Thoát khỏi Hàm Rồng

23/12/2019 15:02 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Sau Đức Lương, Văn Sơn, đến lượt Công Phượng gia nhập CLB TP.HCM để cứu lấy sự nghiệp. Trước đó, đội bóng phố Núi cũng đã bán đi Đông Triều cho B.Bình Dương, nhượng lại trung vệ Hoàng Lâm cho Hồng Lĩnh Hà Tĩnh... Một cuộc đào thoát khỏi Hàm Rồng như cách đây nửa thập niên, và cảm giác như, cứ được giá là bán, thậm chí cho không.

TPHCM giải cứu Công Phượng hay sự may mắn của tiền đạo quốc dân

TPHCM giải cứu Công Phượng hay sự may mắn của tiền đạo quốc dân

Công Phượng được TPHCM giải cứu khỏi giải vô địch quốc gia Bỉ sau hơn 5 tháng ngồi trên băng ghế dự bị. Tiền đạo quốc dân sẽ trở lại V-League trong tuần tới.

Thị trường trong nước không phải là đích ngắm tới của ông bầu Đoàn Nguyên Đức, khi mở Học viện liên kết với Arsenal và JMG toàn cầu. Bầu Đức đã hướng tới sự tự cường cho nền bóng đá và sinh lời cho doanh nghiệp của ông bằng việc xuất khẩu cầu thủ sang trời Âu, hoặc ít ra là Đông Bắc Á. Vào thời điểm những năm đầu của thế kỷ 21, đó là điều chưa một người Việt Nam nào nghĩ tới.

Nhưng, tham vọng của bầu Đức chưa thành, sau 5 lần 7 lượt gửi quân đi chào giá ở thị trường Đông Bắc Á và hạng thấp Âu châu. Giờ Trường Hải thế vai Hoàng Anh, đấy cũng là hợp nhẽ.

Thành công lớn nhất của ông Đoàn Nguyên Đức, thật oái ăm không phải việc xuất khẩu những cầu thủ triệu đô theo tiêu chí ban đầu, mà lại là vào vai “ông mai” trong việc tác hợp và “thế chấp” bằng tiền lương cho HLV Park Hang Seo với bóng đá Việt Nam. Nếu kể thêm nữa, ông Đức là người truyền cảm hứng cho các ông bầu Việt Nam về thực hiện các chiến lược đào tạo trẻ, tránh việc xây nhà từ nóc như trước đây.

Hơn 20 năm trước, bầu Đức đã đi đầu trong vấn đề tư nhân hoá bóng đá, đẻ ra mô hình doanh nghiệp kết hợp địa phương làm bóng đá, và sau này ông vẫn tiên phong, dù thương đau.

Giờ ông Đức gác kiếm, nhượng lại cuộc chơi cho người khác. Các bản hợp đồng đến năm 28 tuổi của các cầu thủ thuộc Khóa 1 và lớp Năng khiếu tương đương (loại 2) đã bị phá vỡ về mặt cấu trúc, cũng như cam kết ban đầu.

Chú thích ảnh
Sự xuất hiện của Công Phượng tại CLB TP.HCM sẽ giúp sân Thống Nhất mùa tới có thêm nhiều khán giả. Ảnh: Hoàng Linh

Đám trẻ vẫn thương bầu Đức vô điều kiện. Nhưng vấn đề của thị trường và thương trường không cưỡng lại được. Bầu Đức và thuộc cấp của ông, trong lĩnh vực kinh doanh, hẳn nằm lòng vấn đề này. Không sinh lời thì chuyển hướng.

Sản phẩm của Học viện HAGL Arsenal JMG (cũ) phải nói là rất chất lượng. Ở giai đoạn đầu, họ áp đảo hoàn toàn so với “hàng” Hà Nội T&T (cũ). Nhưng trong khi sân Hàng Đẫy tạo ra một môi trường phấn đấu đủ tốt để cầu thủ phát triển, thì sân Pleiku sức chứa hạn chế, lại thiếu đi yếu tố cạnh tranh, cùng một chiến lược bài bản. Đó là lý do “những đứa trẻ của bầu Đức” thụt lại. Với giá phải chăng, các CLB Việt Nam đã rất nhanh chân.

HAGL trở thành một miếng bánh béo bở, và CLB TP.HCM là những người rất biết chớp thời cơ. Đây là đội bóng vốn không có truyền thống đào tạo và kể từ khi sang tên đổi chủ, tất cả đều được mua bằng tiền. Năm nay, đại diện bóng đá Sài Gòn sẽ chinh chiến rất nhiều các mặt trận khác nhau và đó là lý do họ phải làm dầy thêm quân số. Họ đã nhìn và học hỏi các kinh nghiệm xương máu từ B.Bình Dương và CLB Hà Nội.

Cho đến thời điểm này, từ Văn Sơn đến Tiến Dũng, Công Phượng, Huy Toàn..., đều là những bổ sung chất lượng. Những người trẻ tài năng này đã trải qua trăm trận đánh lớn nhỏ ở nhiều cấp độ.

Cuộc tháo chạy khỏi Hàm Rồng, Pleiku, dự là vẫn chưa có hồi kết, thay vào đó, sân Thống Nhất với CLB Sài Gòn và CLB TP.HCM mùa giải tới đây, sẽ rất tấp nập.

Với việc mua vào ồ ạt, vừa đa lại vừa tinh, hy vọng sẽ kéo lại được người hâm mộ bóng đá Sài thành đến sân vào mỗi chiều cuối tuần, như những gì đã diễn ra từ 2 thập niên đổ về trước. Trái tim của nền bóng đá đã rời xa nơi này quá lâu rồi.

Lại mong, nước chảy chỗ trũng! Chỗ trũng ở đây là sân Thống Nhất.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm