Thư châu Âu: Trẻ em châu Âu trải nghiệm làm người di cư

05/06/2016 08:32 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,

Đấy là một ngày không bình thường ở ngôi trường Gianbatista Valente ở rìa ngoại ô Rome.

Hôm ấy, bọn trẻ ở các lớp lứa tuổi từ 11 đến 13 không phải học chính khóa, mà tham gia một chương trình đặc biệt có tên gọi Pianeta Migranti (Hành tinh người di cư) của CIES, một tổ chức nhân đạo về quyền của người di cư và xin tị nạn.

Mục đích của chương trình là giúp bọn trẻ hiểu được tình cảnh, nỗi khổ ải và rất nhiều thử thách mà mỗi năm, hàng trăm nghìn người di cư từ các nước Châu Phi và Trung Đông đã đối mặt trên những con thuyền rách nát và cũ kĩ tròng trành vượt biển trên hành trình đầy nguy cơ sang Châu Âu, hoặc trên những con đường bộ xuyên Balkan để đến các nước Bắc Âu.

Vài trong số những bạn học của chúng ở trường này là con của những người di cư đã sang Italy theo cách ấy, và chúng có lẽ hiểu điều này hơn những đứa trẻ Ý đã và đang được sống trong hòa bình yên ấm kia.

Lên xuồng cao su, đối mặt với bọn buôn người

Bọn trẻ sẽ phải làm gì? Chúng sẽ bước vào một phòng học lớn không hề có bàn ghế, và trước mặt chúng, những chiếc xuồng cao su lớn được đặt sẵn. Chúng sẽ lần lượt được người của CIES, trong vai của những kẻ buôn người trùm kín mặt với ánh đầy căng thẳng, xếp chỗ trên đó. Sau khi lũ trẻ ổn định chỗ ngồi, cửa sổ lớp học đóng lại, bóng tối bao trùm lấy tất cả.


Tổ chức nhân đạo CIES đang thực hiện trò chơi giả lập cho các học sinh cấp 1,2 ở Rome để chúng hiểu được những khổ ải của người di cư trong hành trình vượt biển

Từ một chiếc loa đặt ở cuối phòng vang lên tiếng sóng biển. Một "kẻ buôn người" gắt gỏng một học sinh 13 tuổi vì không chịu ngồi yên trên xuồng, và có thể khiến nước tràn vào.

Thế rồi một giọng nói khô khốc cất lên ra lệnh: "Tất cả im lặng. Hãy ngồi im, đầu cúi thấp. Chúng ta đang ở giữa biển và hành trình sẽ diễn ra suốt đêm nay. Đến gần bờ cũng là lúc nhiều rắc rối nhất. Hãy chỉ làm những gì chúng tôi ra lệnh".

Bọn trẻ lúc đầu còn nghĩ đây là một trò chơi vui thông thường. Có đứa khúc khích cười, có đứa đùa cợt với đứa khác ngồi phía sau. Nhưng khi ánh sáng tắt, tiếng sóng vang lên, tiếng "bọn buôn người" gắt gỏng và quát tháo ầm ỹ, chúng im lặng, không dám nói lời nào nữa.

Cho đến những khổ ải trên đất khách, kể cả bán dâm

Chuyến đi thành công mà không gặp tai nạn nào sau khi được hải quân Italy cứu trên biển. Bọn trẻ-người xin tị nạn được đưa đến cảnh sát để lấy dấu vân tay.

Một số được công nhận là người tị nạn và được tiếp nhận tại Italy, một số bị đưa vào danh sách trục xuất và một số khác lại rơi vào tay của bọn buôn người một lần nữa, lần này là bị khai thác và bóc lột trong các trang trại mới mức lương vô cùng rẻ mạt.

"Bọn buôn người" cũng xuất hiện và đề nghị người "di cư" không muốn quay trở về nơi xuất phát làm những công việc như bán hoa hồng, bán các túi xách nhái đồ hiệu. Nhưng cũng có những trẻ di cư bị chúng ép phải bán dâm.


Năm ngoái, đã có hơn 1 triệu người di cư ồ ạt đổ vào Châu Âu, hầu hết bằng đường biển.

Một "tú bà" tóc vàng xuất hiện: "Chúng mày sẽ phải làm việc từ 10 giờ tối đến 7 giờ sáng. Cứ 10 euro chúng mày nhận được từ khách, 7 thuộc về tao, 2 thuộc về khách sạn và 1 là của chúng mày. Những chúng mày phải cười lên, đẹp lên. Chúng mày đang ở Italy".

Sau khi cửa sổ được kéo lên, bọn trẻ bắt đầu thảo luận về những kinh nghiệm mà chúng đã trải qua trong vai của những người di cư. Sau đó, một người tị nạn được mời đến trường sẽ nói cụ thể hơn những gì họ đã thực sự phải trải qua trong hành trình trên biển.

Đôi mắt trẻ thơ nhìn vào thế giới

Cứ thế, đôi mắt, cái đầu và trái tim của những đứa trẻ đã mở ra đối với một vấn đề lớn như thế mà nước Ý nói riêng và Châu Âu đang phải đối mặt trong những năm qua, khi cuộc khủng hoảng di cư đang xảy ra, đẩy cả hệ thống Châu Âu vào những vấn đề nghiêm trọng, từ nguy cơ khủng bố cho đến tình trạng phân biệt đối xử với người nước ngoài ngày càng tăng.

Bọn trẻ có thể chưa đủ nhận thức về những vấn đề chính trị phức tạp đằng sau làn sóng người di cư ồ ạt ấy sang Châu Âu, nhưng chúng có thể hiểu được những nguyên nhân đã thúc đẩy họ làm tất cả những gì có thể để vượt biển, đến những vùng đất mà họ hy vọng có thể tìm thấy một cuộc sống mới. Bọn trẻ cũng hiểu hơn về những hiểm nguy rình rập những đứa trẻ cùng trang lứa cũng có mặt trong chuyến đi bão táp ấy.


Bức ảnh về chú bé Aylan nằm chết trên bãi biển Bodrum đã gây rúng động thế giới vào tháng 9-2015.

Những đứa trẻ đó có số phận đen tối hơn, vì được sinh ra ở những vùng đất nghèo đói và chiến tranh.

Hàng vạn đứa trẻ trong số những người di cư kia đã cùng cha mẹ chúng liều mạng sống để vượt biển hoặc hàng nghìn cây số đường bộ trên hành trình tới miền đất hứa.

Hàng vạn đứa khác đến Châu Âu chỉ có một mình, vì hoặc chúng đi một mình, hoặc cha mẹ chúng đã chết trên hành trình gian khổ. Không ít trong số những đứa trẻ ấy đã rơi vào tay của những kẻ buôn người một lần nữa sau khi đặt chân an toàn đến Châu Âu. Nhiều đứa trẻ lại không có được may mắn của cuộc sống, khi nằm lại dưới lòng biển sâu, trong những tai nạn thường xuyên xảy ra trên biển, thường là trong đêm.

Tháng 9 năm ngoái, thế giới đã rúng động trước bức ảnh cậu bé Aylan 4 tuổi người Syria nằm chết trên bãi biển Bodrum của Thổ Nhĩ Kì.

Không xa bãi biển này là đích đến của gia đình cậu, đảo Lesbos của Hy Lạp, nước EU gần nhất, chỉ cách đó 3 hải lí. Ánh sáng của Châu Âu ở Lesbos có thể thấy lấp loáng phía xa trong bóng tối, nhưng nhiều người trong số họ đã bị biển đêm nuốt chửng. Kể từ ngày đó đến nay, đã có thêm 340 Aylan nữa trôi dạt trên sóng biển tại đây.

Năm nay, thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kì có hiệu lực, tuyến đường Balkan đã bị chặn lại, ước chừng sẽ có 300 nghìn người di cư vượt biển đến Italy, con số cao chưa từng có từ trước đến nay.

Bằng cách tham gia chương trình này, bọn trẻ hiểu hơn về những gì mà nước Ý và Châu Âu đang đương đầu. Đằng sau cuộc khủng hoảng này là những số phận con người, trong đó có số phận của biết bao đứa trẻ cũng đang ở tuổi cắp sách đến trường.

Vậy đó, học ở trường không chỉ là học trong sách vở, mà còn là ở cách người ta mang đời sống vào lớp học như thế để bọn trẻ hiểu hơn về thế giới mà chúng đang sống.

Hẹn gặp lại quý anh chị trong những bức thư sau.

Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm