10cm, nhưng ông Nam bị phạt 750 ngàn đồng và bị tước giấy phép lái xe trong 60 ngày.

Xe tải Hino (ảnh minh họa)


Qua hai sự kiện trên, ông Hậu đặt câu hỏi với cơ quan quản lý: Có được áp dụng hai hình thức cân tải trọng song hành ở một trạm cân không? Trường hợp hàng hóa của xe 30F – 1634 xếp đủ trong phạm vi thùng xe, với trọng lượng hàng chưa tới 16 tấn (trạm cân quy định loại xe hai cầu này được chở tối đa 16 tấn), cân tổng thể trọng tải xe không vi phạm, thì được áp dụng cân tải trục để tìm lỗi?

Ông Hậu bày tỏ: “Nếu quá tải khi cân tổng thể tải trọng xe thì chúng tôi sẵn sàng chấp nhận hình phạt. Nhưng xe không quá tải theo hình thức cân này, lại bị cân theo tải trọng trục và xử phạt khiến nhiều lái xe hoang mang, không biết trạm cân áp dụng hình thức cân nào là chính, cân nào là phụ? Nếu áp dụng hình thức cân theo tải trọng trục là chính thì trạm cân Dầu Giây nên bỏ quy định cân tải trọng toàn bộ xe, hoặc ngược lại. Theo quy định, xe tôi được chở tối đa 16 tấn, tôi không vi phạm quy định này thì xe được phép qua trạm. Như vậy, việc áp dụng cân tải trọng trục đối với những xe đã đạt yêu cầu về tải trọng khi cân tổng thể, rồi xử phạt và “giam” giấy phép lái xe của tài xế khi vi phạm tải trọng trục thì có nên không? Điều này làm rất nhiều tài xế hoang mang, lo lắng khi đi qua trạm Dầu Giây”.

Theo một số ý kiến, việc cân tải trọng xe theo trục sẽ làm phần lớn tài xế bị phạt, nhất là những tài xế chở hàng trong container. Hàng hóa chứa trong container đều do chủ hàng thực hiện việc xếp hàng rồi kẹp chì hải quan, nhà xe và tài xế không có quyền can thiệp tải trọng hàng hóa chứa trong đó. Người vận chuyển khó có thể biết được hàng hóa có được xếp đều trong container hay không, và chỉ cần hàng hóa xếp trên xe lệch trọng tâm thì sẽ dẫn tới quá tải trục. Doanh nghiệp vận tải xếp hàng theo đúng tải trọng cho phép ghi trong giấy đăng ký xe và số kiểm định thì vẫn có thể bị phạt khi vận chuyển những hàng hóa không thể tháo rời hoặc khó xếp cân đối đúng theo tải trọng từng xe. Vì vậy, nhiều tài xế dù biết xe mình chở đúng trọng tải quy định, nhưng không thể biết mình có vi phạm tải trọng theo trục hay không, nên sẽ tìm cách trốn trạm, hoặc thuê “cò” làm thủ tục qua trạm. Với hàng trăm xe qua lại trạm cân mỗi ngày, khoản tiền rơi vào túi “cò” sẽ không nhỏ.

Ông Hậu bày tỏ: “Tôi được biết ở một số nước, khi phát hiện xe chở quá tải, họ không áp dụng hình thức tước giấy phép lái xe có thời hạn, mà áp dụng việc phạt tiền tùy theo khối lượng quá tải. Số tiền này sẽ được sử dụng vào quỹ bảo trì đường bộ, tái đầu tư vào công trình giao thông. Nếu Việt Nam áp dụng cách làm này thì tài xế sẽ đỡ bị lâm vào cảnh khó khăn do tạm thời bị thất nghiệp, khi giấy phép lái xe bị thu giữ. Bởi với tài xế, giấy phép lái xe chính là bằng nghề, là giấy phép lao động của chúng tôi, đằng sau chúng tôi còn là vợ con, gia đình đang trông chờ vào khoản thu nhập là tiền công của lái xe”.

Bà Bùi Thị Ngọc Mai - chủ doanh nghiệp tư nhân vận tải Ngọc Mai – từng giãi bày với báo chí: “Chúng tôi chuyên chở hàng hóa là các thiết bị máy móc nhập nguyên đai, nguyên kiện cho các công trình thủy điện. Trước khi đưa xe đến trạm cân Dầu Giây, chúng tôi đã tốn 120.000 đồng thuê trạm cân bên ngoài cân và khẳng định xe chúng tôi không chở hàng quá tổng trọng tải. Lúc vào trạm cân Dầu Giây cân tổng trọng tải xe không quá tải, nhưng khi cân trục đầu xe thì thiếu tải (không vi phạm) và cân trục giữa xe bị dư tải (lỗi vi phạm) và trục cuối xe thiếu tải (không vi phạm). Căn cứ một trục xe ở giữa bị quá tải, Khu Quản lý đường bộ 7 (cơ quan chủ quản của trạm cân Dầu Giây) ra biên bản xử phạt ở khung 3-5 triệu đồng, giam bằng người lái xe 60 ngày - tức đẩy lái xe chúng tôi vào chỗ thất nghiệp”.

Trao đổi với TT&VH, ông Bùi Thế Phi, chủ doanh nghiệp vận tải Huy Hoàng cho biết, nhà quản lý đưa ra quy định này là thiếu thực tế, trước đây chỉ áp dụng cân tổng thể, không vượt tải là được phép đi. Bây giờ khi áp dụng cân trục thì 10 xe “dính” cả 10. Và nếu xếp hàng lệch trục, tại sao không bị phạt theo điều khoản “xếp hàng lệch trọng tâm” (mức phạt 300 ngàn đồng) mà tiến hành phạt nặng và thu bằng lái?

Xin gửi những ý kiến này tới cơ quan chức năng.

T.Vinh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm