Thư gửi robot Citizen: Sẻ chia sự sống

15/05/2020 07:08 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Phi công người Anh nguy kịch, sử dụng máy thở không còn hiệu quả

Phi công người Anh nguy kịch, sử dụng máy thở không còn hiệu quả

Sáng 11/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cho biết, bệnh nhân 91 (43 tuổi, phi công người Anh của Vietnam Airlines) đang trong tình trạng nguy kịch, sử dụng máy thở không còn hiệu quả.

Câu chuyện về bệnh nhân mắc Covid-19 số 91 - nam phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM - liên tục được nhắc đến trong những ngày gần đây. Các bác sĩ tiên lượng sức khỏe của bệnh nhân này đang rất xấu và ghép phổi được nhắc đến như là cơ hội cuối cùng.

Thông tin từ Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, ít nhất đã có 2 người - trong đó có một phụ nữ ngoài 40 tuổi và một cựu chiến binh ngoài 70 tuổi, mong muốn được hiến phổi để cứu bệnh nhân người Anh này. Nhanh chóng, số người liên lạc với Trung tâm bày tỏ mong muốn hiến một thùy phổi còn tiếp tục tăng lên…Họ đều là người Việt Nam, không quen biết bệnh nhân 91.

Sophia biết không, cách đây chưa lâu, tôi đọc được một bài viết nói về những phẩm chất làm người. Những phẩm chất này mang cái riêng, chỉ có ở con người và được hình thành nên do di truyền, do giáo dục, rồi tác động của môi trường sống… cùng quá trình tự vươn lên, tự hoàn thiện bản thân. Đứng đầu trong những phẩm chất này chính là lòng trắc ẩn, thể hiện ở sự cứu giúp đồng loại khi gặp khó khăn, thiếu thốn, tai nạn, bệnh tật… Đây được coi là phẩm chất cao quý nhất, đặc biệt nhất của con người.

Tại Việt Nam chúng tôi, câu chuyện về lòng trắc ẩn này không chỉ được thể hiện giữa những “đồng bào” với nhau mà còn cả với người nước ngoài. Dẫn chứng cho điều này có lẽ không gì hay hơn là kể với cô câu chuyện một người Việt Nam đã hiến một quả thận cho HLV A.Riedl vào năm 2007.

Chú thích ảnh
Một ca phẫu thuật. Ảnh: TTXVN

Tôi còn nhớ, ông A.Riedl làm HLV trưởng của đội tuyển bóng đá Việt Nam đến 3 nhiệm kỳ. Khi phát hiện căn bệnh suy thận mãn tính của mình ngày càng xấu đi, ông buộc phải công khai tình trạng sức khỏe bằng một cuộc họp báo tại Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Thông tin ông cần phải ghép thận được phát đi trên toàn quốc.

Còn nhớ khi đó, việc tìm kiếm người hiến thận phù hợp với thể trạng của vị HLV này gặp nhiều khó khăn. Bởi vì thời điểm ấy, hai quả thận của ông Riedl, một đã hỏng tới 80%, một cũng đã hỏng tới 40%, cho nên phải cần một quả thận khỏe của những người có độ tuổi khoảng 30. Sau quá trình sàng lọc những người tình nguyện, một thầy giáo 34 tuổi người xứ Thanh - là người hội tụ đủ các tiêu chí, đã đồng ý tặng ông “báu vật” của mình cho ông A.Riedl với tinh thần: “Coi như một kỷ niệm và nó sẽ khiến ông ấy nhớ mãi tới Việt Nam”. Ca phẫu thuật tiến hành sau đó thành công mỹ mãn để từ đó ông A.Riedl đã coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình.

Chưa biết là người cựu chiến binh và người phụ nữ mong muốn hiến phổi có đáp ứng được yêu cầu của bệnh viện, có được toại nguyện theo ý của mình không, nhưng đó chính là những chia sẻ thiện tâm rất đáng trân trọng, là nguồn động viên, khích lệ ngành y tế rất nhiều trong việc cố gắng cứu chữa những bệnh nhân hiểm nghèo, bất kể người ấy là ai. Đấy cũng là ví dụ chân thực về tình người, về lòng trắc ẩn - một tính cách tốt đẹp của người Việt chúng tôi. Những hành động này cũng thể hiện rằng tinh thần “chống dịch như chống giặc”, với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do dịch bệnh.

"Chúng tôi rất xúc động trước đề nghị chân thành của 2 người tình nguyện đó, nhưng trong điều kiện hiện tại không thể nhận phổi hiến tặng từ người cho còn sống, nhất là người cựu chiến binh đã lớn tuổi. Nguồn phổi hiến tặng đang được tìm từ những người chết não” - các bác sĩ cho biết.

Sophia thân mến!

Hiến tạng cứu người là một nghĩa cử cao đẹp. Tại Việt Nam chúng tôi nhiều năm trở lại đây, số người đăng ký hiến mô tạng tăng lên rất nhiều. Ngay cả thời điểm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người dân vẫn gửi đơn đăng ký hiến tạng qua đường bưu điện. Những nghĩa cử này đã trở thành một phong trào nhân đạo cao cả trên khắp cả nước. Ngành ghép tạng của Việt Nam cũng đã có nhiều kỳ tích, nhiều cống hiến trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Tôi nhớ vào năm 2014, tại một buổi lễ tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã phát biểu rằng: “Khi sự sống được sẻ chia, cuộc đời sẽ tiếp diễn”.

Hy vọng là cuộc đời của bệnh nhân số 91 người Anh sẽ tiếp diễn.

Xin chào Sophia, hẹn gặp lại thư sau.

Xuân An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm