16/11/2018 07:20 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Những nghề nào được coi là nghề cao quý bậc nhất trong xã hội, Sophia nhỉ? Rất khó để trả lời phải không, bởi nó phụ thuộc vào quan điểm của mỗi người.
Nếu ta chọn đáp án là nghề dọn dẹp vệ sinh thì mọi người sẽ tỏ thái độ sao nhỉ? Sở dĩ, tôi đặt câu hỏi này, vì trong những ngày vừa qua, chuyện thành lập Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam ngay lập tức đã gây ra một cơn bão trong cộng đồng mạng chỉ vì… cái tên.
Có người mang tên gọi đó ra châm biếm, đùa cợt. Tất nhiên, ta cũng không nên nâng cao quan điểm cho rằng như thế là kỳ thị đối với lĩnh vực này mà đơn giản là do họ chưa hiểu hết ý nghĩa của “nhà vệ sinh”.
Nhưng hãy nhìn thực tế, nhà vệ sinh thực sự là một trong những vấn đề xã hội nhức nhối ở nước ta. Ngay trong phiên họp Quốc hội đang diễn ra, người đứng đầu Bộ Y tế nói một câu ấn tượng: “Bệnh viện nào nhà vệ sinh bẩn là giám đốc đó ở bẩn”.
Để nhà vệ sinh không bẩn thì bên cạnh việc đầu tư về chất lượng xây dựng, trang thiết bị, chắc chắc không thể thiếu được sự chăm lo về con người, trong đó có việc coi trọng những người làm nghề dọn dẹp vệ sinh.
***
Xin kể cho Sophia một câu chuyện không chỉ liên quan đến Việt Nam. Cách đây khá lâu, tôi có ngồi trò chuyện với một dịch giả tên tuổi, biết anh sống ở nước ngoài lâu năm nên chúng tôi chọn chủ đề về nghề nghiệp. Đại khái là xem ở nước ngoài và Việt Nam người ta coi trọng và đánh giá cao nghề nghiệp nào?
Anh chậm rãi nói rằng: Ở Đức người ta xếp hàng tôn trọng nghề như sau: Đầu tiên là bác sĩ - người có thể cứu sống anh khi có bệnh sắp chết, hai là nghề giáo viên - người cho anh kiến thức vào đời, ba là cảnh sát - người bảo vệ cho anh cuộc sống bình yên và tiếp theo là những người làm việc ngoài trời, phải chịu đựng khó khăn vất vả…
Sau này khi làm việc với người Nhật nhiều, tôi để ý thấy họ không lựa chọn nghề nào là cao quý nhất hay nhì, mà đối với họ, người lao động có ích cho xã hội thì đều được tôn trọng. Đặc biệt những người làm công việc liên quan đến môi trường, làm sạch, dọn dẹp vệ sinh thì người Nhật rất trân trọng. Thậm chí họ còn nâng cấp nghề này lên thành một ngành dịch vụ gọi là dịch vụ “làm sạch môi trường” - có thể hiểu là môi trường sống hay là môi trường sinh hoạt hoặc làm việc đều được.
Làm sạch đối với người Nhật là cả một nghệ thuật chứ không chỉ đơn thuần là quét, hốt, đổ rác hay phế thải. Theo dõi quy trình làm sạch các khu vệ sinh tại các siêu thị, nhà hàng, khu chung cư thì mới thấy rằng những người làm nghề này phải có các tố chất cần thiết chứ không đơn giản là chịu khó hay nhiệt tình là đủ.
Họ phải để ý học hỏi, phải nắm bắt quy trình tẩy rửa, phải có kiến thức về các vật liệu liên quan đến nội thất, đến đồ gia dụng, kiến thức cơ bản về môi trường, hiểu được tác hại, sự lây nhiễm, ô nhiễm của các loại rác phế thải để phân tách khi thu gom chứ không đơn giản là cho vào một túi rồi quẳng đi.
Để lau chùi một tấm kính, mấy cái tay vịn bằng inox cũng phải hiểu được dùng loại khăn gì, màu sắc phân biệt ra sao chứ không phải cứ giẻ lau sạch là được. Không phải ngẫu nhiên mà có những chiếc khăn lau người ta phải chuyển từ bên Nhật sang để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Nghề nào đóng góp tích cực cho xã hội cũng là nghề cao quý, và người làm nghề đó xứng đáng được tôn trọng, nếu làm việc một cách chuyên nghiệp, hết sức mình theo các tiêu chuẩn nghề nghiệp đã quy định.
Nói chung trên thế giới này, lao động luôn luôn được coi là vinh quang, dù đó là công việc gì đi chăng nữa chứ không hẳn phải là ngồi văn phòng hay làm trong tòa tháp này kia. Cái quan trọng là phải yêu quý và tôn trọng nghề mình làm, phải không Sophia?
Tôi nghĩ như vậy, Sophia thử đưa vào Big Data của mình để phân tích xem có đúng không?
Hẹn gặp thư sau!
Xuân An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất