Thứ Bảy, tới xưởng Tạ Huy Long

12/11/2021 08:50 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Ngày 12/11/2021, Xưởng Thứ Bảy chính thức khai trương không gian nghệ thuật của họa sĩ Tạ Huy Long với chủ đề Thứ Bảy, tới xưởng tôi chơi! trưng bày hơn 40 tác phẩm điêu khắc, sắp đặt, đồ nội thất và tranh sơn mài, màu nước, phác thảo...

Truyện tranh 'Cửa sổ' của Tạ Huy Long: Nỗi cô đơn của đứa trẻ phố cổ Hà Nội

Truyện tranh 'Cửa sổ' của Tạ Huy Long: Nỗi cô đơn của đứa trẻ phố cổ Hà Nội

Ngôi nhà cổ trong hẻm tối sâu là bối cảnh tuổi thơ của nhiều người Hà Nội, trong đó có họa sĩ Tạ Huy Long. Truyện tranh màu “Cửa sổ” đã “hình ảnh hóa” ước mơ của đứa trẻ muốn được tung bay như hàng vạn con châu chấu.

Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) giới thiệu bài viết về thế giới nghệ thuật Tạ Huy Long của TS Nguyễn Thị Quý Phương - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA)- nhà sáng lập Xưởng Thứ Bảy.

1. Dù biết Dế Mèn của họa sĩ Tạ Huy Long từ năm 2008, song đến tháng 7/2017 tôi mới gặp anh. Tôi ấn tượng bởi sự tỉ mỉ trong từng chi tiết ở từng tác phẩm tạo nên thế giới đồng chiêm nước trũng với những cô, bác, anh, chị, em côn trùng cá tính và sống động. Dự án gọi đầu tư làm phim hoạt hình từ Citigroup không thành, nhưng tôi nhớ mãi nét vẽ rắn rỏi, sắc sảo, không gian nhiều lớp, đa chiều cùng những đôi mắt côn trùng lay láy trong các tranh màu nước của Tạ Huy Long.

Chú thích ảnh
Tạ Huy Long tạo nên các tác phẩm bằng những chất liệu gần gũi với sự sử dụng hàng ngày: Gỗ, sắt, vải, da thuộc…

Gặp anh ở VCCA, tôi mời anh làm triển lãm dế mèn. Anh từ chối bởi dế mèn là một đề tài không mới. Rồi ý tưởng làm mới tác phẩm gần 80 năm tuổi để tạo nên những thế giới khác nhau trong không gian không giới hạn của VCCA chợt bật ra, và chúng tôi cùng hợp tác để triển lãm Chạm tới những thế giới mở cửa, đón khoảng 4.000 lượt khách mỗi ngày trong hơn 2 tháng đầu năm 2018.

Chạm tới những thế giới chính là chạm đến những cảm xúc tươi mới, mở ra những tưởng tượng muôn màu và nhìn từng lá cây bưởi, cây nhãn, ngọn thủy trúc, cọng cỏ tre, hạt bèo tấm, cánh bồ nông, đôi càng bọ ngựa...trong những hiển thị khác lạ, rực rỡ hoàn hảo đến kỳ thú.

Sau này, anh mời tôi tới xưởng chơi. Một vũ trụ của đồng dao và huyền thoại hội tụ trong 3 căn phòng nhỏ. Những va-li da cũ đựng hàng ngàn bản vẽ về hơn 4.000 năm lịch sử nước Việt và hàng triệu năm thần thoại. Những chú ngựa thú vị: Chú sơn mài màu đỏ là ngựa xích thố? Chú mang ngăn chứa bí mật là ngựa gỗ thành Troy? Chú được họa sĩ gọi đùa là “Ngựa điên” có bộ da màu nham thạch...

Chú thích ảnh
Một phác thảo trong hàng ngàn phác thảo ứng dụng Dế Mèn của Họa sĩ Tạ Huy Long

Những chiếc rương nhiều chất liệu được tạo hình chiến thuyền cổ chở những bức họa về các trận thủy chiến sắc nét như phù điêu. Và những chú dế tung cánh trên bức tường, vụt qua khung cửa; những chú dế xếp bộ cánh bằng da nhiều màu đứng lên nhau mở to những đôi mắt ngọc lục bảo, đôi mắt hổ phách nhìn những chú dế khác dựa tường làm chiếc kệ console (kệ trang trí) mở ra các ngăn chứa đồ đa dụng.

Với Tạ Huy Long, “cái đẹp thì hữu dụng”. Nên tác phẩm của anh không chỉ đẹp, mà còn dùng được như những vật dụng tiện ích. Anh tìm kiếm những chất liệu gần gũi với cuộc sống hàng ngày: Gỗ, sắt, vải, da thuộc… Những chất liệu thân quen ấy lưu giữ hơi thở, sự sống và ký ức thời gian. Mỗi miếng da là một sinh mệnh, mỗi tấm gỗ là một cuộc đời cây - mỗi sự sống ấy là một nguyên bản không lặp lại ở bất kỳ đâu. Anh thổi hồn cho những mảnh ký ức ấy, tạo nên cho chúng một sinh mệnh mới, một ý nghĩa mới, một sự hữu dụng. Và như thế, nguyên bản ấy sống tiếp, trong một nguyên bản mới được tạo nên từ đôi tay người nghệ sĩ.

Chú thích ảnh
Dế Mèn rắn rỏi với những búi cơ thép khỏe khoắn như phép ẩn dụ sắc lạnh sức mạnh của chàng võ sĩ

2. Anh Long luôn tỉ mỉ một cách kiên định - kiên định đến phi thường. Mỗi tác phẩm là điểm kết tinh của hàng trăm phác thảo và rất nhiều bản mẫu. Anh cứ làm đi làm lại, thử căn trên các phác thảo những sắc độ màu, những ganh, những tỷ lệ khác nhau cho đến một phiên bản hoàn thiện duy nhất.

Riêng với người bạn Dế Mèn, anh dành nhiều thời gian nhất. Trong suốt 19 năm, anh và Mèn - tên gọi thân thuộc anh vẫn dùng - làm bạn với nhau, trò chuyện với nhau qua hàng ngàn phiên bản. Mèn sống động lung linh trên những trang màu nước. Mèn rắn rỏi với những búi cơ thép khỏe khoắn như phép ẩn dụ sắc lạnh sức mạnh của chàng võ sĩ. Mèn tung đôi cánh bằng da khổng lồ trên bức tường như trên khoảng trời của riêng chú. Mèn vững chãi trong tạo hình của những kệ gỗ và hộp da mang những khoang đựng đồ ẩn giấu những điều bất ngờ nho nhỏ. Mèn có đếnhàng trăm hóa thân hoàn toàn khác nhau được chế tác từ chiếc xưởng nhỏ của anh Long, bằng những dụng cụ chạm, khắc, cắt, may do chính anh chế ra để có thể làm mới những chất liệu thường ở trong tay nghệ nhân nhiều hơn là trong tay nghệ sĩ. Và rồi, Mèn hóa thành anh Long, hay anh Long đã hóa thành Mèn trong bức tự họa ra đời từ những cuộc đối thoại trong tâm tưởng?

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Cõi Trung giới (Đêm)”, sơn mài, 240 x 90 cm

Anh Long cũng hóa thân thành muôn ngàn hiển thị. Đó là điều tôi thấy khi tò mò đóng mở những ngăn kéo, những khung tranh, những tập phác thảo trong xưởng của anh. Tháng 11/2009, cách đây đúng 12 năm, Trung tâm văn hóa Pháp giới thiệu triển lãm những bức tranh mang cảm hứngvăn hóa dân gian Việt Nam của anh trong triển lãm có cái tên mà tôi muốn dịch là Hóa thân: Ngày xưa tôi là -Autre fois j’etais. Tôi vẽ tôi- triển lãm năm 2012 tiếp tục mang những hóa thân khác lạ hơn tới công chúng.

Nhà phê bình Phan Cẩm Thượng viết về tác phẩm triển lãm năm 2009: “Tạ Huy Long đem đến những bức họa từ sự lao động nhẫn nại, và ước mong hoàn chỉnh. Họa sĩ để tâm đến mọi chi tiết và sắc thái của từng phần đến toàn thể, dường như không quan tâm đến tính ngẫu nhiên hay ngẫu hứng, anh hiểu rõ bức họa của mình như người thợ đồng hồ hiểu từng con ốc bên trong cái đồng hồ”…

Anh hiểu rõ những bức họa của mình, hiểu rõ không chỉ hổ, cá, đại bàng, vịt trời, tiều phu, văn nhân, Trương Chi…,mà còn cả rừng, cả nước, cả trời, cả đồng cỏ, bờ ao như hiểu rõ Mèn và thế giới của Mèn, như hiểu rõ chính anh và những thế giới của anh. Bởi đó là hóa thân của bản thể anh - trong một khoảng khắc giữa vụ trụ bao la, khi người nghệ sĩ và nguồn cảm hứng của anh nhập hòa làm một.

Đối diện với từng tác phẩm - từng hóa thân Tạ Huy Long - tôi bỗng nghĩ đến Nietzsche và 3 biến thể ông viết trong quyển Thus Spoke Zarathustra (Zarathustra đã nói như thế). 3 biến thể đó là ẩn dụ của tinh thần trong vòng luân hồi của cuộc sống: “Ta đã chỉ cho các ngươi 3 hóa thân của linh hồn: Từ linh hồn biến thành lạc đà, lạc đà biến thành sư tử và sư tử cuối cùng biến thành đứa trẻ”.

Chú thích ảnh
Một góc xưởng của Họa sĩ Tạ Huy Long

3. Đối với tôi, anh Long đã đi qua thời kỳ lạc đà, qua thời kỳ sư tử để là đứa trẻ chơi với dế mèn và tạo ra thế giới dế mèn của chính mình. Chú dế thoát thai khỏi mọi miêu tả của nhà văn, khỏi mọi hình dung của những thế hệ họa sĩ vẽ dế mèn trước anh trong suốt hơn 80 năm qua để hóa thân trong thế giới những nguyên bản của màu sắc, của chất liệu “lạc” vào xưởng anh ở khoảnh khắc đó - để tự dotung cánh bay trong trí tưởng tượng vô tận.

Rồi sau cùng, anh luôn lùi về đằng sau tác phẩm. Bởi lẽ anh yêu sự sống, hơi thở đó. Tác phẩm ở thời điểm đang thành hình trong xưởng - đó là của anh. Nhưng sau khi được hoàn thành, tác phẩm là của vũ trụ mà nó thuộc về, đời sống, số phận hoàn toàn độc lập với tác giả. Tác giả chỉ là người có duyên lĩnh hội, kết nối các tín hiệu và tạo ra từ đôi tay mình một hiển thị. Tác phẩm sống một cuộc đời riêng và sự hữu ích xác định sự tồn tại của chúng.

Chính vì vậy, khi tôi hỏi Tạ Huy Long: “Nếu dùng chỉ 1 từ để nói về tác phẩm của mình, đó là gì”? “Sự biết ơn”- câu trả lời của anh sau một khoảng lặng.

Trong tiết giao mùa nếu bạn ghé Xưởng Thứ Bảy, bạn sẽ lạc vào các thế giới, bạn sẽ sống lại những ký ức tuổi thơ đồng chiều cuống rạ mà đứa trẻ nào cũng sẽ từng mơ. Và cả những ký ức còn chưa có về một miền phiêu lưu cứ xa dần hay ít nhiều bị cuốn đi bởi nhịp sống chật chội và hối hả nơi phố thị. Biết đâu, bạn sẽ tìm thấy cảm giác biết ơn ấy - như chúng tôi đã chợt tìm thấy ở đây - biết ơn cuộc sống này, biết ơn những sự tồn tại có ích ghi lại một thời khắc của chúng ta sống giữa những dòng chảy thao thiết trong vũ trụ vô cùng.

Xưởng Thứ Bảy - một trung tâm văn hóa sáng tạo mới

Ngày 12/11, Xưởng Thứ Bảy - một trung tâm văn hóa sáng tạo mới của Thủ đô - chính thức khai trương không gian nghệ thuật của họa sĩ Tạ Huy Long với chủ đề Thứ Bảy, tới xưởng tôi chơi! tại địa chỉ số 121 phố 8/3, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Xưởng mở cửa đón khách trải nghiệm và khám phá thế giới nghệ thuật của họa sĩ Tạ Huy Long vào các buổi chiều thứ Bảy hàng tuần, bắt đầu từ ngày 13/11 và kéo dài đến hết ngày 31/12/2021.

Nguyễn Thị Quý Phương

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm