Thư Bắc Kinh: Trung Quốc “thêm dầu” & Trung Quốc “bơm khí”

15/08/2008 08:34 GMT+7 | Olympic 2008

(TT&VH) - 1. “Jia you”, trong tiếng Trung Quốc, phát âm từa tựa “cha yếu”.  Jia you! Jia you! Jia you! Bất cứ đâu có các VĐV Trung Quốc thi đấu, bạn sẽ nghe được điều đó. Người hâm mộ Việt Nam theo dõi Olympic qua TV chắc cũng dễ dàng nghe thấy.

“Jia you”, nhiều người nghĩ là “cố lên”, “Zhong guo jia you” – “Trung Quốc cố lên”. Nhưng không phải. Jia you là thêm dầu. Trung Quốc thêm dầu. Vì cắt nghĩa là “cố lên” chỉ đúng với trường hợp của một VĐV, một đội tuyển yếu đuối. Còn đằng này, Trung Quốc khá mạnh, nếu không muốn nói rất mạnh. Và họ còn muốn mạnh hơn nữa.

Có một từ khác người Trung Quốc từng dùng: “Da qi”, có nghĩa là đánh khí hoặc cũng có thể dịch một cách mộc mạc là “bơm khí”. Với thể thao, “da qi” (đọc là “tả chí”) là sự cổ vũ tinh thần. Nhưng ở Olympic, họ không dùng khẩu hiệu ấy.

Những ngày này, với người Trung Quốc, tất cả chỉ có 1 khẩu hiệu. Nghe hàng ngàn, hàng vạn, thậm chí cả triệu người hô vang “jia you”, thấy sức mạnh khủng khiếp.

VĐV Yang của Trung Quốc giành HCV nội dung TDDC toàn năng nam
 
Cũng không bất ngờ. Vì Trung Quốc rất giỏi với trò khẩu hiệu này. Họ dùng cả truyền hình để dạy dân chúng hò hét “thêm dầu”. Mỗi ngày khoảng chục lần, trước và trong Olympic, rất đều đặn, người Trung Quốc “thêm dầu” trên truyền hình. “Thêm dầu” còn có cả một bộ phim hoạt hình, là sản phẩm chung của cái gọi là Phòng Dân sự Tinh thần của Đảng Cộng sản TQ, Bộ Giáo dục, Ban tổ chức Olympic Bắc Kinh và đài truyền hình CCTV.

Khu vực gần nơi chúng tôi ở, sáng sớm, người dân tập thể dục cũng “Thêm dầu, thêm dầu, thêm dầu!”, phấn chấn tập như thể tới kiệt lực mới thôi.

2. Ở Doha 2006, tờ Persian đã vẽ một bức biếm họa. Có một cái thang, VĐV Trung Quốc trèo tít lên cao, vác cái bị (giống bị cói Việt Nam), HCV xếp có ngọn, rơi vãi tứ tung. Phía dưới một quãng xa là VĐV Hàn Quốc giơ cái bị bé hơn ra hứng. Anh này hứng trượt thì rơi vào bị của VĐV Nhật Bản đứng phía dưới. Rồi Kajakhstan, Thái Lan, Iran… cái bị cứ thế bé dần.

Sự thống trị của thể thao Trung Quốc ở châu Á là điều không phải bàn cãi. Số HCV họ giành được ở Doha, 166 tấm nhiều hơn cả 4 nước đứng phía sau cộng lại.

Nhưng người ta không nghĩ, họ lại đủ khả năng thống trị cả Olympic. Nhưng thực tế là thực tế. 22 tấm HCV đã tạm giúp Trung Quốc bỏ xa đoàn thứ hai là Mỹ tới 12 HCV. Bây giờ, nếu có một bức biếm họa như ở Asian Games 2006, chắc cũng vẫn mang tính thời sự.

3. Thể thao Việt Nam có khẩu hiệu gì để người hâm mộ hò hét? “Việt Nam cố lên” hay “Việt Nam tiến lên”, “Việt Nam chiến thắng”? Hình như là Việt Nam cố lên. Bản thân người nghe không sướng. Và các VĐV nghe cũng không sướng.

166 Tại Asian Games Doha 2006, Trung Quốc giành 166 HCV, bằng số HCV của 4 đoàn phía sau cộng lại

Nhưng bản thân các CĐV cũng không biết họ nên chọn khẩu hiệu nào khác. Vì trước nay, nó hoàn toàn tự phát. Đó là chưa nói tới tâm lý tự ti về những hạn chế sức mạnh so với đối phương, nên thốt lên 2 từ Cố Lên hoàn toàn là bản năng.

Rõ ràng, chuyện “thêm dầu” ở Olympic 2008 là một bài học tốt. Trong rất nhiều những cách thức tuyên truyền của Trung Quốc, không phải cách nào và lĩnh vực nào người Trung Quốc cũng được quốc tế đánh giá cao. Nhưng “thêm dầu” là một điểm rất sáng.

Nó có thể chỉ là sự thêm thắt và mang tính thời điểm so với việc chuẩn bị về chuyên môn được tính bằng gần 1 thập kỷ, nhưng cũng có thể tin, nếu vị trí số 1 kia được duy trì cho tới ngày bế mạc, “thêm dầu” cũng đóng một vai trò quan trọng.
 
Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm