Thông điệp mới từ sự giản dị

16/03/2013 09:31 GMT+7 | Trong nước


(Thethaovanhoa.vn) - Trong ngày đầu tiên ngồi ghế lãnh đạo 1,2 tỷ giáo dân Công giáo của thế giới, Giáo hoàng Francis đã gây ngạc nhiên khi thể hiện một loạt các hành động hết sức giản dị, đời thường, dù bản thân đang nắm quyền cao chức trọng. Giới phân tích cho rằng thời gian tới, Francis chắc chắn sẽ thay đổi Vatican bằng chính sự giản dị ấy của ông. 

Mới chỉ ngồi ghế Giáo hoàng chưa đầy 12 tiếng đồng hồ, Francis đã xóa bỏ nhiều truyền thống và phong cách ngự trị lâu nay ở Vatican bằng hàng loạt các hành động "phá cách", qua đó hứa hẹn thời gian trị vì của ông với tư cách Giáo hoàng của ông sẽ có nhiều thay đổi.

Mang sự giản đơn vào Tòa Thánh

Francis bắt đầu ngày làm việc đầu tiên của ông bằng một chuyến đi trên một chiếc xe đơn giản của Vatican, không phải là xe riêng của Giáo hoàng, tới nhà thờ Đức mẹ Đồng trinh Mary, nơi ông làm lễ cầu nguyện. Giống nhiều người Công giáo Mỹ Latin khác, Francis đặc biệt sùng bái Đức mẹ Đồng trinh và chuyến đi đã cho thấy điều đó.

Phong cách giản dị mới còn hiển hiện trên cách ăn vận của Francis. Thay vì đeo cây thánh giá mạ vàng của Giáo hoàng sau khi đắc cử, ông đã giữ lại bên mình  cây thánh giá đơn giản, vẫn được sử dụng khi còn làm Tổng giám mục Buenos Aires. Ông cũng bỏ không mặc chiếc áo choàng ngắn màu đỏ mà Benedict mặc khi ông hiện diện lần đầu trước thế giới trong năm 2005, chỉ mặc mỗi chiếc áo thụng trắng đặc trưng của Giáo hoàng.


Giáo hoàng Francis đã từ chối dùng xe riêng của Giáo hoàng và chỉ dùng một chiếc VW đơn giản của Vatican

Sự giản dị của Francis khi so với người tiền nhiệm Benedict XVI mới từ chức - một học giả Đức với tính cách cá nhân rộng rãi, nhưng lại thường thể hiện một hình ảnh trang trọng và chính thống trước công chúng - đã lộ ra rất rõ trong buổi thuyết giảng đầu tiên của ông tại nhà nguyện Sistine.

Trong khi Benedict đọc một bài thuyết trình dài tới 3 trang bằng tiếng Latin, Francis đã không cần diễn văn soạn trước. Ông đã phát biểu đúng 10 phút đồng hồ, bằng một thứ ngôn ngữ Italia trong sáng dễ hiểu. Tựu trung lại, ông nói rằng tất cả những người Công giáo phải xây dựng Giáo hội và đồng hành cùng đức tin.

Ông kêu gọi các linh mục phải xây dựng nhà thờ của họ trên nền móng vững chắc, cảnh cáo rằng: "Chuyện gì sẽ xảy ra khi những đứa trẻ xây lâu đài cát trên bãi biển? Tất cả rồi sẽ sụp đổ. Khi chúng ta bước đi không có cây thánh giá và khi chúng ta thuyết pháp về Chúa không có cây thánh giá, chúng ta không phải là môn đệ của Ngài. Chúng ta là người trần tục. Chúng ta là các giám mục, linh mục, hồng y, giáo hoàng... Nhưng chúng ta không phải các môn đệ của Chúa".

“Với tôi, có vẻ như đây là một sự thay đổi rất lớn về phong cách của Giáo hoàng, dù đại đa số người chỉ coi đó là những tiểu tiết" - Sergio Rubin, nhà viết tiểu sử chính thức của Francis nói với hãng tin AP.

Khi giản dị là sức mạnh

Francis còn là một Giáo hoàng có khiếu hài hước. Trong bữa ăn tối diễn ra sau khi bầu Giáo hoàng thành công trong đêm 13/3, lúc các Hồng y nâng ly chúc mừng, Francis đã nâng ly chúc lại họ rồi nói vui: “Cầu Chúa tha thứ cho các ngài, vì những gì các ngài đã làm”.

Rubin nói rằng tân Giáo hoàng luôn tin vào việc "nhà thờ phải xuống phố" và ở cùng với những người dân mà nhà thờ đang phục vụ, chứ không phải đưa ra những thông điệp mà họ không muốn nghe.

Vì lý do này, khi còn là Hồng y Bergoglio ở Argentina, ông đã cho xây các ban thờ và dựng lều ở nhiều quảng trường tại Buenos Aires và đã tổ chức thuyết giảng cho các cô gái điếm và người vô gia cư trên phố.

"Ông làm thế để thể hiện sự gần gũi của nhà thờ với những người đang gặp khổ đau" - Rubin nói.

Rubin tin rằng sẽ có nhiều sự thay đổi nữa xuất hiện một khi Francis đã nắm quyền thực sự ở Vatican. “Tôi nghĩ rằng Giáo hoàng Francis là người đặc biệt cởi mở khi đối thoại. Ông rất thấu hiểu về các tình huống khác nhau. Ông là người không thích áp đặt".

Thực tế, từ trong đêm đắc cử, Francis đã thể hiện sự giản dị của ông, khi xuất hiện ở ban công một nhà thờ tại Vatican và nói với 100.000 con chiên đang đứng chờ tin ở phía dưới: "Xin chào, những người anh em và chị em".

Ông cũng thể hiện sự khiêm nhường khi từ chối bước lên một bục cao dành riêng cho mình mà sánh vai cùng các Hồng y đang đứng đón tiếp. "Ông gặp gỡ chúng tôi ở một tư thế ngang hàng với chúng tôi" - Hồng y Timothy Dolan của New York thể hiện sự cảm kích.

Sau đó, ông đã đi xe buýt trở lại khách sạn cùng các Hồng y khác, từ chối sử dụng một chiếc xe riêng và lực lượng an ninh bảo vệ ông. Theo Hồng y Mỹ Donald Wuerl, Francis đã phát đi tín hiệu cho thấy ông sẽ truyền bá Phúc âm "với sự giản dị". “Ông là người rất bặt thiệp, nhưng kiên quyết, rất yêu thương người khác nhưng cũng rất can đảm... ông là con người lý tưởng cho các thách thức hôm nay" -  Wuerl nói.

Đây cũng là quan điểm của Hồng y Thomas Collins, Tổng giám mục Toronto. "Ông là người hết sức tuyệt vời. Chúng tôi đã đánh giá đúng những phẩm chất tuyệt vời ông có. Ông hẳn rất được yêu mến tại tổng giáo phận ở Argentina. Ông có một lịch sử dẫn dắt và phục vụ các con chiên tuyệt vời" - Colin nói.

Theo các chuyên gia, sự giản dị và khiêm tốn mà Francis phát đi đã cho thấy phần nào chính sách của Giáo hội trong tương lai là hướng tới người nghèo. Một trong những sứ vụ quan trọng của Giáo hội là bênh vực người nghèo, mang niềm vui đến cho những người cùng cực, thiếu thốn, nâng đỡ những người bị bỏ rơi, bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Việc có một vị Giáo hoàng đến từ một đất nước đang phát triển như Argentina và lại tận tâm với người nghèo, người bị gạt ra ngoài lề xã hội chắc chắn sẽ giúp Giáo hội chu toàn sứ vụ đó tốt hơn, giúp nâng cao ảnh hưởng và lòng tin vào Giáo hội.

Giáo hoàng muốn trả tiền phòng khách sạn của... Vatican

Tân Giáo hoàng Francis đã trở lại Roma trong ngày 14/3 và ông lập tức tìm tới một khách sạn của Vatican và nằng nặc đòi trả tiền thuê phòng, bất chấp việc giờ đã là người điều hành khu nhà.

Buổi sáng sau khi đắc cử, Francis đã yêu cầu một tài xế đưa ông tới khách sạn Domus Internationalis Paulus VI, nơi ông đã ở trước khi diễn ra Mật nghị Hồng y. "Ông muốn lấy đồ đạc của mình" - một phát ngôn viên của Vatican nói - "Ông dừng chân ở phòng điều hành, chào mọi người rồi quyết định trả tiền thuê phòng... vì ông quan tâm tới việc trở thành một tấm gương tốt, về việc một tu sĩ nên làm gì". Phát ngôn viên Vatican không cho biết Francis đã trả bao nhiêu tiền.

Từ trước khi tới Vatican, Francis đã nổi tiếng là người giản dị. Ông cũng lấy tên Giáo hoàng của mình từ Thánh Francis vùng Assisi, người nổi tiếng vì lối sống giản dị. Việc ông lấy tên Francis cũng nhằm tăng cường sự kết nối với người nghèo thế giới. Đây là cử chỉ mang ý nghĩa lớn từ lãnh đạo của Vatican, thể chế lâu nay vẫn nổi tiếng về sự giàu có.


Tường Linh (Theo Washington Post)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm