Thơ Nguyễn Trãi "hòa nhập" với văn hóa Mỹ

21/05/2011 14:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Như TT&VH đã đưa tin, chiều 20/5, sau khi tới Hà Nội, hai dịch giả Nguyễn Đỗ (hiện đang sống ở Mỹ) và GS Paul Hoover, ĐH bang California (Mỹ) đã cùng với nhà thơ Nguyễn Duy, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên có buổi giao lưu với thầy trò Khoa Sáng tác, Lý luận và Phê bình văn học, ĐH Văn hóa Hà Nội. Mục đích của buổi giao lưu này là để giới thiệu tập thơ Rời xa triều đình (Beyond the Court Gate) của Nguyễn Trãi do Nguyễn Đỗ và Paul Hoover dịch (NXB Counterpath Press, Mỹ ấn hành năm 2010).

TTVH đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Đỗ:

* Lý do gì để anh và Paul Hoover dịch thơ Nguyễn Trãi ra tiếng Anh rồi rủ nhau về Việt Nam để giới thiệu một tập thơ này?

- Từ trước đến nay phần đông chúng ta vẫn hiểu Nguyễn Trãi là một nhà thơ yêu nước, nhiều nhất là qua tác phẩm Bình Ngô đại cáo. Nhiều người lại coi ông như một anh hùng dân tộc hơn là một thi sĩ với những bài thơ không chỉ được người Việt yêu thích mà rất nhiều người trên thế giới yêu thích. Một số bản dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi ra tiếng Việt, cá nhân tôi thấy rằng chưa thể cho thấy hết cái hay của thơ ông. Đó là lý do thứ hai chúng tôi đã quyết định về Việt Nam để “phiên dịch” lại thơ Nguyễn Trãi, làm sao cung cấp cái hay của bài thơ cho người nghe chứ không chỉ chứng minh chúng tôi dịch sát hay có tôn trong niêm luật của các bài thơ hay không...

Thơ Nguyễn Trãi nói chung và 150 bài chúng tôi dịch sang tiếng Anh nói riêng xứng đáng được truyền bá sâu rộng ra thế giới, trong đó có Mỹ. Với tôi, thơ Nguyễn Trãi còn hay hơn cả thơ Đỗ Phủ, Lý Bạch...



Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Đỗ và nhà thơ Paul Hoover

* Vậy để đạt được những bản dịch chất lượng, anh và Paul Hoover đã phối hợp với nhau như thế nào?

- Trước tiên để có thể dịch được thơ Nguyễn Trãi ra tiếng Anh, tôi và Paul Hoover phải là hai nhà thơ. Thứ nữa là giữa hai nhà thơ chúng tôi phải là hai người bạn. Và điều quan trọng nhất để đi đến thành công là chúng tôi phải tương đồng nhau về văn hóa, về ngôn ngữ... Chúng tôi đã đồng cảm trong công việc và hỗ trợ nhau nhiệt tình nên kết quả là không chỉ tôi và Paul Hoover hài lòng với bản dịch mà rất nhiều người khác cũng đánh giá tập thơ dịch thành công.

* Trên TT&VH Cuối tuần số ra ngày hôm qua (20/5) có đăng bài viết “Người Mỹ không còn biết đến thơ!” của Alec Schachner, nghiên cứu sinh ĐH Columbia. Cuối bài anh ta kết luận: “Thật tồi tệ cho thơ Mỹ, khi mà, thơ có vẻ chỉ dành cho các học giả hoặc những con mọt sách!” Vậy anh và Paul Hoover quảng bá thơ Nguyễn Trãi đến với đông đảo người Mỹ như thế nào?

- Thơ Nguyễn Trãi mang đậm “chất văn hóa Á Đông” và rất dễ “hòa nhập” với văn hóa Mỹ. Khi chúng tôi đi nói chuyện với các ngành, các đoàn thể ở những nơi khác nhau chúng tôi thường có một “mục” để nói về đời và thơ Nguyễn Trãi. Năm học tới, ĐH SanFrancisco mở một lớp viết văn và chúng tôi sẽ tiếp tục mang tập thơ này đến đó và thuyết trình về thơ Nguyễn Trãi, đọc thơ Nguyễn Trãi bằng tiếng Anh cho hơn 80 sinh viên của lớp này nghe. Tôi nghĩ rằng, tập thơ này cũng như thơ Nguyễn Trãi nói chung chỉ thông qua “kênh phát thanh” của cá nhân như chúng tôi thì không hiệu quả, mà phải thông qua những người thầy trong các trường đại học, trung học. Họ chính là kênh truyền bá hiệu quả nhất thơ Nguyễn Trãi nói riêng và thơ ca nói chung cho các em học sinh, sinh viên. Đó là môi trường tốt nhất để thơ ca “sống”.

* Vậy sau tập thơ Rời xa triều đình anh có kế hoạch gì để tiếp tục làm cầu nối cho văn học Việt – Mỹ?

- Tôi và Paul Hoover đang tiến hành làm cuốn xin tạm gọi Tổng tập tinh hoa thơ Việt Nam xưa nay bằng tiếng Anh bao gồm thơ dân gian, thơ cổ điển, thơ hiện đại và đương đại. Ngoài ra, tôi cũng đang tiến hành làm một dự án về thơ Phật giáo. Không vội được, lúc nào thấy “như ý” mới xuất bản và chắc chắn sau khi sách ra sẽ “cõng” về Việt Nam giới thiệu.

* Anh cũng là nhà thơ, nhưng mấy năm gần đây thấy anh “lười” sáng tác, chăm dịch thuật hơn thì phải?!

- Thực ra làm thơ hay dịch thơ là một nhu cầu nội tại. Nó giống như người tu hành vậy. Đói anh cũng làm được, no anh cũng làm được, có tiền hay không có tiền anh cũng làm được. Hay giống như một tình yêu đối với một cô gái, đã yêu là vô điều kiện, nó khởi phát từ trái tim mình, không cần phải giàu, không cần phải đẹp. Với tôi, không thể kết thúc con đường thơ của mình một cách nhẹ nhõm. Thế nên, nếu không làm thơ tôi sẽ dịch thơ. Không làm thơ dịch thơ, tôi sẽ đi đọc thơ, truyền bá thơ và buổi giao lưu ngày hôm nay chứng minh cho quan điểm đó của tôi...

* Xin cảm ơn anh.

Sau buổi giao lưu với thầy trò Khoa Viết văn (ĐH VH HN), sáng nay, nhà thơ Nguyễn Đỗ và GS Paul Hoover sẽ mang Rời xa triều đình về Côn Sơn (Chí Linh, Hải Dương) để “ra mắt tập thơ” với Nguyễn Trãi. Sau đó, nhóm sẽ đến Nghệ An, Quảng Ngãi và TP.HCM để tiếp tục quảng bá tập thơ này. Nhà thơ, dịch giả Nguyễn Đỗ và nhà thơ Mỹ Paul Hoover.

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm