Thư gửi robot Citizen: Mỳ ăn liền và bữa cơm gia đình

25/10/2019 07:18 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!

Xem chuyên đề "Thư gửi robot Citizen tại đây"

Sôi nổi các hoạt động văn hóa Ngày hội gia đình Việt Nam

Sôi nổi các hoạt động văn hóa Ngày hội gia đình Việt Nam

Nhân Ngày hội Gia đình Việt Nam 2011, Bộ VH, TT&DL và UBND TP Hà Nội đã tổ chức một chuỗi các chương trình văn hóa đặc sắc từ ngày 25 đến 28/6.

Vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng tình việc bổ sung một ngày nghỉ trong năm và đề xuất chọn ngày Gia đình Việt Nam (28/6).

Thật là một tin vui, Sophia ạ, bởi nếu điều này thành hiện thực, thì chúng ta sẽ có thêm một ngày nghỉ lễ mới, có ý nghĩa đặc biệt nhằm “Tôn vinh Ngày gia đình, hướng tới các giá trị truyền thống”.

Nhân đây, tôi lại liên tưởng tới một con số thống kê cũng vừa được đưa ra tuần trước. Hiệp hội Mì ăn liền Thế giới (WINA) ước tính trong năm 2018 người Việt Nam tiêu thụ 5,2 tỷ gói mì ăn liền, xếp thứ 5 thế giới về lượng tiêu thụ mì gói trong năm. Nếu tính dân số 95 triệu dân vào năm 2018 thì trung bình một người Việt Nam ăn gần 55 gói mì một năm, cao hơn cả các quốc gia dẫn đầu về lượng tiêu thụ mì gói là: Trung Quốc (31 gói), Indonesia (46,4 gói), Nhật Bản (45,8 gói).

Mì gói (hay còn gọi là mỳ ăn liền) là một trong những món ăn nhanh được biết đến từ Nhật Bản từ năm 1958. Gói mì đầu tiên trong đời tôi được ăn là vào năm 1976, khi ấy bố tôi có chuyến công tác từ trong TP.HCM ra, đem theo mấy gói mỳ "Vị Hương". Tôi vẫn còn nhớ cái mùi thơm tỏa ra cả từ… bao gói khi vừa bóc ra lấy mì cho vào bát. Cái mùi thơm ấy khiến chúng tôi trong lúc chờ mì chín cứ hít hà thích thú. Cuộc sống nhiều khó khăn, ít sự lựa chọn nên chả cần cho thêm rau, thịt bò hay đập thêm quả trứng vào mà sao bát mì vẫn cứ ngon thế chứ.

Chú thích ảnh
Ảnh: Internet

Khi cuộc sống đã khấm khá lên, những tưởng rằng mì gói chỉ là giải pháp “đóng thế” cho những bữa ăn đột xuất. Nhưng không phải, mì gói cứ thế len lỏi vào các bữa ăn hàng ngày, thậm chí còn được tiêu thụ nhiều hơn so với trước đây.

Sophia biết không, tôi cũng là một "tín đồ" của mì gói. Đầu tiên mì gói được lựa chọn vì giá thành rẻ, dễ chế biến, chỉ đun nước sôi đổ vào bát mì, chờ khoảng 5 phút là ăn. Khẩu vị của nó hầu như phù hợp với nhiều lứa tuổi, ai cũng có thể ăn được. Từ trẻ con ăn sáng đi học, dân lao động nghèo dùng bữa trưa, rồi đến cả bữa tối của nhiều sinh viên. Nhiều nhân viên văn phòng những hôm thời tiết khắc nghiệt, ngại ra ngoài đi ăn trưa, cũng tranh thủ làm gói mì tại bàn làm việc, thế là xong bữa.

Ngay cả rất nhiều cán bộ công chức đi công tác nước ngoài, rồi các vận động viên thể thao khi đi thi đấu quốc tế, thậm chí cả các gia đình khi đi du lịch cũng “thủ” mì gói trong hành lý mang theo. Có lẽ thói quen ăn uống đó đã thành “khẩu vị” rồi.

Bây giờ, cuộc sống “nhanh và bận rộn”, ai cũng ngại cảnh nấu nướng lì lụt nên có xu hướng chọn giải pháp ăn mì gói hoặc các thứ đồ ăn nhanh khác cho tiện, muốn hoành tráng thì dắt nhau đi ăn tiệm...

Hậu quả là các bữa cơm gia đình dần bị "cắt giảm" tối đa (hầu hết các gia đình hiện nay chỉ sum họp với nhau vào bữa tối). Cơ hội để rèn rũa con cái các kỹ năng nấu nướng tối thiểu, chưa nói đến dạy "nữ công gia chánh", thật vô cùng hiếm hoi. Và rồi ngay bữa tối "thần thánh" ấy cũng tiếp tục bị đe dọa bởi lịch học thêm của con cái, lịch buôn bán của mẹ, lịch "quán xá, bia rượu" của ông bố, nên mì gói hay đồ ăn nhanh vẫn là giải pháp bổ sung đắc dụng.

Vì thế, trong trương lai, nếu có một ngày nghỉ lễ 28/6 - Ngày Gia đình Việt Nam, tôi hy vọng mọi người sẽ đón ngày đó bằng những bữa cơm gia đình thật sự đầm ấm hay những chuyến đi mà mọi thành viên trong gia đình đều dành trọn thời gian để chăm sóc cho nhau, từ cái ăn, cái uống...

Phải vậy không Sophia? Xin tạm biệt và hẹn gặp lại thư sau!

Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm