Lễ khai mạc Asian Games 16: Lạc chốn tiên bồng

13/11/2010 08:02 GMT+7 | ASIAD 2010

(TT&VH) - Cho dù kịch bản lễ khai mạc đã nhiều người tỏ tường nhưng chúng ta không khỏi sững sờ trước đại tiệc âm thanh, sắc màu và triết lý nền văn hóa Lĩnh nam đã để lại cho Quảng Châu, được chủ nhà chuyển tải quá sâu sắc đêm qua.

Ấn tượng đầu tiên đập vào mắt người xem đấy là sự kỳ vĩ của Tháp truyền hình Quảng Châu, tháp truyền hình cao nhất thế giới nằm ngạo nghễ bên dòng Châu Giang thơ mộng. Những màn pháp hoa tưng bừng phủ lấy ngôi tháp được coi là biểu tượng mới của người Quảng Châu. Còn gì tự hào hơn với người dân Quảng Châu bởi toàn bộ những hình ảnh về Asian Games 16 đều được truyền đi khắp năm châu bốn biển, từ công trình còn thơm mùi vôi vữa này. Trung Quốc đã đầu tư kinh phí 122 tỷ nhân dân tệ (khoảng 20 tỷ USD) cho Asian Games 16 và Para Games 2010. Trong đó, những công trình phục vụ dân sinh sau đại hội, trên cả là diện mạo ông lớn của Trung Quốc tiếp tục được khẳng định một cách bền vững.

Sông Châu Giang là một phần trong lễ khai mạc rất độc đáo và ấn tượng. Ảnh: Quốc Khánh
Lễ khai mạc một lần nữa nói lên trình độ tổ chức các sự kiện của Trung Quốc đã đạt đến mức thượng thừa. Hai bên bờ sông Châu Giang thực sự đưa khán giả lạc vào cõi tiên bồng bởi những màn biểu diễn nghệ thuật có một không hai, kết hợp giữa kỹ xảo và khả nằng diễn đạt ý tưởng con người. Vai trò của diễn viên vẫn là trên cả, cùng tính bất ngờ trong những màn biểu diễn nghệ thuật đấy là “đặc sản”,  làm nên sự khác biệt của Trung Quốc, của văn hóa phương Đông trong những kỳ Đại hội thể thao lớn.

Chủ đề nước tái hiện con đường tơ lụa trên biển được khắc họa vừa lãng mạn vừa dữ dội, vừa bi tráng vừa mềm mại. Trương Kiên, một vị quan sống ở thời Hán Vũ Đế trong hành trình đi tìm người Nguyệt Chi ở phía Tây đã khám pha ra nhiều con đường, sau đó ông liên kết chúng lại thành một con đường huyết mạch nối Trung Hoa rộng lớn với các nước Tây Á kỳ bí. Chính con đường này đã mở ra một thời kỳ thông thương buôn bán sầm uấp của các “thương nhân lạc đà”, mở ra một hành trình hòa trộn văn hóa, tôn giáo đa dạng.

Đến thời nhà Minh, con đường tơ lụa dần khép lại do triều đình đánh thuế cao. Nhưng thay con đường tơ lụa trên bộ, vào thế kỷ thứ 7, một con đường tơ lụa khác hình thành theo đường thủy với điểm khởi phát chính là Quảng Châu ngày nay. Con đường tơ lụa trên biển đã mang hàng hóa của Trung Hoa ra khắp thế giới và ngược lại.

Lễ khai mạc Asian Games 16 kéo dài trong 100 phút quá ấn tượng. Xin chào Quảng Châu. Xin chúc cho TTVN thi đấu thành công trong chuyến ra biển này.

HỮU QUÝ (Từ Quảng Châu)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm