Raul Gonzalez: Sáng và tối của một người Madrid bất tử

31/07/2010 06:55 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH cuối tuần) - Hè 2010 là mùa hè của những cuộc chia tay. Một Henry khởi đầu với Les Bleus bằng trận ra mắt trước Nam Phi đã kết thúc sự nghiệp áo Lam cũng bằng cuộc đối đầu với Nam Phi. Còn ở phía sau của World Cup, của sân chơi ĐTQG, Raul cũng chính thức nói lời chia tay Real Madrid, CLB duy nhất mà anh đã khoác áo chuyên nghiệp trong 16 năm.

Khác với Henry, Raul không có trận đấu cuối cùng để giã từ với Real trước khi anh ra đi. Nhưng không giống với Henry, Raul tạm biệt ở một tư thế khác, kiêu hãnh hơn dù anh vẫn rơi nước mắt, và đích đến của anh cũng khác. Đó là một Schalke 04 đẳng cấp vượt trội so với nền bóng đá ít cạnh tranh của MLS.


Raul chia tay Real Madrid sau 16 năm gắn bó - Ảnh Getty
“Tôi đã cống hiến hết tất cả cho màu áo này”, Raul nói khi đưa nắm tay áp vào lồng ngực y như cách anh vẫn làm khi ghi bàn thắng. Cuộc chia tay này cũng là một bàn thắng mà Raul tự kiến tạo và tự dứt điểm, một bàn thắng vĩ đại nhất anh dành cho Real. “Tôi cần phải ra đi khi đội bóng cần chỗ đứng cho những cầu thủ trẻ tương lai hứa hẹn”, Raul thổ lộ như thế khi anh quyết định “ghi bàn”, một quyết định dũng cảm bất chấp rằng “Mourinho đã muốn tôi ở lại nhưng bản thân tôi lại muốn ra đi”. Đó là mảng sáng cuối cùng của một Raul - danh thủ ở Bernabeu, một mảng sáng đáng tưởng thưởng.

Real mùa bóng này kéo về nhiều cầu thủ trẻ với mục đích giới hạn tuổi chuyển nhượng ở dưới con số 25. Raul hiểu rõ vai trò của mình trong chính sách chuyển nhượng ấy. Anh, ở tư cách Hoàng tử thành Madrid, ở cương vị của người mang áo số 7, số áo mà tay bút Eduardo Inda đã gọi bằng cái tên mỹ miều “Madridista Eterno” (Người Madrid bất tử), có một vị thế bất khả xâm phạm. Ông hoàng Perez không thể đụng đến anh dù ông có quyền lực thế nào đi nữa. Đơn giản, sau lưng Raul là cả một lực lượng madridisti hùng hậu với tiếng nói của công luận. Raul nhận thức rất rõ về vị thế ấy và không thể phủ nhận là anh đã khéo léo sử dụng nó như một điểm tựa vững chắc cho sự nghiệp. Anh đã trở thành một quyền lực vô hình với sức mạnh vô biên mà không một cầu thủ Real nào dám chống lại. Quyền lực ấy đã “ám sát” thành công sự nghiệp ở Bernabeu của rất nhiều tài năng mà Anelka là cái tên điển hình nhất. Đó là một mảng tối của Raul, một mảng tối không bao giờ anh có thể gột sạch. Lẽ ra, Real đã có thể vững mạnh hơn nhiều với sự bền bỉ đến từ tiềm năng của một CLB vĩ đại nhưng nó đã không đạt được cái đỉnh ấy cũng bởi một phần từ "quyền lực đen" của mảng tối Raul.

Mùa bóng 2009/2010, Real trắng tay nhưng đã thể hiện một lối chơi có thể nói là xuất sắc. Và cũng chính trong mùa bóng ấy, Del Bosque trở lại nghiệp huấn luyện với cương vị HLV trưởng TBN. Raul từng được hy vọng sẽ quay lại đội tuyển khi cánh hẩu của mình nắm quyền tuyển trạch. Nhưng Del Bosque tỉnh táo không để cái tình níu kéo cái nghiệp. Và TBN vô địch thế giới, lần đầu tiên, như họ đã vô địch châu Âu 2 năm trước đó, một chức vô địch không Raul. Người ta càng hiểu rõ hơn, tại sao với một Raul tài năng như thế, TBN không thể lên hương dù xoay quanh anh lúc ấy cũng vẫn là những hảo thủ đẳng cấp thế giới. Đó là một mảng tối khác nữa của Raul bởi có anh, tuyển TBN chưa bao giờ đoàn kết. Dễ hiểu, anh là một biểu tượng của Madrid không chỉ trong bóng đá mà còn trong cả văn hóa lẫn chính trị, một thứ chính trị bị nâng tầm từ những điều bình thường.

Real đã từng có những biểu tượng như Di Stefano, Santillana nhưng biểu tượng “home-grown” (trưởng thành từ CLB) như Raul thì quá hiếm hoi. Trước Raul, chỉ có Butragueno mà thôi và sau anh là ai? Casillas đang sừng sững ở Bernabeu trong tư thế dấu chấm sót lại của galactico đầu tiên. Nhưng bóng đá của Real là thứ bóng đá tấn công và người Madrid luôn cần đến một biểu tượng tấn công chứ không phải phòng ngự. Raul ra đi, Real phải vật vã với nhiệm vụ tìm kiếm và bồi đắp một biểu tượng tấn công home-grown mới sẽ chính là khoảng tối mà anh để lại. Không có Raul, sức ép lên những cầu thủ trẻ như Benzema, Higuain, Di Maria sẽ được giảm thiểu nhưng ai sẽ trở thành một xương sống mới cho văn hóa bóng đá Bernabeu mới là câu hỏi lớn. Perez chỉ có vài năm để tạo dựng điều đó, điều mà Loranzo Sanz đã thực thi một cách xuất sắc.

Bỏ lại tất cả những sáng - tối sau lưng mình, Raul đã ra đi trong nước mắt. Và bất chấp việc dấu ấn của anh ở Bernabeu lẫn bóng đá TBN có cả tích cực lẫn tiêu cực đi chăng nữa, anh vẫn mãi xứng đáng là một trong những madridista eterno mà người Madrid không bao giờ có thể gạt ra khỏi trí nhớ, nhất là khi anh đã ghi một “bàn thắng” cuối cùng cho Real, một bàn thắng vĩ đại hơn cả trăm bàn thắng mà anh đã cùng Real để vinh danh Chúa nhẫn…

Hà Quang Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm