15/05/2023 06:23 GMT+7 | SEA Games 32
Gần đây, tờ Bưu điện Phnom Penh (Phnompenh Post) vừa công bố kết quả một cuộc khảo sát do các nhà phân tích toàn cầu Gallup tiến hành mà ở đó ghi nhận Campuchia là quốc gia buồn nhất ở Đông Nam Á, với 42% số người dân Campuchia được hỏi đều nói rằng họ đã trải qua những nỗi buồn. Philippines đứng thứ hai trong danh sách này với 34% số người được hỏi cảm thấy muộn phiền.
Cuộc khảo sát của Gallup được tiến hành trên các khía cạnh về mức độ căng thẳng, tức giận và buồn bã. Nhưng thực tế là cuộc khảo sát này được thực hiện trước khi SEA Games 32 bắt đầu và 42% số người buồn bã ở Campuchia, theo phân tích của một chuyên gia tâm lý có tiếng ở Campuchia thì đó là do sự mất cân bằng về kinh tế và thiếu chăm sóc sức khoẻ tinh thần.
Nhà trị liệu tâm lý hàng đầu đấy là Yim Sotheary cho biết, sự mất cân bằng trong tăng trưởng kinh tế của Campuchia là những yếu tố chính góp phần khiến người dân buồn bã, vì tăng trưởng kinh tế quá cao dẫn đến mất cân đối, một số rất giàu và một số thì nghèo. Ông cũng quyết đoán rằng, sức khoẻ tinh thần đã không được quan tâm đúng mức.
Nhưng nếu cuộc khảo sát được thực hiện ở thời điểm này, khi SEA Games 32 đang kéo hàng triệu người Campuchia tới các nhà thi đấu, nơi mà hàng nghìn người dân nước này xếp hàng chật cứng để nhận những tấm vé miễn phí vào các điểm tranh tài thì nó sẽ là một câu chuyện khác.
Chúng tôi, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam nhớ rằng, sau thất bại ở trận chung kết hạng cân Ne-Waza GI hạng 52kg của nữ, Jessa Khan đã nói thật sự biết ơn những người dân đã hết lòng ủng hộ ngay cả khi cô để thua như vậy và cảm thấy tự hào vì cả đất nước Campuchia luôn ở bên cạnh.
Jessa Khan đã trở lại nước Mỹ với sự bình yên vì được yêu mến ở xứ sở này. Đó là sự trân trọng xuất phát từ sự cảm thông và tình cảm chân thành của cả Jessa Khan và những người dân Campuchia. Điều mà những vận động viên Việt Nam muốn nhận được từ phía người hâm mộ sau những thất bại mà họ đã phải tự mình gánh chịu dù đã dốc hết sức lực và đốt cháy từng giọt mồ hôi với hi vọng mang về chiến thắng cho đất nước và cho chính bản thân.
Thể thao đỉnh cao luôn cần có thành tích. Hơn bất cứ ai, những vận động viên, những HLV và những nhà quản lý hiểu được ý nghĩa thành công có giá trị thế nào với sự đầu tư lớn về tất cả những khía cạnh để đạt được một chỉ số quan trọng về thành tích mà cuối cùng, nó được biểu hiện bằng một tấm huy chương.
SEA Games chỉ là một trong số những thước đo đánh giá tiến trình phát triển của một vận động viên, ở đó tất cả những người có liên quan đến đại hội đều có thể bộc lộ những hạn chế, thiếu sót và những sai số không lường trước nhưng đó cũng là cơ hội để khắc phục những điểm yếu, tích luỹ kinh nghiệm, bồi đắp những điểm mạnh để hướng tới những mục tiêu lớn hơn là ASIAD hay Olympic đang cận kề.
Ca ngợi một chiến thắng luôn dễ dàng và những người yêu thể thao Việt Nam là những người giỏi nhất cho việc đó. Nhưng cũng như vậy là việc than trách hoặc thậm chí là chỉ trích nặng nề thất bại của một tập thể, một vận động viên khi họ không đạt được thành công như mong đợi, như những gì mà đội tuyển U22 Việt Nam vừa trải qua là điều gì đó rất đáng tiếc.
Thất bại đã là một nỗi buồn nhưng khi bị "ném đá" lại trở thành một nỗi đau!
Có phải chúng ta đã thiếu đi sự thấu hiểu và rộng lượng cần thiết khi đánh giá một thất bại nào đó của các vận động viên đang tranh tài ở SEA Games 32, vì một chiến bại cũng cần được trân trọng như một chiến thắng khi họ đều thi đấu để quốc kì Việt Nam được bay lên ở mỗi cuộc tranh tài.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất