Thu gần 400 tỷ đồng tiền bản quyền tác giả âm nhạc trong năm 2024

08/01/2025 16:19 GMT+7 | Giải trí

Năm 2024, tổng số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thu là trên 393 tỷ đồng, tăng 14,2% so với năm 2023. 

Thông tin trên được Nghệ sỹ Ưu tú, nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết tại Lễ tổng kết hoạt động năm 2024, diễn ra ngày 8/1 tại Hà Nội.

Theo nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, trong tổng số trên 393 tỷ đồng tiền bản quyền thu được năm 2024, số tiền bản quyền thu được trên nền tảng số, qua các websites, ứng dụng nhạc đạt trên 305 tỷ đồng (chiếm 78%). Năm 2024, Trung tâm đã thực hiện chi trả bản quyền đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền là gần 257 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 1/2025, Trung tâm sẽ chi trả khoảng 94 tỷ đồng tiền bản quyền của quý IV/2024 đến các tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả.

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn cho biết, đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả thành viên, thời gian qua, Trung tâm đã khảo sát, thu thập tài liệu, chứng cứ, khởi kiện ra tòa nhiều vụ việc xâm phạm quyền tác giả, điển hình ở lĩnh vực sử dụng quyền biểu diễn, quyền sao chép. Đến nay, bộ phận pháp chế hai miền đã thực hiện tổng số 79 vụ kiện xâm phạm quyền tác giả, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, tranh chấp hợp đồng; hiện đã giải quyết xong 34 vụ, còn lại đang trong quá trình giải quyết; ngoài ra còn nhiều vụ việc và hàng trăm link trực tuyến (sao chép tác phẩm) hiện đang thu thập tài liệu, chứng cứ để xử lý vi phạm.

Thu gần 400 tỷ đồng tiền bản quyền tác giả âm nhạc trong năm 2024 - Ảnh 1.

Hình ảnh liveconcert "Anh trai vượt ngàn chông gai" Day 2. Ảnh minh hoạ: BTC

Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn chia sẻ, năm 2024, Trung tâm thường xuyên gặp khó khăn trong việc cấp phép sử dụng quyền, bảo vệ quyền ở lĩnh vực biểu diễn, do tình trạng xâm phạm quyền ở lĩnh vực tổ chức biểu diễn vẫn diễn ra phức tạp, bao gồm các show trong nước và các show quốc tế. Nhiều đơn vị còn thiếu ý thức tự giác, tự nguyện thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền, tìm mọi cách gây khó khăn, né tránh thực hiện nghĩa vụ. Hiện nay, hàng loạt chương trình vi phạm bản quyền đang trong quá trình xử lý xâm phạm theo thủ tục tố tụng.

Bên cạnh đó, đối với các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhà hàng, cà phê, khách sạn (sử dụng nhạc nền), hiện còn rất nhiều đơn vị vẫn né tránh thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả. Lĩnh vực truyền hình trả tiền còn nhiều đơn vị đang trì hoãn việc thực hiện…

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường sử dụng âm nhạc thực tế và các quy định về mặt quy hoạch quản lý quyền tác giả chưa được triệt để, Trung tâm đang đối mặt với nhiều xung đột quyền phát sinh từ các đơn vị khác. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động và tiến độ công việc của Trung tâm mà còn gây xáo trộn, phiền toái, rắc rối cho người sử dụng. Hậu quả lớn hơn là gây thiệt hại nghiêm trọng đối với các tác giả, khi nhiều người do thiếu cẩn trọng đã làm mất đi vĩnh viễn các quyền, lợi ích chính đáng, đánh mất tài sản quý giá là kết tinh của lao động sáng tạo - những tác phẩm âm nhạc, đứa con tinh thần của chính họ.

Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, năm 2025, Trung tâm tiếp tục tập trung cho hoạt động cấp phép sử dụng âm nhạc, duy trì và tăng nguồn thu nhập từ tiền bản quyền cho tác giả thành viên, tăng cường đối soát, xử lý dữ liệu để phân phối, chi trả tiền bản quyền đến các tác giả, chủ sở hữu. Trung tâm cũng sẽ tích cực hơn nữa trong việc rà soát, khảo sát thị trường sử dụng âm nhạc, xử lý vi phạm về quyền tác giả, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả thành viên; chú trọng đến công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên, tổ chức hòa giải khi có tranh chấp và kiến nghị của các tác giả thành viên…

Chia sẻ tại sự kiện, Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Ở nhiều quốc gia, công nghiệp bản quyền được xem là hạt nhân của công nghiệp văn hóa, vì thế đối với lĩnh vực âm nhạc, trong những năm vừa qua, chúng ta đã làm rất tốt việc này, đặc biệt là có vai trò hết sức quan trọng của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, một trong những trăn trở đối với tất cả mọi người là làm sao sống được bằng nghề của mình, để có thể dành toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp sáng tác và xã hội được hưởng lợi từ sự toàn tâm toàn ‎ý đó. Muốn làm được như vậy, thì việc bảo vệ quyền tác giả phải được thực hiện thật tốt.

"Nhờ những nỗ lực của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thời gian qua, quyền lợi của rất nhiều tác giả đã được bảo vệ, các tác giả có thêm niềm tin không chỉ đối với hoạt động của trung tâm, mà còn có niềm tin vào sự nghiệp sáng tác của mình. Điều này đã truyền cảm hứng cho toàn xã hội, đặc biệt là trong việc phát triển một nền âm nhạc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hướng ra thế giới chuyên nghiệp hơn", ông Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Phương Lan/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm