03/05/2016 10:10 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Thưa quý anh chị,
Đấy là một đám tang buồn. Hôm ấy, chỉ có 6 người đến dự đám tang của của một ông lão trên 70 tuổi ở Francavilla Fontana, xứ Puglia, miền Nam Italy, nhưng 4 người trong số đó là nhân viên của một công ty tang lễ, một người chuyên giữ đồ thánh của nhà thờ và người còn lại là linh mục của xứ đạo San Lorenze Martire địa phương.
Ông lão qua đời vài ngày trước đó, trong một buổi chiều ảm đạm của tháng 4/2016, trong một bệnh viện nhỏ của địa phương. Ông không còn ai thân thiết trên thế giới này nữa, con không, cháu không, tóm lại không ai hết trên đời, ngoại trừ một người luật sư làm đại diện pháp luật cho ông. Trong nhiều năm, người đàn ông này sống trong một trại dưỡng lão ở Puglia và bệnh thận đã khiến ông không thể sống lâu hơn được nữa.
Sau khi ông chết, người luật sư gọi điện cho một công ty tang lễ và đề nghị lo hậu sự cho ông. Theo luật hiện hành, người ta có thể chôn ông lão mà không có bất cứ nghi lễ nào hết. Công ty tang lễ chỉ việc đưa quan tài đến nhà dưỡng lão, khâm liệm cho ông và rồi đưa ông ra nghĩa trang. Chấm hết. Nhưng họ đã không làm như thế. Anh em nhà De Cillis, những người chủ của công ty này cảm thấy họ không thể đối xử như thế với ông lão cô đơn.
Họ gọi điện cho cha xứ San Lorenzo Martire và đề nghị cha đến để cầu nguyện cho người quá cố. Nhưng cha xứ, một người rất nhân từ, đã quyết định là ngài không chỉ làm điều ấy, với việc rẩy một ít nước thánh lên quan tài, mà tổ chức hẳn một buổi lễ, với tất cả các nghi thức cần thiết.
Chi phí của buổi lễ được chính công ty tang lễ và luật sư của người quá cố trang trải, bởi số tiền tiết kiệm của ông lão quá ít ỏi để chi trả cho tang lễ, dù toàn bộ số tiền chỉ chừng 300 euro. Buổi lễ ấy đã diễn ra một cách xúc động, trong một sự im lặng như tờ của một nhà thờ lạnh lẽo. Bởi ngoài cha xứ và 5 người trên, không còn bất cứ ai khác tham dự.
Trong buổi lễ, cha xứ nói: "Trong xã hội chúng ta, đôi lúc, chúng ta phải đối mặt với một sự cô đơn thật đau lòng. Đấy là lúc ta từ giã cõi đời mà không có bất cứ ai bên cạnh. Nhưng hôm nay, người quá cố đã không chỉ có một mình vào giây phút này. Ông ấy đã có chúng ta".
Câu chuyện về sự ra đi của một con người mà khi sống cũng chỉ có rất ít người biết và khi chết cũng chẳng mấy ai hay ấy đã khiến nước Ý xúc động. Báo chí Ý đã thuật lại đám tang buồn bã nhưng không thiếu tình người này, và gợi nhớ lại những năm tháng quá khứ, khi người già neo đơn hoặc người nghèo khó chết đi mà không hề được đưa vào nhà thờ.
Tiếc là chuyện như thế xảy ra thường xuyên. Thỉnh thoảng lại có tin ai đó được tìm thấy đã chết trong căn hộ đã vài năm mà không ai hay được đăng trên báo chí. Không ai để ý đến họ hết, kể cả khi họ còn sống. Khi một ai đó chết trong cô đơn, luôn có một ý nghĩ bùng lên trong ta trong chốc lát: Điều gì đã xảy ra với con người đó, để họ ra đi trong cô quạnh?
Họ đã làm gì, đã có lỗi với ai, và đã để lại cho đời những gì, và tại sao chúng ta không để ý đến sự tồn tại của họ? Chúng ta sẽ không có được những câu trả lời một khi chúng ta đã vô cảm. Nhưng bản thân chúng ta cũng có lúc sẽ rùng mình nghĩ rằng, biết đâu, đến cuối đời, bản thân ta cũng rơi vào một hoàn cảnh tương tự như thế thì sao.
Hôm rồi, một người bạn già của tôi kể rằng, có một hôm, ông không thấy ông bạn hơn 70 tuổi của mình đi uống cà phê nữa, hôm sau cũng thế. Không ai biết điều gì xảy ra. Nhóm bạn già hay tụ tập ở một quán cà phê cách nhà tôi vài cây số ấy lục tục tìm đến nơi ông già kia ở.
Hàng xóm không ai biết điều gì đã xảy ra với ông ấy, vì nhiều người thực ra mải đi làm và kiếm sống, nên không để ý đến ông già có dáng người nhỏ thó nhưng rất hay cười ở khu chung cư rìa ngoại ô Rome ấy. Mãi sau mới có người bảo rằng, có một chiếc xe cấp cứu đã đưa ông lão đi. Ông ấy cũng đã chết trong căn hộ của mình, tivi vẫn bật, cốc cà phê trên bàn đã nguội, những tơi nhật báo thể thao rơi trên đi văng, còn để mở đúng trang nói về đội bóng Roma ông hâm mộ.
Người đàn ông ấy không có vợ con và thường lấy trại dưỡng lão và quán cà phê gần nhà để làm nơi giải trí trong ngày. Ông bạn già của tôi bảo: "Rồi một ngày tôi cũng phải sang thế giới bên kia. Và tôi cũng rất sợ phải đi một mình, không có ai nghe tôi trăng trối, hoặc ít ra là có thể tiễn đưa tôi tới mồ. Người Ý càng ngày càng trở nên thọ hơn, với tuổi trung bình cao nhất nhì châu Âu, thì càng sợ chết trong cô đơn hơn".
Nhưng khi những người cô độc giã từ cõi đời này, vẫn sẽ có ai đó cảm nhận được nỗi cô đơn ấy và không để họ ra đi trong sự lãnh lẽo của hồn người, như đám tang ở Francavilla Fontana. Như thế, cả người đã chết đi và người ở lại đều còn cảm thấy hơi ấm của trái tim. Dù có thể, họ chẳng hề quen biết nhau. Vì có lẽ, chính những người ở lại ấy cũng có nỗi sợ về một cái chết như thế.
Hẹn gặp lại anh chị trong các thư sau.
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất