Thông báo mới của tòa án Canada về việc dẫn độ CFO của Huawei

07/03/2019 10:34 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Kết thúc ngày làm việc 6/3, Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia của Canada đã thông báo thời điểm tiếp theo của tiến trình tư pháp liên quan tới việc dẫn độ Giám đốc Tài chính (CFO) Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) sang Mỹ. Thẩm phán cho biết ngày 8/5 tới tòa sẽ ấn định thời gian cụ thể mở phiên tranh tụng.   

Trung Quốc kêu gọi Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ CFO của Huawei Mạnh Vãn Chu

Trung Quốc kêu gọi Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ CFO của Huawei Mạnh Vãn Chu

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ rút lại yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn Huawei, sang Mỹ - nơi bà bị cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Washington với Iran.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, phát biểu trước tòa, luật sư Richard Peck bảo vệ quyền lợi cho bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) nhận định việc dẫn độ nữ doanh nhân này làm dấy lên mối lo ngại lớn về động cơ chính trị. Ông cho rằng những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump - rằng Washington có thể sẽ can thiệp vào vụ việc này nếu điều đó giúp đảm bảo một thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh - đang gây nhiều quan ngại.   

Chú thích ảnh
Bà Mạnh Vãn Châu đang được tại ngoại ở Vancouver. Ảnh: AP

Giám đốc Tài chính Mạnh Vãn Châu, 47 tuổi, bị Canada bắt giữ theo yêu cầu của phía Mỹ tại sân bay quốc tế ở Vancouver ngày 1/12 năm ngoái, với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt thương mại của Washington đối với Iran. Bà đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia kiện Chính phủ Canada, Cơ quan Dịch vụ biên giới và Cảnh sát Hoàng gia Canada, cáo buộc các cơ quan này đã vi phạm nghiêm trọng quyền theo hiến pháp của bà khi bắt giữ bà tại sân bay Vancouver.

Các chuyên gia pháp lý dự đoán rằng chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau sẽ thực hiện dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu sang Mỹ để đối diện với các buộc liên quan đến vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran. Tuy nhiên, tiến trình dẫn độ có thể phải kéo dài nhiều năm vì hệ thống tư pháp Canada cho phép kháng cáo nhiều quyết định.    

Vụ Canada bắt giữ CFO Huawei đã đẩy mối quan hệ giữa Ottawa và Bắc Kinh rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ năm 1970, thời điểm nước hai bắt đầu thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Ngay sau vụ việc này, Bắc Kinh đã bắt giữ và điều tra hai công dân Canada là cựu nhân viên ngoại giao Michael Kovrig và doanh nhân Michael Spavor với cáo buộc "tham gia các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc". Các nhà phân tích cho rằng đây là động thái nhằm trả đũa vụ bắt giữ bà Mạnh.   

Những diễn biến gần đây cho thấy thế giới viễn thông  đang bị cuốn vào một cuộc chiến vượt ra ngoài khuôn khổ cạnh tranh công nghệ. Theo giới quan sát, vụ Huawei phản ánh cuộc đọ sức giữa phương Tây và Trung Quốc trong lĩnh vực mạng thông tin liên lạc - lĩnh vực mà tập đoàn công nghệ Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới.

Hương Giang/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm