Nắng nóng, hạn hán ảnh hưởng thế nào đến châu Âu?

30/08/2022 11:58 GMT+7 | Thời tiết

Đợt hạn hán nghiêm trọng "càn quét" các khu vực ở châu Âu đang ngày càng tồi tệ. Mặc dù đã có mưa xuất hiện ở một số khu vực, song các cơn giông kèm theo cũng gây ra thiệt hại đáng kể. Theo các nhà khoa học, đợt hạn hán năm 2022 có thể là đợt hạn hán nghiêm trọng nhất tại “lục địa già” trong vòng 500 năm.

Nắng nóng kỷ lục khiến giá khí đốt tăng vọt tại Mỹ

Nắng nóng kỷ lục khiến giá khí đốt tăng vọt tại Mỹ

Thời tiết nóng kỷ lục tại Mỹ đang khiến giá khí đốt và các mặt hàng thiết yếu liên quan lại tăng vọt sau khi vừa giảm được chút ít vào cuối tháng Sáu.

Hạn hán ngày càng tồi tệ

Trong những tháng hè vừa qua, nhiều nước đã và đang trải qua một đợt nắng nóng, hạn hán được cho là tồi tệ nhất trong vòng 500 năm trở lại đây. Nắng nóng kéo dài gây hạn hán, cháy rừng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân.

Kể từ đầu năm 2022 đến nay, hơn 57.200 ha rừng tại Pháp đã bị “giặc lửa” thiêu rụi, nhiều gấp 6 lần mức trung bình cả năm từ trước tới nay. Nước Pháp đã ghi nhận tháng 7 là tháng khô hạn nhất trong hơn 60 năm qua, với lượng mưa chỉ 9,7 mm. Còn tại Tây Ban Nha, khô hạn kéo dài cũng khiến tháng 7 trở thành tháng nóng nhất kể từ năm 1961.

Theo Cơ quan Khí tượng của Tây Ban Nha, khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 7 vừa qua cũng là thời kỳ khô hạn nhất được ghi nhận, với trữ lượng nước ở mức thấp nhất mọi thời đại. Chính phủ Hà Lan cũng chính thức tuyên bố tình trạng thiếu nước vào ngày 3/8 vừa qua. Anh phải ban bố cảnh báo nắng nóng màu hổ phách, tức là “nắng nóng cực đoan” sau khi nhiệt độ lên tới 40 độ C…

Chú thích ảnh
 Hồ chứa nước Cijara ở Extremadura, Tây Ban Nha, cạn khô do thiếu mưa. Ảnh: THX/TTXVN

Các đợt nắng nóng liên tiếp ập tới kể từ tháng 5/2022 đến nay và tình trạng thiếu mưa kéo dài đã dẫn đến hiện tượng đất đai ngày càng khô cằn. Theo dữ liệu mới vừa được Trung tâm Nghiên cứu Chung của EU (JRC) công bố, hơn một nửa châu Âu đang có nguy cơ hạn hán. Ngoài ra, 17% diện tích châu Âu đang trong tình trạng báo động đỏ, tức là ở mức độ thiếu nước trầm trọng. Tình trạng hạn hán thể hiện rõ ở Italy, Đông Nam và Tây Bắc nước Pháp, Đông Đức, Đông Âu, Nam Na Uy và các vùng rộng lớn của khu vực Balkan. Mặc dù đã có mưa ở một số khu vực trong tuần qua, song tình trạng hạn hán nói chung đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi JRC cập nhật kết quả lần cuối hồi tháng 7.

Đài Quan sát Hạn hán toàn cầu của Liên minh châu Âu (GDO) cho biết, dù lượng mưa gần đây (vào giữa tháng 8) có thể đã làm giảm bớt tình trạng hạn hán ở một số khu vực của châu Âu. Tuy nhiên, ở một số nơi, mưa lớn kèm theo các cơn giông đã gây thiệt hại và có thể hạn chế tác động có lợi mà lượng mưa mang lại. Các khu vực hứng chịu những đợt mưa bất thường trong 3 tháng qua bao gồm các vùng của Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, miền nam nước Pháp, miền Trung nước Italy, Thụy Sĩ, miền Nam nước Đức và phần lớn lãnh thổ Ukraine.

Các nhà khoa học dự báo, lượng mưa bình thường sẽ được ghi nhận tại các khu vực của châu Âu trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 10 song "có thể không đủ để phục hồi hoàn toàn từ mức thất thoát tích lũy trong hơn nửa năm nay". Các khu vực của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Croatia có thể tiếp tục trải qua điều kiện thời tiết "khô hơn so với bình thường" kéo dài cho đến tận tháng 11, trong khi thời tiết khô hạn ở dãy Alps thì có khả năng sẽ giảm bớt.

Chú thích ảnh
Người dân tránh nóng bên đài phun nước tại Quảng trường Trafalgar ở thủ đô London, Anh. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống

Nắng nóng, hạn hán đang tác động nghiêm trọng tới đời sống, kinh tế của châu Âu. Do mực nước ở các sông ngòi đang giảm mạnh và đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng  trên mức thông thường đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng cũng như ngành nông nghiệp châu Âu. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chung của EU (JRC) dự báo sản lượng ngũ cốc, ngô, đậu nành và hoa hướng dương của EU thấp hơn 10% so với mức trung bình 5 năm qua.

Tại Italy, thời tiết cực đoan có khả năng làm giảm ít nhất 1/3 tổng sản lượng nông nghiệp của nước này. Chủ một trang trại trồng nho và ô-liu ở vùng Tuscany thuộc miền trung Italy dự báo, sản lượng nho năm nay sẽ giảm 20%, còn quả ô-liu sẽ nhỏ hơn và có vị đắng hơn. Các khu vực khác của châu Âu cũng chia sẻ nỗi lo chung về thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp Hungary cho biết, tổn thất về nông nghiệp của nước này từ đầu năm 2022 đến nay đã lớn gấp đôi tổng thiệt hại của 10 năm trước đó cộng lại. Để thích nghi với tình hình thời tiết cực đoan, một số nông dân của quốc gia Trung Âu này chuyển sang trồng các loại cây nhiệt đới như chuối và kiwi. Còn ở Slovenia, các trang trại không có hệ thống tưới tiêu có thể bị mất mùa hoàn toàn trong năm nay.

Chú thích ảnh
Một cánh đồng đậu tương bị khô hạn tại Sozzago, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN

Không chỉ khu vực châu Âu, những nơi khác trên thế giới cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ tình trạng hạn hán. Từ các khu vực trồng trọt quan trọng của nước Mỹ đến lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc, gây áp lực lên giá lương thực toàn cầu và làm dấy lên lo ngại về nạn đói toàn cầu và triển vọng “hạ nhiệt” lạm phát. Hạn hán nghiêm trọng do nắng nóng kỷ lục hiện đã lan ra 50 tỉnh, thành Trung Quốc, đến cả Cao nguyên Tây Tạng-khu vực vốn thường xuyên lạnh giá.

Nắng nóng và hạn hán không chỉ khiến ngành nông nghiệp lao đao mà còn đẩy nhiều lĩnh vực khác như năng lượng, giao thông vào cảnh khó khăn. Hạn hán còn gây ra hàng loạt hệ lụy như làm gián đoạn việc vận chuyển than ở Đức, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các cơ sở năng lượng hạt nhân ở Pháp, gây cháy rừng ở Anh, Tây Ban Nha... Nhiệt độ tăng cao khiến cơ sở hạ tầng bị hư hại, mặt đường bị nứt, đường ray biến dạng làm giao thông ở một số quốc gia như Anh, Hà Lan, Italy... ngưng trệ. Tình trạng thiếu nước cũng tác động tiêu cực đến ngành năng lượng bởi nước có vai trò quan trọng cho hoạt động sản xuất thủy điện. Thực trạng này đe dọa làm tăng giá điện của châu Âu, vốn đã ở mức cao kỷ lục.

Hạn hán kết hợp với nắng nóng khắc nghiệt có khả năng ảnh hưởng đến việc sản xuất điện từ các turbine gió, các công trình thủy điện, các nhà máy nhiệt điện than và lò phản ứng hạt nhân. Công suất của các nhà máy thủy điện buộc phải giảm do ảnh hưởng của hạn hán, trong khi gió yếu cũng gây khó khăn cho sản xuất điện gió.

Giới chuyên gia cho rằng, sự kết hợp của các yếu tố này có thể khiến các nước châu Âu chuyển sang sử dụng khí đốt nhiều hơn để bảo đảm nguồn cung điện, từ đó đẩy giá năng lượng tăng cao.

Nắng nóng còn tác động tới ngành du lịch của châu Âu, vốn vẫn đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch COVID-19. Mặc dù mùa hè này được đánh giá là mùa du lịch lớn nhất châu Âu kể từ năm 2019, song thời tiết nắng nóng đang cản trở nhiều kế hoạch của du khách. Nhiều du khách đã phải trì hoãn chuyến đi hoặc thay đổi điểm đến.   

Nằm đối phó với hạn hán, hàng loạt biện pháp, trong đó có hạn chế tiêu thụ nước, được các quốc gia áp dụng để đối phó tình trạng thiếu nước trầm trọng. Nhưng đây chỉ là những biện pháp mang tính tạm thời. Giới chuyên gia cảnh báo, các vấn đề mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt sẽ xảy ra thường xuyên trong tương lai. Điều này đòi hỏi thế giới cần hành động nhanh chóng, quyết liệt hơn nữa khi thảm họa từ biến đổi khí hậu đang dồn dập “gõ cửa” mọi châu lục, trong đó có châu Âu-nơi lâu nay nổi tiếng với khí hậu mát mẻ, ôn hòa.

Giới chức các nước châu Âu kêu gọi khu vực nên vạch ra chiến lược lâu dài về quản lý nguồn nước và năng lượng. Người đứng đầu Cơ quan Môi trường Anh James Bevan nêu rõ, mùa hè khắc nghiệt năm nay là lời cảnh tỉnh cho nước Anh rằng cần chuẩn bị tốt hơn để ứng phó các loại hình thời tiết cực đoan, cũng như có chiến lược sử dụng hiệu quả nhất tài nguyên nước. Về lâu dài, các chính phủ cần tập trung chống biến đổi khí hậu một cách quyết liệt bởi đây là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến sự thay đổi vòng tuần hoàn của nước trong tự nhiên.

Trong bối cảnh nhân loại tiếp tục gánh chịu những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, rất cần tiếp tục có những hành động ở cấp toàn cầu, giảm khí thải về mức trung hòa để cứu vãn tình hình.

Phước An (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm