Thời của người viết... nghiệp dư

08/02/2014 09:07 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Thị trường sách nửa cuối năm 2013 bất ngờ ồn ào bởi hai sự kiện thuộc về những người viết không chuyên nghiệp nhưng sách của họ được bán với số lượng lớn hoặc gây tranh cãi.

Tác giả 2 tập ký sự Xách ba lô lên và đi, Đừng chết ở châu Phi - Huyền Chip và Nguyễn Phong Việt, tác giả tập thơ Từ yêu đến thương được thông báo là phát hành 20.000 bản ngay lần ra mắt đầu tiên, nổi bật trong xu thế thị trường sách của năm 2013.

Quyền lực của người đọc

Ngay sau khi cô gái sinh năm 1990 có bút danh Huyền Chip phát hành Xách ba lô lên và đi Đừng chết ở châu Phi, kèm theo “slogan” được truyền thông đầy ấn tượng: Cô gái Việt du lịch 25 nước với 700 USD, hai làn sóng đã ồn lên trong thế giới bạn đọc: một ngưỡng mộ, một nghi ngờ. Làn sóng nghi ngờ càng về sau càng được đẩy lên cao, tạo thành một cuộc “soi tìm” độ chân thực của tác giả khi viết sách du ký. Khác với trước đây, các cuộc tìm kiếm, mổ xẻ không đến từ phía các cây bút phê bình văn học chuyên nghiệp hoặc từ các trang báo văn học chính thống mà nó được khởi đầu rồi bùng nổ từ phía bạn đọc trên các diễn đàn. Sự ồn ào lên tới đỉnh điểm khi độc giả Trần Ngọc Thịnh gửi đơn tới Cục Xuất bản đề nghị Cục này vào cuộc đánh giá tính chân thực của cuốn sách - đồng thời thẩm định lại những nội dung về hành vi “vi phạm đạo đức”, “vi phạm pháp luật” của tác giả, thậm chí đề nghị thu hồi tác phẩm này.

Tác phẩm đầu tay của cô gái trẻ may mắn không bị thu hồi, dư luận cũng dịu lại sau bản giải trình dài tới 31 trang của chính tác giả, trong đó Huyền Chip thừa nhận có cường điệu hóa một số chi tiết so với sự thật. Tuy nhiên vụ ồn ào đã giúp tác giả trẻ của nó “rút ra bài học cá nhân cho những vấp ngã đầu đời” như chính cô thừa nhận.

Nhưng có lẽ không chỉ Huyền Chip mà những người làm sách, cụ thể là đơn vị phát hành và tổ chức chiến dịch truyền thông cho 2 tập sách này cũng rút được cho mình những bài học “truyền thông bán sách”. Nếu không có chiến dịch truyền thông rầm rộ từ Nam tới Bắc, nếu không có “slogan” ấn tượng và đầy thách thức nói trên, thì sức nóng của hai tập ký được viết với văn phong còn khá non nớt ấy không nóng đến vậy (đồng nghĩa với số lượng tiêu thụ cũng ở con số khủng) – một thành công đáng ghi nhận của nhà xuất bản. Nhưng cũng những ồn ào truyền thông ấy cũng làm lộ ra các vấn đề của sách và của tác giả - khiến nó trở thành tâm điểm chê trách của dư luận bạn đọc, trong đó có không ít ý kiến kêu gọi tẩy chay (đồng nghĩa với việc không mua sách).

Hiện tượng Huyền Chíp cho thấy quyền lực của bạn đọc là vô biên trong việc lan tỏa hay… chặn đứng sự lan tỏa của tác phẩm, đặc biệt trong thời đại truyền thông cộng đồng hiện nay.




Các tác phẩm ồn ào gây tranh cãi hoặc bán với số lượng lớn

Bán thơ trong thế giới ảo

Trong nhiều năm, các nhà thơ đem tác phẩm đến các nhà xuất bản (NXB) thường chỉ nhận được cái lắc đầu. NXB không in thơ chỉ đơn giản với lý do thơ rất khó bán. Thường thì, các nhà thơ muốn in thơ của mình phải bỏ tiền túi ra đóng quản lý phí để xin giấy phép từ NXB, sau đó còn bỏ thêm tiền để in thơ và sau cùng lại bỏ thêm tiền để gửi bưu điện hoặc mời bạn bè uống nước để tặng thơ. Ngay cả các nhà sách cũng không mặn mà trong việc phát hành thơ dù nhà thơ đem sách đến ký gửi với mức chiết khấu lên đến 50%. Lý do thơ bán ai mua, nhập thơ về chỉ làm chật kho và chật kệ sách!

Vậy nhưng tác giả Nguyễn Phong Việt trong hai năm liên tiếp đã bán thơ được với số lượng hàng chục ngàn bản. Phải chăng thơ của Nguyễn Phong Việt quá xuất sắc khiến người đọc không thể bỏ qua? Phải chăng thơ của Nguyễn Phong Việt đã chạm đến tâm hồn của nhiều người trẻ hiện nay khiến họ tìm đọc thơ anh như một nhu cầu tất yếu? Phải chăng thơ Nguyễn Phong Việt đã vượt thoát những lề thói cũ để trở thành sách gối đầu giường của người đọc trẻ hiện nay?...

Đến các buổi giao lưu của Nguyễn Phong Việt đa phần là những người trẻ thuộc “thế hệ @”, họ chen nhau chờ được tác giả ký tên lên cuốn sách vừa mua. Tập Đi qua thương nhớ của Việt đã phát hành tới con số hơn 30 ngàn bản (vừa tiếp tục tái bản 5.000 cuốn vào giữa tháng 12/2013). Còn tập Từ yêu đến thương ngay lần đầu xuất bản đã in 20.000 bản.

Tìm hiểu từ nhiều nguồn để lý giải sự thành công của “hiện tượng thơ” Nguyễn Phong Việt trong việc bán sách, một số nguồn thạo tin cho rằng thơ Nguyễn Phong Việt bán được nhờ mạng xã hội. Phần lớn các bài trước in thành tập đều được Việt “xuất bản” trên FB của mình. Hiện FB thơ Nguyễn Phong Việt có hơn 30.000 người quan tâm, chưa kể thơ anh còn được hỗ trợ truyền thông tích cực từ những trang FB của bạn bè, người quen mỗi khi chuẩn bị ra sách mới. Nếu xem một cuốn sách như một sản phẩm hàng hóa được nhà sản xuất tìm nguồn tiêu thụ, thì thế giới ảo của các trang mạng xã hội là nơi quảng bá miễn phí tốt nhất tính theo cấp số nhân.

Từ trường hợp của Nguyễn Phong Việt, có thể an tâm về một “giải pháp” phát triển thị trường sách thơ? Có thể, bởi người đọc thơ thế là vẫn còn nhiều lắm. Năm 2013, Nguyễn Ngọc Tư in tập thơ đầu tay mang tên Chấm với 2.000 bản in đã bán hết vèo. Nếu Nguyễn Ngọc Tư viết văn bằng “tay phải” thì chị làm thơ bằng “tay trái”. Xin bỏ qua danh tiếng của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khiến thơ không ế, nhưng việc thơ bán được là một tín hiệu mừng của những người đang tuyệt vọng vì cho rằng thơ không ai mua!

Best-seller 2013

Các bạn tôi ở trên ấy - Nguyên Ngọc; Bộ Ai từng là con nít gồm 6 cuốn của: Ngọc Nga (Ngọc Mel), Bùi Dzũ, Sâm Cầm, Thiên Bảo (Bảo Bảo), Phan Khoa Nam (Nunu), Thanh Tâm (Tamy Lim), Tạ Thanh Lan (Thanh Lu), Yến Linh (Yeli)...; Khoảng trống - J.K. Rowling, Vương Mộc dịch; Con giai phố cổ - Nguyễn Việt Hà; Bãi vàng, đá quý, trầm hương - Nguyễn Trí; Tại sao các quốc gia thất bại - Daron Acemoglu, James A. Robinson, Nguyễn Thị Kim Chi dịch, hiệu đính: Hoàng Thạch Quân và Hoàng Ngọc Lan, Vũ Thành Tự Anh. Ngồi khóc trên cây - Nguyễn Nhật Ánh; Núi thần - Thomas Mann, Nguyễn Hồng Vân dịch; Việt Nam quốc hiệu cương vực Hoàng Sa - Trường Sa - Nguyễn Đình Đầu; Bộ tác phẩm tuyển chọn (đợt 1) từ cuộc thi văn học tuổi 20 lần V: Urem - người đang mơ (Phạm Bá Diệp), Ở trọ Sài Gòn (Nguyễn Hoàng Vũ), Ngôi nhà không cửa sổ (Khiêm Nhu), Anh đã đợi em từng ngày (Nguyễn Thị Thanh Bình), Hạt hòa bình (Minh Moon); Đối thoại với Mahathir Mohamad - Tom Plate, Lê Thùy Giang dịch; Yersin: Dịch hạch và thổ tả - Patrick Deville, Đặng Thế Linh dịch, hiệu đính: Đoàn Cầm Thi, Hồ Thanh Vân. (nguồn: NXB Trẻ)


Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm